Báo Công An Đà Nẵng

Nước Mỹ với “thảm họa kép”

Thứ tư, 03/06/2020 14:31

Trong bối cảnh vẫn đang oằn mình chống đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế, nước Mỹ lại đối mặt với “thảm họa” chính trị còn tồi tệ hơn: các cuộc biểu tình bạo động trên khắp đất nước, vốn đặt Tổng thống Donald Trump vào tình thế “đứng ngồi không yên”.

Người biểu tình ở gần Nhà Trắng bỏ chạy khi cảnh sát bắn hơi cay trong ngày 1-6. Ảnh: AFP

Ông Trump đe dọa huy động quân đội

Trong tuyên bố mới nhất tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng hôm 1-6 (giờ địa phương), Tổng thống Trump cảnh báo sẽ điều quân đội chống dòng người biểu tình bạo lực đang kẹp chặt nước Mỹ, nói rằng ông đang điều hàng ngàn binh sĩ xuống đường phố ở thủ đô Washington và đe dọa sẽ triển khai binh lính đến các bang không thể kiểm soát tình hình.

Màn leo thang kịch tính xảy ra 1 tuần sau cái chết của công dân da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis và kéo theo đó là tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở New York, Los Angeles và hàng chục thành phố khác của Mỹ. Sau khi bị chỉ trích vì sự im lặng trước cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ, ông Trump đã “giễu võ giương oai” trong một cảnh báo gửi đến người biểu tình trên toàn quốc từ khu vườn ở Nhà Trắng, trong khi đó cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình ở bên ngoài.

Và giờ đây là cảnh báo điều động quân đội. “Tôi đang điều động hàng ngàn và hàng ngàn binh sĩ vũ trang, quân nhân và nhân viên thực thi pháp luật để ngăn chặn bạo loạn, cướp bóc, phá hoại, tấn công và phá hủy tài sản bừa bãi”, Tổng thống Trump nói. Ông chỉ trích thống đốc các bang cho rằng, tình trạng bất ổn đêm qua ở Washington như một “sự ô nhục” và kêu gọi các thống đốc  hãy “thống trị đường phố”. “Nếu một thành phố hoặc tiểu bang từ chối thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, thì tôi sẽ triển khai quân đội và nhanh chóng giải quyết vấn đề”, ông nhấn mạnh.

 “Không, cảm ơn”

Hơn 40 thành phố đã áp đặt lệnh giới nghiêm sau những đêm căng thẳng liên tiếp.

AFP cho biết, nhiều vụ cướp bóc đã diễn ra ở New York tối 1-6 (giờ địa phương) trong đó các cửa hàng bao gồm Best Buy và Nike bị hư hại. Thị trưởng Bill de Blasio nhanh chóng tuyên bố lệnh giới nghiêm vào 20 giờ ngày 2-6 tại một thành phố không bao giờ ngủ, sớm hơn 3 giờ so với hôm 1-6.  Ở Los Angeles, nơi Vệ binh Quốc gia được triển khai tại các địa danh của Hollywood như Nhà hát Dolby, một số vụ cướp bóc cũng được báo cáo, mặc dù các cuộc biểu tình chủ yếu là ôn hòa. “Sâu thẳm bên trong, chúng tôi nghĩ là đã đủ”, Jessica Hubbert, một người biểu tình, 30 tuổi, nói.

Trong khi đó, ông Trump đã dành hầu hết các ngày cuối tuần bên trong Nhà Trắng để lên Twitter tấn công vào các đối thủ chính trị và giới truyền thông. Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arkansas Tom Cotton cũng cho rằng Tổng thống Trump nên sử dụng Luật Chống bạo động (Insurrection Act) để triển khai quân đội tại các thành phố xảy ra biểu tình bạo loạn. Đạo luật này được thông qua vào năm 1807, cho phép Tổng thống Mỹ có quyền triển khai quân đội trên toàn lãnh thổ.

Trong khi đó, phản ứng trước lời đe dọa của ông chủ Nhà Trắng, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đáp lại: “Không, cảm ơn”. Theo ông Cuomo, “Tổng thống Trump chỉ muốn vẽ lại thực tế, bất chấp việc nhiều người biểu tình ở Washington xuống đường ôn hòa. Họ là những người trẻ tuổi, đa phần da trắng và họ phản đối vụ sát hại George Floyd” – ông Cuomo nói với CNN. Trong khi đó, Thống đốc bang Illinois J. B. Pritzker - thành viên đảng Dân chủ - cũng cho rằng cách Tổng thống Trump xử lý người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng là “hoàn toàn sai”. Ông Pritzker  thậm chí chỉ trích Tổng thống Trump “thổi bùng căng thẳng thay vì vãn hồi hòa bình”.

LHQ kêu gọi Mỹ bình tĩnh

Cho đến nay, hơn 4.000 người biểu tình đã bị bắt giữ. CNN ngày 2-6 cho biết, một sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng do bị bắn vào đầu trước cửa một tòa án trên đại lộ Las Vegas. AP cho biết, 4 sĩ quan cảnh sát đã trúng đạn tại St. Louis sau khi các cuộc biểu tình tại đây biến thành bạo loạn.

Trước tình thế sục sôi tại Mỹ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi giới chức lãnh đạo nước này kiềm chế trong ứng phó với các cuộc biểu tình bạo loạn và cho rằng cần điều tra làm rõ những cáo buộc xoay quanh vụ công dân Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ. Theo người phát ngôn Stephane Dujarricn, Tổng Thư ký LHQ tin rằng các cuộc biểu tình cần diễn ra trong bầu không khí hòa bình và các lực lượng bảo vệ pháp luật cần kiềm chế trước những hành động quá khích của những người biểu tình.  Làn sóng biểu tình ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31-5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland. Tại thủ đô của Hà Lan và Ireland, ngày 1-6, hàng nghìn người đã tuần hành phản đối tình trạng bạo lực dẫn tới cái chết của công dân Floyd. Bất chấp các biện pháp giãn cách thời kỳ dịch bệnh, khoảng 3.000 người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Dam ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan. Trong khi đó, tại Dublin, người biểu tình đã tuần hành trước Đại sứ quán Mỹ tại Ireland chiều 1-6. Cảnh sát ước tính khoảng 2.000-3.000 người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa này.

KHẢ ANH

>> Biểu tình Mỹ lúc này: Hòa bình ban ngày, bạo động ban đêm

>> Biểu tình tại Mỹ: Sỹ quan cảnh sát bị bắn chết trên đại lộ Las Vegas

>> Nước Mỹ lại “một đêm không ngủ”