Báo Công An Đà Nẵng

Nước Nga “hậu Olympic Sochi”

Thứ hai, 10/02/2014 11:30

(Cadn.com.vn) - Không lâu sau lễ bế mạc Olympic Mùa đông Sochi 2014, nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra quanh vị thế của nước Nga trên trường thế giới.

Olympic Sochi 2014 là niềm tự hào của nước Nga. Ai cũng biết điều đó. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô cũ đăng cai Olympic Mùa hè 1980, nước Nga mới đón chào một đại hội thể thao mang tầm vóc quốc tế lớn như thế này. Khoảng 65 nhà lãnh đạo trên thế giới đến dự Olympic lần thứ XXII, đã khai mạc hoành tráng hôm 7-2.

Và đương nhiên khi đăng cai Olympic, Nga trở thành điểm chú ý của cả thế giới, về sức mạnh nền kinh tế, chính trị, quan hệ các dân tộc trong nước, và cả chính sách đối ngoại. Con số 52 tỷ USD chi cho Olympic này cũng khiến người ta suy ngẫm và làm dấy lên mối lo tham nhũng và...

Tổng thống Putin (giữa) tuyên bố khai mạc Olympic Sochi 2014. Ảnh: AP

MỐI LO KINH TẾ...

Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đối với nhiều người Nga, là thành tựu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông Putin. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Nga, nhưng sự hồi phục cũng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng trong 3 năm sau năm 2009 đạt trung bình 4,1%.

Tuy nhiên, theo báo The Diplomat, vào năm 2013, nền kinh tế Nga chậm lại đáng kể. Tốc độ tăng trưởng chỉ 1,4% và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng chỉ cao hơn một chút, 2,2% vào năm 2014. Nếu như vậy, Nga sẽ là quốc gia tăng trưởng chậm nhất các nền kinh tế BRIC trong năm tới. Trong khi đó, lạm phát vẫn còn tương đối cao khoảng 6-7% trong năm 2013 và có khả năng tiếp tục ở mức đó trong năm 2014. Dầu mỏ - ngành xuất khẩu chủ lực của Nga – cũng gặp khó khăn... Việc lựa chọn Sochi làm địa điểm tổ chức thế vận hội đã tạo điều kiện phục hồi kinh tế khu vực Caucasus, góp phần tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động. Sau Olympic  Sochi, nhiều cơ sở vật chất tại Sochi sẽ được tận dụng lại khi Nga đăng cai World Cup 2018.

Nhưng việc Tổng thống Mỹ- nền kinh tế số 1 thế giới - tuyên bố sẽ không bao giờ chi 50 tỷ USD cho một Olympic, đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu Moscow có chi quá bạo tay cho một đại hội thể thao? Liệu thành quả họ thu về có hơn thế không?...

...KHỦNG BỐ

Tổ chức ly khai Chechnya và các nhóm khủng bố bắt nguồn từ Bắc Caucasus nắm chặt sự chú ý của Nga trong hai thập niên qua. Và đó cũng là mối lo cho Olympic Sochi.

Mặc dù Nga đã nỗ lực lớn lao trong việc ngăn chặn khủng bố tại Olympic và tuyên bố không còn mối lo ngại nào, Mỹ và các nước Châu Âu nhận định nhiều khả năng sẽ xảy ra các cuộc tấn công của phiến quân trong thời gian diễn ra Olympic 2014. Tuy nhiên, theo nguồn tin, khủng bố có thể sẽ nhằm vào các mục tiêu “mềm” ở những khu vực khác của Nga như phương tiện giao thông công cộng hay các địa điểm tập trung dân cư khác.

Washington ngày 7-2 ra cảnh báo đi lại mới đối với công dân nước này tham dự Olympic Sochi về mối đe dọa an ninh mạng. Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau một cảnh báo tương tự trước đó 2 tuần và cùng ngày lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul bắt giữ một người đàn ông Ukraine bị cáo buộc tìm cách tấn công một máy bay dân dụng loại lớn và chuyển hướng bay về Sochi. Cảnh báo khuyến cáo các công dân Mỹ ở Sochi luôn mang theo hộ chiếu và thị thực vào Nga cũng như các giấy tờ quan trọng khác.

Nhưng thách thức đặt ra bởi chủ nghĩa cực đoan bạo lực có thể không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất mà Nga phải đối mặt “hậu Olympic” mà là sự phát triển lực lượng lao động người nhập cư từ Trung Á, Caucasus và các thành phố lớn nhất của Nga.

VỊ THẾ NƯỚC NGA

Giới phân tích cho rằng, Olympic Sochi chính là ván bài đầy rủi ro của Tổng thống Putin. Nếu xảy ra một cuộc tấn công khủng bố ở Sochi, uy tín quốc tế của nước Nga sẽ đi theo mây khói. Nhưng nếu thành công, Olympic Sochi sẽ nâng tầm vị thế của nước Nga và cả ông chủ Điện Kremlin lên một nấc thang mới.

Chắc chắn chưa ai có thể quên hình ảnh ông Putin rơi lệ tại cuộc mít-tinh mừng chiến thắng sau bầu cử Tổng thống hồi tháng 3-2012 bởi đây là hình ảnh hiếm thấy của một con người cứng rắn như ông Putin. Và giờ đây, chắc chắn cũng không ai có thể quên những tuyên bố chắc nịch của ông Putin về một “Sochi an toàn nhất thế giới”. Rõ ràng, Sochi vẫn luôn là niềm tự hào của Tổng thống Putin, người khẳng định làm hết mình vì uy tín nước nhà. Giờ còn quá sớm để nói đến thành bại của Olympic đắt giá nhất lịch sử thế giới này nhưng rõ ràng, nếu mọi việc suôn sẻ tại Sochi, đó sẽ là bàn đạp quan trọng để hướng nước Nga đến những con đường rộng mở hơn.

Đó chính là lời cam kết từ nước Nga và cũng là vị thế của nước Nga.

Khả Anh