Báo Công An Đà Nẵng

Nước Pháp trong “ngày quyết định”

Thứ hai, 08/05/2017 09:46

(Cadn.com.vn) - Ngày bỏ phiếu quyết định lần này diễn ra sau một chiến dịch tranh cử chưa từng có, được đánh dấu bởi nhiều vụ bê bối, những bất ngờ lặp đi lặp lại và một cuộc tấn công mạng vào phút chót nhằm vào ứng viên số 1 Emmanuel Macron.

Ngày 7-5, cử tri Pháp đi bầu tổng thống mới, lựa chọn giữa ứng viên Emmanuel Macron trẻ trung và nhà lãnh đạo phe cựu hữu Marine Le Pen. Đây là cuộc bầu cử mang tính quyết định không chỉ đối với vận mệnh nước Pháp mà cả Liên minh Châu Âu (EU) và toàn bộ bàn cờ chính trị thế giới.

Theo AFP, từ 6 giờ (13 giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu chính thức mở cửa để đón tiếp các công dân. Tổng cộng 47,58 triệu người đăng ký đi bỏ phiếu. Kết quả sơ bộ đầu tiên có khả năng được công bố sớm nhất vào lúc 19 giờ 45 (giờ địa phương).

Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande bỏ phiếu bầu tại Tulle. Ảnh: Reuters

MACRON HAY LE PEN?

Đây là cuộc đua song mã gay cấn giữa ứng viên Macron theo đường lối trung dung và Le Pen thuộc phe cực hữu.

Các kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, 59% số cử tri ủng hộ ông Macron, trong khi bà Le Pen chỉ giành được 41%. Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ cử tri không đi bầu vòng 2 có thể sẽ khá cao, động thái sẽ gây bất lợi cho ông Macron. Bởi nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng cao, điều này vô hình chung sẽ làm tăng tỷ lệ phiếu bầu cho bà Le Pen.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cho dù ai trở thành tổng thống, ông Macron hay bà Le Pen, họ cũng đều đối mặt nhiều thách thức khi phải kế thừa một đất nước bị chia rẽ cay đắng. Pháp đang phải chịu đựng nạn thất nghiệp cao, nền kinh tế trì trệ và mối lo ngại lớn về an ninh. Chính phủ Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande phải vật lộn trong khó khăn khi đương đầu với vấn nạn nhập cư và hội nhập. Điều đó được thể hiện trong cuộc bầu cử vòng 1 khi cử tri bác bỏ ứng viên của tất cả các đảng chính trị chính thống ở Pháp.

Và cho dù ai thắng trong cuộc bầu cử này, nó cũng sẽ gây ra sự thay đổi sâu sắc đối với Pháp, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và là cường quốc quân sự toàn cầu.

ÔNG MACRON VÀ “BÓNG MA” THẤT BẠI CỦA BÀ CLINTON

Dù nắm giữ lợi thế rất lớn và toàn thắng trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Macron bước vào cuộc bầu cử vòng 2 với tâm trạng đầy lo âu.

Trước giờ G (trong 48 giờ im lặng theo luật bầu cử Pháp), hàng ngàn thư điện tử liên quan chiến dịch tranh cử của ứng viên Macron đã bị đánh cắp và tung lên mạng. Nhóm vận động tranh cử của ứng viên Macron cho biết, các dữ liệu bị đánh cắp cách đây nhiều tuần, khi tài khoản email cá nhân và công việc của một số quan chức từ đảng Tiến bước! bị tấn công - một trong số hàng loạt các vụ tấn công mạng “quy mô và liên tục” nhằm vào ứng viên Macron kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử.

Hiện chưa rõ ai đứng sau vụ tấn công này, nhưng chính phủ Pháp và đội ngũ chiến dịch của ông Macron cáo buộc Điện Kremlin “đang cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử” - cáo buộc Moscow hoàn toàn bác bỏ. Ủy ban Bầu cử Pháp chỉ trích vụ tấn công mạng này, cảnh báo bất cứ ai phát tán tài liệu bị rò rỉ từ phong trào này đều có thể bị coi là tội phạm. Theo Luật Im lặng, giới báo chí Pháp hạn chế đưa tin về vụ tấn công mạng. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy, ông Macron được dự đoán sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, đây là kết quả được công bố trước khi xảy ra vụ tấn công mạng.

Tất cả những động thái này làm người ta nhớ đến vụ tấn công mạng nhằm vào đảng Dân chủ của ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. Và người ta lo ngại bóng ma thất bại của bà Clinton sẽ ám ảnh lên số phận ông Macron.

Khả Anh

Ngày 7-5, cảnh sát Pháp nói với hãng tin Sputnik rằng, lực lượng này đã liệt 3 đối tượng vào danh sách truy nã vì tình nghi chuẩn bị tấn công khủng bố trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vòng 2. Trong số những nghi can trên có 2 công dân Bỉ là Bilal Al Marchori và Tarik Jadaoun, và một người có quốc tịch Afghanistan tên Zabihullah Sarwari.