Báo Công An Đà Nẵng

Nước Pháp và nhiệm vụ chống khủng bố

Thứ bảy, 17/01/2015 08:50

(Cadn.com.vn) - Tuyên bố nhận trách nhiệm của Al-Qaeda tại bán đảo Arab (AQAP) về loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris đặt nặng trách nhiệm chống khủng bố lên vai nước Pháp.

AQAP nhận trách nhiệm trong bối cảnh Tổng thống Francois Hollande có bài phát biểu trên tàu sân bay duy nhất Charles de Gaulle trong đó tuyên bố có thể sẽ điều tàu này đến Trung Đông – nơi Paris đang tham chiến cùng Mỹ chống lại nhóm chiến binh Hồi giáo IS. “Nhờ tàu Charles De Gaulle, chúng ta sẽ có thông tin tình báo... chúng ta cũng có thể tiến hành các chiến dịch tại Iraq”, ông Hollande nói.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (thứ hai bên trái) trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16-1 tại thủ đô Paris bàn về biện pháp chống khủng bố. Ảnh: Reuters

TẠI SAO ĐIỀU CHARLES DE GAULLE ĐẾN YEMEN?

Khi giới phân tích nói về khả năng liên kết giữa các tay súng tấn công Charlie Hebdo với trùm khủng bố Al-Awaki đã bị giết chết tại Yemen - phản ứng của Pháp đang được “tô màu” bởi rất nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, “một cuộc xâm lược Yemen là khó xảy ra, trong điều kiện cam kết quốc tế và những gì đang xảy ra ở nước này khi Mỹ đã không kích ở đây trong nhiều năm”, David Schanzer, Giám đốc Trung tâm Tam giác chống khủng bố và an ninh nội địa Mỹ cho biết. Và theo ông, Mỹ đang làm mọi thứ có thể ở Yemen và việc triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle đến Yemen cũng nằm trong kế hoạch này.

Trên thực tế, Pháp và Mỹ ở cùng chiến tuyến chống khủng bố trong gần 14 năm qua. “Vào đầu tháng 10-2001, Paris bắt tay với NATO tại Afghanistan chống Al-Qaeda và Taliban. Năm 2013, Pháp phát động chiến dịch quân sự tại Mali tiêu diệt Al-Qaeda. Và năm ngoái, Pháp tham chiến cùng Mỹ chống IS ở Iraq và Syria.

PHÁP SẼ MỞ CUỘC CHIẾN Ở TRUNG ĐÔNG?

Pháp đang chuyển mình nhiều hơn nữa theo hướng sử dụng lực lượng quân sự chống khủng bố ở nước ngoài trong những năm gần đây. Đó là sự thay đổi từ một thập kỷ trước, khi nước này có xu hướng tập trung chủ yếu vào các mặt trận trong nước.

Giới chức Pháp đêm 15-1 bắt giữ 12 người - 9 người đàn ông và 3 phụ nữ - ở ngoại ô Paris có liên quan tới các cuộc tấn công khủng bố hồi tuần trước khiến 17 người chết. Theo Reuters, những người này sẽ bị thẩm vấn về “sự hỗ trợ về hậu cần” có thể đã cung cấp cho những kẻ khủng bố, đặc biệt là xe cộ và vũ khí.

Yếu tố quan trọng đằng sau thay đổi này là sự công nhận rằng, bản chất các mối đe dọa khủng bố ngày càng phức tạp và liên quan đến những kẻ ẩn náu an toàn ở nước ngoài. CNN dẫn trường hợp của Mohammed Merah, kẻ thảm sát 7 người trong loạt các vụ tấn công ở miền nam nước Pháp vào năm 2012, là ví dụ điển hình về mối lo “chiến binh trở về”. Merah bị bắn chết sau cuộc bao vây dài ở Toulouse năm đó nhưng y kịp nói với cảnh sát về việc tham dự trại huấn luyện của Al-Qaeda khi đến thăm Afghanistan và Pakistan. Đây là vụ việc dẫn đến quyết định can thiệp chống lại Al-Qaeda ở Mali vào năm 2013.

Và không người Pháp nào muốn nhìn thấy kịch bản tương tự ở Mali, nơi Pháp hiện có 2.150 binh sĩ trên mặt đất và hơn 1.000 quân hỗ trợ các hoạt động từ nơi khác. Thay vào đó, Pháp có thể chọn sử dụng các lực lượng hoạt động đặc biệt, vốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong những năm gần đây, hoặc thậm chí mở các cuộc không kích bằng máy bay không người lái. Nhưng trong cả hai trường hợp, họ không thể hành động một mình mà cần có các đồng minh, nhất là Mỹ.

Liệu Pháp có đem quân đến Yemen? Điều này phụ thuộc vào các mục tiêu hành động đề ra như liệu tấn công quân sự có thể hủy diệt AQAP hay không?

LÀM GÌ Ở NHÀ?

Giới phân tích cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến giới chức Pháp không thể ngăn chặn hay dự cảm về loạt khủng bố ở Paris. Đó là do lực lượng an ninh quá mỏng, chủ quan và thiếu hợp tác hiệu quả với tình báo Mỹ.

Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Pháp hiện nay là rà soát lại hệ thống pháp luật để từng bước ngăn chặn đà hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố nước ngoài, vốn đang đào tạo những công dân từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, Paris phải theo dõi chặt chẽ những công dân Pháp có tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài khi về nước. Anh em sát thủ Cherif Kouachi và Said Kouachi trong vụ tấn công Charlie Hebdo, là công dân Pháp vốn nhẵn mặt với cơ quan an ninh. Người em Cherif  từng ở tù vì liên quan khủng bố, và đã ở Syria từ hồi mùa hè năm 2014. Trong khi đó, người anh Said từng đi Yemen tham gia trại đào tạo chiến binh cực đoan.

Nhưng rồi, cuối cùng, tình báo Pháp không thể biết bất kỳ điều gì về vụ tấn công vốn được cho là lên kế hoạch kỹ lưỡng này.

Khả Anh