"Nước sạch" bỗng dưng đen đục
Người dân ở hai xã Lộc Thủy và Lộc Tiến (H. Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) lo ngại về việc nước sinh hoạt mà họ vẫn đang sử dụng hàng ngày liên tục ở trong tình trạng ô nhiễm, đen, đục ngầu...
Nước có màu đen đục có nhiều cặn và khẩu trang sau khi lọc nước. |
"Nước sạch" có màu đen đục
Mới đây, theo phản ánh của nhiều hộ dân tại các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, hiện tại nguồn nước được cho là nước sạch sinh hoạt hàng ngày của họ đang bị ô nhiễm, chuyển màu đen đục… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và sinh hoạt hàng ngày.
Để ghi nhận về vấn đề trên, chúng tôi có mặt tại nhà ông Trần Minh (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến) khi ông đang loay hoay với vòi nước sinh hoạt của gia đình. Ông chỉ vào những vết đen ố thấm bám dày trên chiếc khẩu trang y tế và màu nước đục ngầu, chứa đầy cặn đen trong bồn rửa mặt nói: "Chỉ cần dùng khẩu trang hay khăn thấm áp vào vòi nước tầm 5 phút là thấy lớp cặn đen ngòm. Những ngày qua gia đình nhà tôi không thể sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt nên rất bất tiện"… "Rót nước vào ly thủy tinh rồi để qua một đêm, sáng ngày mai là cả lớp cặn đen dày cộm đóng ở đáy nhìn rất kinh hãi. Thử hỏi nước như thế thì làm sao mà uống", bà Nguyễn Thị Thúy (người dân xã Lộc Thủy) bức xúc tiếp lời.
Để khắc phục tạm thời vấn đề trên, ban đêm người dân phải tranh thủ lọc nước để tạm dự trữ, còn nấu ăn hay uống thì họ phải mua nước lọc bình. Cuộc sống những ngày này của các hộ dân tại đây dường như bị đảo lộn hoàn toàn.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phan Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến và ông Nguyễn Văn Hoàng- Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy đều xác nhận thông tin người dân phản ánh là có và đã báo cáo sự việc lên cấp trên cũng như đơn vị cấp nước để kịp thời xử lý. Chính quyền địa phương cũng đề nghị người dân kiểm tra nguồn nước, cần bình tĩnh, tránh hoang mang trong lúc dịch COVID-19 vẫn còn rất phức tạp.
Nhân viên HueWACO kiểm tra, khắc phục sự cố. |
Nguồn nước có đảm bảo?
Theo tìm hiểu, nguồn nước được người dân phản ánh trên được cung cấp bởi Nhà máy nước Chân Mây thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên- Huế (HueWACO). Nhà máy nước Chân Mây hiện cung cấp nước cho toàn bộ các hộ dân tại 4 xã, thị trấn trong Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô gồm Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và Lăng Cô. Nguồn nước được HueWACO sử dụng từ sông Thừa Lưu.
Theo người dân, nguồn nước từ sông Thừa Lưu khá ô nhiễm vì rác thải, sông này gần mỏ đá và cạnh các đồng ruộng. Nước luôn có màu đen đục trong khi đó trên địa bàn có rất nhiều sông suối tự nhiên chảy từ núi xuống, vì vậy việc lấy nước từ đây là không hợp lý.
Có mặt cách điểm hút nước của Nhà máy nước Chân Mây 400m, chúng tôi quan sát thấy nước của khúc sông này có màu đen đục, rác thải, tạp chất trôi khắp nơi bốc mùi hôi thối… Có thể thấy rằng nguồn nước của sông Thừa Lưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Trần Tiến (xã Lộc Tiến) cho biết: "Bỏ tiền ra mua nước sạch để sử dụng mỗi ngày, nhưng đến nay nguồn nước ô nhiễm thế này khiến cuộc sống của chúng tôi đảo lộn hoàn toàn. Gia đình tôi bây giờ vô cùng lo lắng khi lâu nay chúng tôi đang sử dụng nguồn nước ô nhiễm để ăn uống, sinh hoạt thì liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe".
Trao đổi với chúng tôi, ông Tôn Thái Hà- Phó Giám đốc Xí nghiệp Hương Phú thuộc Công ty HueWACO xác nhận, đã nhận được kiến nghị, phản ánh từ người dân và đã tổ chức họp, khẩn trương xử lý. Đơn vị cũng gửi lời xin lỗi đến khách hàng.
Ông Hà cho rằng, nguyên nhân nguồn nước có màu đục vì 1 trong số 5 bể lọc của Nhà máy nước Chân Mây đã xuống cấp, mục rữa phần bê-tông bên trong mép tường của đáy bể lọc, gây mất liên kết với phần đan lọc inox. Phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng này vào bể chứa. Do phần hư hỏng này nằm ở đáy bể lọc với độ sâu 2m nên không phát hiện kịp thời nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc này. Tuy nhiên, để đảm bảo cấp nước cho người dân trong mùa cao điểm nắng nóng, công ty chưa thể ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ.
Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng vừa qua dẫn đến hiện tượng thiếu hụt nguồn nước trong giờ cao điểm, lượng nước trong bể chứa cũng như lưu lượng nước cấp ra mạng vì thế bị giảm đột ngột, xáo trộn trong hệ thống mạng lưới đường ống. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đục nước cục bộ tại một số vị trí.
Ngay khi phát hiện công ty đã cho ngừng hoạt động bể lọc để khắc phục tạm thời sự cố đồng thời đã cử nhiều nhân viên khẩn trương kiểm tra chất lượng nước tại nhà khách hàng.
Còn về việc sử dụng thêm nguồn nước từ sông Thừa Lưu, HueWACO cho rằng do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng cực đoan làm chất lượng nguồn nước suy giảm và không đủ lưu lượng cung cấp cho nhà máy. HueWACO đã có công văn gửi UBND H. Phú Lộc, UBND các xã, Ban cấp nước an toàn tỉnh. Về chất lượng nước, trước khi khai thác, HueWACO đã tiến hành lấy mẫu gửi các trung tâm kiểm nghiệm bên ngoài (Quatest 2 và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên- Huế) phân tích các chỉ tiêu về thuốc trừ sâu và chất lượng nước sau xử lý được Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả chất lượng nước sông Thừa Lưu đạt QCVN 08:2015/BTNMT (chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt); chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN 01:2009/BYT (chất lượng nước ăn uống)...
Hoài Nhân