Báo Công An Đà Nẵng

Nuôi cá lồng bè ở Quảng Nam: Lợi nhuận cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ bảy, 07/07/2018 12:00

Nuôi cá lồng bè là một trong những mô hình kinh tế xuất hiện trong những năm qua với nhiều tiềm năng, nguồn lợi lớn. Tuy vậy, cho đến nay, ở Quảng Nam, mô hình này  vẫn còn đang diễn ra nhỏ lẻ, manh mún cùng nhiều rủi ro.

Nghề nuôi cá lồng bè mang lại nguồn lợi kinh tế cao còn nhiều rủi ro.

Tiềm năng lớn

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, trú P. Hòa Phước (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là một trong những điển hình trong thành công bước đầu từ nuôi cá lồng bè. Tốt nghiệp Đại học, anh có được công việc đúng chuyên môn với mức lương ổn định nhưng một lần được người quen giới thiệu về tiềm năng của nghề nuôi cá lồng bè nên anh gạt tất cả qua một bên về quê khởi nghiệp với nghề nuôi cá. Anh đầu tư số vốn ban đầu gần 300 triệu đồng để làm 10 lồng bè, mua cá diêu hồng giống về thả ở sông Tam Kỳ. Cá thả bè thường được nuôi từ 6-7 tháng là có thể xuất bán với giá tùy vào từng thời điểm dao động từ 40-50 nghìn/kg. Hiện tại, Nghĩa đang mở rộng sản xuất, dự kiến sẽ tăng số lồng và cá giống.

Ông Trần Hường, P. Cửa Đại (TP Hội An) cho hay, cả gia đình ông từ vợ chồng đến con cái hiện đang theo nghề nuôi cá lồng bè. Riêng vợ chồng ông có đến gần 100 lồng thả trên khu vực Cửa Đại với mức thu nhập bình quân hằng năm hơn 300 triệu đồng.

“Các loại cá giống đều là loại cá được thị trường rất ưa chuộng như cá diêu hồng, cá mú... Mình bỏ vốn để mua cá giống tại các cơ sở bán cá giống trên địa bàn tỉnh về chịu khó học hỏi kinh nghiệm, mánh khóe nuôi cá đạt chất lượng thì dễ dẫn đến thành công nếu không có trở ngại gì. Gia đình tôi đã nuôi cá mấy năm nay nên đời sống kinh tế cũng dần khấm khá hơn, có của ăn của để cũng nhờ nuôi cá lồng bè”, ông Hường chia sẻ.

Nghề nuôi cá lồng bè xuất hiện ở hầu hết các huyện trên địa bàn Quảng Nam như: Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình... đến các huyện miền núi như: Nam Trà My, Bắc Trà My. Lợi dụng nguồn nước thuận lợi ở các con sông, cửa biển người dân tiến hành thả lồng để nuôi cá, phát triển kinh tế. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện tại, trên địa bàn có gần 13.000 ha diện tích nước ngọt có thể khai thác để nuôi cá lồng bè với 3.000 lồng cung cấp ra thị trường 4.000 tấn cá mỗi năm. Định hướng đến năm 2020, con số lồng bè sẽ tăng lên 4.000-5.000, khi đó sản lượng cá cung cấp là 6.000 tấn. Trong đó, các loại cá được người dân thả lồng như: Cá diêu hồng, cá bớp, cá chẽm, cá dìa, cá mú...

Nỗi lo lớn nhất của người nuôi cá lồng bè là cá chết.

Còn nhiều nỗi lo

Nuôi cá lồng bè mang lại nguồn lợi kinh tế cao là điều không cần bàn cãi. Tuy vậy, đây cũng là nghề đầy rủi ro. Mới đây, sự việc cá lồng bè trên sông Tam Kỳ đoạn chảy qua xã Tam Phú chết hàng loạt khiến người dân như “ngồi trên đống lửa” là một ví dụ. Theo người dân, tình trạng cá chết diễn ra đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng không rõ nguyên nhân. Cá chết nổi đầy trên mặt nước gây mùi hôi thối, khó chịu khiến người dân phải bỏ công sức để vớt cá mang đi chôn. Ông Nguyễn Hùng (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) đã có kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng bè bộc bạch, nuôi cá lồng bè nếu gặp may mắn thì đổi đời, ngược lại nếu không được “trời thương” thì ngậm ngùi trắng tay. Đợt cá chết vừa qua gia đình ông Hùng cũng không tránh khỏi.

Theo phân tích của ông Hùng, “khắc tinh” của nghề nuôi cá là sự biến đổi thời tiết. “Thời tiết mát mẻ, thuận lợi thì cá sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nhưng ngược lại thì cá sinh trưởng chậm và rất dễ bị chết. Có khi, một lồng cá phải tốn công chăm sóc đến tận 10 tháng mới có thể xuất bán. Thời gian qua, sự biến đổi của thời tiết, liên tục những đợt nắng nóng kéo dài cũng gây không ít trở ngại cho nghề chăn nuôi. Trường hợp vào mùa mưa bão thì rủi ro càng nhân lên cao”, ông Hùng chia sẻ.

Theo nhận định của các chuyên gia cùng các ngành chức năng, nuôi cá lồng bè còn là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường sông nước rất cao. Ngoài ra, điều này còn gây cản trở giao thông đường thủy, chặn dòng chảy... dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Xuất phát từ kế sinh nhai, người dân thường bất chấp để thả lồng chăn nuôi, điều này các cơ quan chức năng không khuyến cáo nhưng cũng không thể mạnh tay ngăn chặn. Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là đầu ra sản phẩm, đa số thả nuôi với quy mô nhỏ lẻ nên đầu ra cũng bấp bênh, may rủi. Điều đáng lo ngại là thương lái thường “bóp” giá theo ngẫu hứng, chưa có sự “liên kết” giữa những người nuôi cá để bình ổn giá.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho rằng, việc người dân nuôi cá lồng bè là hoàn toàn tự phát và còn manh mún, nhỏ lẻ. Tại Quảng Nam chỉ có một số nơi được các ngành chức năng cho phép thả nuôi còn lại đa số là người dân tự ý. Trong khi đó, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam thì cho rằng, chính việc người dân tự ý thả nuôi nên xuất hiện nhiều bất cập, rủi ro, yếu kém. Để chăn nuôi đạt hiệu quả cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, tìm ra một hướng đi mới. Điều quan trọng phải áp dụng các phương tiện kỹ thuật tốt nhất, khoa học nhất, bài bản nhất, tạo ra sản phẩm chất lượng nhất. Hiện, các ngành chức năng tỉnh cũng đang tổ chức rà soát, quy hoạch lại đối với nghề nuôi cá lồng bè.

PHI NÔNG