Báo Công An Đà Nẵng

Nuôi chồn hương - Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ năm, 17/10/2024 09:15
Trang trại nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Đức.

Mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi

Trang trại nuôi chồn hương Đức Thắng do anh Nguyễn Văn Đức, trú thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc làm chủ, hiện đang nuôi hơn 1.000 con chồn hương. Tâm sự về cơ duyên đến với mô hình nuôi chồn hương, anh Đức kể: “Năm 2019, sau khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về, đang loay hoay chưa biết nên làm gì để phát triển kinh tế gia đình thì trong một chuyến vào TP Hồ Chí Minh, tôi phát hiện mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên đã tìm hiểu, học tập kỹ thuật và quyết định về đầu tư vốn để xây dựng trang trại để nuôi. Sau khi hoàn thành các thủ tục, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tôi đã mua 50 con giống về nuôi. So với các vật nuôi khác, chồn hương có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều, nhất là nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng ngày càng lớn nên đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi. Sản phẩm có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, giá lại cao hơn so với các con vật nuôi khác thời điểm này”. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên đàn chồn hương của anh Đức ngày càng sinh sôi, phát triển. Năm 2022, anh bán ra thị trường hơn 600 cặp con giống; năm 2023, anh bán ra hơn 1.500 cặp con giống.

Sau khi tham quan trang trại nuôi chồn hương Đức Thắng, anh Trần Hậu Tuệ (trú thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 250 ô chuồng trên diện tích 300m2 để nuôi. Anh Tuệ cho biết, tận dụng trang trại nuôi lợn không mấy hiệu quả, sau khi tham quan mô hình nuôi chồn hương của anh Đức, anh quyết định chuyển sang nuôi chồn. Ban đầu chỉ nuôi 30 cặp bố mẹ, sau thấy hiệu quả kinh tế nên đã tăng đàn. Đến thời điểm hiện tại đã lên đến 150 con bố mẹ sinh sản và chồn con.

Cũng mạnh dạn chuyển đổi mô hình vật nuôi và nuôi chồn khá thành công, anh Mai Khắc Thạch (trú xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi lợn, thế nhưng hiệu quả không cao. Sau khi tham quan các mô hình nuôi chồn hương, tôi đã mua vài cặp giống về nuôi thử. Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay, tính cả đực lẫn cái, chuồng nuôi của tôi có hơn 150 con”. Anh Thạch cho biết thêm, sau 2 năm nuôi chồn hương, nhận thấy nghề nuôi chồn đem lại kinh tế cao và ổn định nên anh dự định sắp tới sẽ phát triển mô hình này với quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mỗi năm cho thu nhập tiền tỷ

Theo người chăn nuôi chồn, một con chồn mẹ có thời gian mang thai khoảng từ 54 ngày đến 60 ngày; mỗi năm sinh sản 2 đến 3 lứa, mỗi lứa 3 đến 5 con. Chồn con nuôi khoảng 2 tháng sẽ có trọng lượng từ 0,6 kg đến 1kg, được bán với giá từ 1,8 triệu đến 2,2 triệu đồng/kg. Chồn giống nuôi 8 tháng có giá trung bình từ 10 triệu đồng/cặp.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi chồn hương nơi đây, chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, đồng thời sát khuẩn chuồng từ 1- 2 lần/tuần. Điều đặc biệt, là loài có giá bán cao nhưng chi phí nuôi chồn hương lại rất thấp…

Sau thời gian 4 năm, hiện tại trang trại nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Đức đã có 300 con chồn bố mẹ và 700 con chồn nhỏ. Với giá bán mỗi cặp chồn giống là từ 10 triệu đến 12 triệu đồng; chồn thương phẩm từ 1,5 triệu đến 2,2 triệu đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Đức lãi hơn 3 tỷ đồng. Theo anh Đức, chồn hương là loài vật nuôi rất dễ nuôi, ăn tạp chủ yếu là ăn chuối, cá rô phi, đầu gà, trứng ngạt...(trung bình mỗi con chồn chỉ mất khoảng 3.000 đến 4.000 đồng tiền thức ăn/ngày). Chồn ít bị bệnh, diện tích chuồng không cần rộng, nhưng phải đảm bảo hệ thống giữ ấm vào mùa đông, phun sương chống nóng vào mùa hè. Nói chung, phải đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định thì chồn mới phát triển tốt.

Với hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi chồn hương mang lại, hiện rất nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh đang mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi loài vật này. Với mong muốn nghề nuôi chồn hương phát triển hơn nữa tại Hà Tĩnh, anh Nguyễn Văn Đức đã không ngần ngại chia sẻ kỹ thuật nuôi cho những người có mong muốn nuôi chồn hương và những người chăn nuôi nhỏ lẻ tìm đến tham quan, học hỏi.

Theo quy định tại Nghị định số 06/2019 ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì Chồn hương thuộc danh mục IIB- Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Trước vấn đề trên, ông Phan Anh Tuấn- Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc cho biết, trên địa bàn huyện Can Lộc hiện có 6 cơ sở gây nuôi động vật rừng hoang dã này. "Đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền tới tận các cơ sở gây nuôi bằng những văn bản quy định của pháp luật. Thời gian qua, các cơ sở gây nuôi trên địa bàn Can Lộc thực hiện rất tốt công tác nuôi, không có các chủ hộ nuôi trái phép. Chúng tôi luôn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc của loại động vật rừng, đặc biệt là nguồn giống đầu vào và nguồn giống xuất bán cho địa phương khác. Nếu nuôi chồn hương, người chăn nuôi cần phải mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước"- ông Tuấn cho biết.

X.Sơn