Nuôi con chữ trên sườn núi Ngọc Linh
(Cadn.com.vn) - Sườn núi Ngọc Linh bốn mùa mây phủ trắng xóa... Thấy có khách lạ lên, 3 cô giáo "cắm bản" ở thôn Tắc Lang mừng lắm, cứ quýnh quáng thẹn thùng, e ngại... Lúc rời Tắc Lang tiếp tục cuộc hành trình, tôi bất chợt nhận thấy những đôi mắt ngấn lệ...
Từ thị trấn Tắc Pỏ, H. Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lên đến Trung tâm xã Trà Linh, chúng tôi phải vật vã gần 3 tiếng đồng hồ trên chiếc xe U-oát của UBND huyện, để vượt con đường dốc chỉ khoảng hơn 30km lầy lội, trơn trượt khủng khiếp... Từ trung tâm xã, cắm mặt xuống con đường mòn cũng gần 3 tiếng nữa, chúng tôi mới lên được Tắc Lang - cái thôn nhỏ với hơn 120 hộ dân bà con Mơ Nông sinh sống, khi mặt trời đã đứng bóng.
Cơn mưa rừng bỗng đột ngột đổ ào ào xuống sườn núi Ngọc Linh khi chúng tôi vừa kịp bước lên ngôi nhà sàn của gia đình Xã đội trưởng Trà Linh - Hồ Văn Điều. Một mâm cơm tươm tất đã dọn sẵn trên những chiếc chiếu trải trên sàn nhà, 3 cô gái trẻ măng, nhìn đúng là người dưới xuôi lên, thẹn thùng mời khách... Anh Hồ Văn Điều vồn vã: "Đã nhận được tin từ dưới huyện nên thôn làm cơm mời các anh, may mà có các cô giáo đến giúp mới kịp đấy...".
Lớp học của cô giáo Vĩnh ở Tắc Lang. |
Thì ra, 3 cô gái trẻ này là cô giáo "cắm bản". Thấy khách lên, các cô mừng lắm, nhưng cứ quấn với nhau thẹn thùng. Anh Điều giới thiệu: Cô Nguyễn Thị Vĩnh, cô Lê Thị Thu Hà là giáo viên tại điểm trường Tiểu học của thôn, còn cô Nga dạy tận bên Măng Lùng, một thôn cách Tắc Lang chừng 2 giờ đi bộ, nghe tin bên này có khách, cũng sang cho vui. Hồ Văn Điều đãi khách bằng một ché rượu cần nếp rẫy thơm lựng, cơn mưa rừng vẫn rả rích.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, sau mấy tháng thất nghiệp về giúp cha mẹ làm cỏ mía ở quê Hiệp Hòa (Hiệp Đức), cô sinh viên Nguyễn Thị Vĩnh tình nguyện lên Trà Linh làm giáo viên cắm bản. Ngày đầu lên nhận công tác, cô nữ sinh 22 tuổi cõng ba lô hăm hở vượt dốc. Đi mãi, nhìn lên vẫn chỉ thấy mây trắng bồng bềnh bao phủ, Vĩnh đã sắp òa lên khóc...!
Đi miết rồi cũng tới Tắc Lang, ông Trưởng thôn nắm tay dẫn Vĩnh tới ngôi nhà (thưng bằng ván gỗ, lợp tranh, rộng chừng 15m2) nằm chênh vênh bên sườn núi, ngay đầu thôn, trịnh trọng: "Nhà của cô giáo đây...". "Ngôi nhà" không giường, không bếp, không đèn, không điện, bốn bề là rừng cây bao phủ, Vĩnh lại sắp òa lên khóc... Bà con tới "xem" cô giáo rất đông, rồi đi chặt lồ ô, làm cho cô giáo một chiếc giường, dựng một cái bếp xếp vào đó một ang gạo rẫy hạt gạo đỏ như trứng kiến đầu mùa...Vĩnh lặng người, nước mắt rơi tự bao giờ trước tấm lòng mộc mạc mà chân tình của dân làng Mơ Nông.
Điểm trường Tắc Lang còn có thầy Hồ Văn Ven, Hồ Văn Hùng, các thầy chính là những người có "học hàm, học vị" cao nhất ở Trà Linh, có gia đình ở ngay Tắc Lang, sáng lên lớp, chiều lên rẫy trồng lúa, trồng sâm Ngọc Linh. Đêm đầu tiên ở Tắc Lang, sương giăng mịt mù, xộc thẳng tới cái giường lồ ô Vĩnh nằm, chỉ có tiếng gà rừng lanh lảnh giữa canh đêm. Vậy mà buổi lên lớp đầu tiên, Vĩnh đã thực sự "thương" sườn núi Ngọc Linh này. Đây là vùng căn cứ cách mạng, bà con Mơ Nông rất giàu truyền thống, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, ai cũng muốn con em mình được học nhiều cái chữ để mai sau làm giàu cho quê hương.
Điểm trường có 5 lớp dạy lồng ghép (2 trong 1) từ lớp 1 đến lớp 5, đáp lại cái tình của bà con dành cho cô giáo, các em nhỏ ở đây rất ham học, đứa nào cũng sáng dạ. Ngáng trở việc học hành của lũ trẻ chính là con đường dốc từ Trung tâm xã lên sườn núi Ngọc Linh này. Học hết lớp 5, lũ trẻ phải xuống học trường trung tâm để vào lớp 6.
Ngày nào cũng thế, nắng cũng như mưa, bọn trẻ dậy từ 4 giờ sáng, đổ dốc 3 giờ đồng hồ xuống trường học. 11 giờ trưa, trong bụng không hạt cơm, chúng lại bò ngược dốc 3 tiếng về Tắc Lang. Có con chữ nào đọng lại trên những con đường dốc lầm lụi ấy không? Mấy chục năm qua, Tắc Lang cũng như nhiều thôn khác ở Trà Linh, chưa có đứa trẻ nào vào đại học!
Đường đi học của các em học sinh trên sườn núi Ngọc Linh. |
Cũng yêu nghề, yêu trò như cô Vĩnh, cô Hà lên Tắc Lang mới hơn một năm theo chế độ hợp đồng lao động. Nghe chuyện của các cô, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện ngạc nhiên: "Sao lại có chuyện đó được? Vừa rồi Phòng giáo dục mới xét tuyển biên chế mà". Nhưng đấy là chuyện của ngành giáo dục, cái "hội đồng" xét tuyển ấy đã lần nào ngược dốc vài tiếng đồng hồ như cô Hà, cô Vĩnh, cô Nga, đã từng ngủ giường lồ ô sương núi xộc vào tận màn để thấu hiểu, hay cứ khư khư nguyên tắc là "chưa có chỉ tiêu"? Vậy thôi nhưng vẻ thẹn thùng của các cô khi có khách lạ, những đôi mắt ầng ậc nước lúc chia tay, đủ nói lên sự hy sinh, sự dấn thân của các cô cho sự nghiệp giáo dục.
Cô Vĩnh, cô Hà, cô Nga đều tâm sự, từ hồi lên nhận công tác ở sườn núi Ngọc Linh này, trong năm rất ít dịp về thăm gia đình. Cũng phải thôi, con đường dốc cả đi cả về mỗi lần về trường trung tâm họp mất 6 tiếng, muốn ra đến huyện để đón xe về nhà mất cả hai ngày đường, đồng lương cô giáo hợp đồng cắm bản chắc chỉ đủ một lượt về... Chỉ có lòng yêu nghề, thương lũ trẻ Mơ Nông, sợ chúng không "nuôi" được con chữ để mai sau làm giàu cho quê hương mới thôi thúc các cô lên đường.
Hồng Thanh