Báo Công An Đà Nẵng

Nuôi tôm công nghệ cao trên vùng cát

Thứ năm, 18/07/2019 12:39

Các dự án nuôi tôm theo qui trình sạch, công nghệ tiên tiến đã và đang được đầu tư thành công tại vùng cát xã Tam Hòa, H. Núi Thành và xã Bình Hải, H. Thăng Bình (Quảng Nam) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được địa phương khuyến khích nhân rộng.

 

Ứng dụng công nghệ tiên tiến

Cuối năm 2016, lần đầu tiên ở Quảng Nam, ông Trần Công Thành đưa vào sử dụng khu nuôi tôm trong nhà kính tách biệt hoàn toàn với bên ngoài có tổng diện tích 1.000 m2 với 4 ao nuôi ở thôn Hòa An, xã Tam Hòa, H. Núi Thành, vốn đầu tư 1 tỷ đồng. Ông Thành bố trí ươm tôm giống trong nhà kính, từ post 10 (1.500 con thì được 1kg tôm giống) cho đến khi tôm lớn bằng chiếc đũa thì bố trí nuôi tôm thương phẩm ở 3 khu vực nuôi tôm. Sau khi đảm bảo tôm giống sinh trưởng tốt nhất trong nhà kính, ông Thành bố trí hẳn 3 khu vực nuôi tôm với mỗi khu nuôi có tổng cộng 9 ao để nuôi tôm thương phẩm. Ở mỗi khu có 9 ao đó, ông Thành dùng 1 ao để xử lý chất thải, 3 ao để chứa lắng, xử lý nguồn nước, 5 ao còn lại dùng để thâm canh nuôi tôm thương phẩm. Nguồn nước ở mỗi ao được xử lý qua 3 giai đoạn. Trước hết là dung hòa nước biển và nước ngầm, đảm bảo độ mặn cho vào ao rồi xử lý bước 1 bằng thuốc tím, sau đó xử lý bằng chất loãng và hữu cơ. Vài ngày sau, cho nguồn nước đó vào ao thứ 2, xử lý bước 2 bằng Chlorin với liều lượng 10 - 20 ppm diệt tất cả các loài động vật địch hại tôm nuôi. Sau quá trình tạm nghỉ, nguồn nước này được đưa vào ao thứ 3 để xử lý cuối cùng bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh. Sau khi xử lý nguồn nước sạch, thả tôm nuôi thương phẩm với mật độ từ 200 con/m2. Nuôi tôm sạch giúp cho ông Thành nâng năng suất lên đến 40 tấn/ha.

Tháng 10-2018, Công ty Cổ phần QNTEK đầu tư hơn 43 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm theo quy trình sạch, ứng dụng công nghệ cao (công nghệ bọt khí micro-nano oxygen) với qui mô ban đầu 6,5ha tại vùng cát thôn Phước An xã Bình Hải, H. Thăng Bình. Các khu nuôi tôm của Công ty Cổ phần QNTEK tại trang trại ở vùng cát Phước An luôn giữ lượng oxy hòa tan trong nước  6ppm; chỉ sử dụng các men vi sinh có sẵn trong môi trường, không sử dụng men vi sinh bổ sung để phân hủy hữu cơ. Nuôi với mật độ  350 con/m2; xử lý nước thải tuần hoàn bằng công nghệ bọt khí micro-nano ozone; hạn chế tối đa mật độ tảo trong ao nuôi. Quy trình nuôi tôm này sẽ không bị ô nhiễm môi trường như cách nuôi tôm thẻ chân trắng của nhiều hộ dân trong khu vực.

Khuyến khích nhân rộng

Tất cả các ao nuôi tôm của ông Trần Công Thành mỗi vụ thả nuôi 3 tháng, trừ phí đầu tư, 1ha tôm cho lãi ròng trên 1 tỷ đồng. Một năm nuôi 4 vụ, sẽ đưa về 4 tỷ đồng/ha đất. Nuôi tôm mô hình ươm giống trong nhà kính chi phí thức ăn giảm, cụ thể hệ số thức ăn giảm dưới 1.1 trong khi nuôi tôm thông thường có hệ số thức ăn lên đến 1.5. Trong quá trình nuôi, chất hữu cơ trong nước và chất thải ở đáy ao nuôi được phân hủy tốt. Hệ vi sinh vật có lợi được bổ sung và tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi giúp tôm tăng khả năng kháng bệnh và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến lần đầu tiên vào nuôi tôm ở Việt Nam nên vụ đông xuân 2018-2019, Công ty Cổ phần QNTEK đã thả nuôi 20 triệu con tôm giống. Mật độ thả nuôi 500 con/m2, cao gấp 10 lần so với phương pháp nuôi tôm truyền thống. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, công ty đã xuất bán gần 30 tấn tôm cho các thị trường tôm sạch trong và ngoài nước. Theo tính toán, nếu bán toàn bộ lứa tôm đầu tiên, công ty ông thu về khoảng 70 tỷ đồng; trừ các chi phí sẽ lãi vài tỷ đồng chỉ qua vụ nuôi đầu tiên. Tôm thịt của Công ty Cổ phần QNTEK được Công ty Marubeni Vietnam (Nhật Bản, chi nhánh tại TP HCM) lấy một số mẫu tôm đưa đi kiểm nghiệm và đánh giá cao về chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới, trước mắt là Nhật, Mỹ, EU... Ông Trần Bá Cương John - "cha đẻ" của công nghệ bọt khí micro-nano oxygen và lãnh đạo Công ty Cổ phần QNTEK mong muốn được phổ biến, nhân rộng và người nuôi thủy sản ở Quảng Nam ứng dụng công nghệ tiên tiến này vào nuôi tôm để có thể cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để nuôi tôm theo qui trình này cần đầu tư hạ tầng và trang thiết bị máy móc… với chi phí khá lớn, khoảng 5 tỷ đồng/ha.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, khẳng định đó là mô hình nuôi tôm bền vững vì vừa có hiệu quả kinh tế cao vừa không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Theo ông Thanh, tỉnh khuyến khích và ủng hộ doanh nghiệp cùng với các hộ nuôi tôm trên cát ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành của tỉnh hợp tác với nhau, để cùng nhau đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn và quản lý khai thác để vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa không bấp bênh với vấn đề thời tiết, thị trường… nhằm bảo vệ môi trường và phát triển du lịch vùng đô thị ở phía Đông của tỉnh.

THẠCH HÀ