Ồ ạt bán đất vùng ven
Cơn sốt đất quê
Khi đất nền phân lô ở các đô thị mới Hòa Xuân, Hòa Hiệp Nam, Hòa Liên, Điện Ngọc (Điện Bàn) đã neo ở mức cao, biên độ lợi nhuận không còn hấp dẫn hoặc vượt quá sức đầu tư, nhiều người giờ đang đổ xô đầu tư đất quê. Điều này khiến giá đất nhiều vùng quê quanh Đà Nẵng liên tục nhảy múa. Thời điểm trước dịch, đất nền khu vực Hòa Liên luôn được quan tâm, tạo sóng bởi mức giá chỉ giao động từ 15-17 triệu đồng/m2, phù hợp với nhiều nhà đầu tư bậc trung.
Tuy nhiên, hiện nay giá đất khu vực này đã tăng ở mức 22-25 triệu đồng/m2, cơ hội đầu tư có lợi nhuận trong ngắn hạn rất thấp, vì vậy khách hàng đã dạt ra các khu vực xa hơn như Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Tiến, thậm chí cả các xã của huyện Đại Lộc, Điện Bàn, giáp Đà Nẵng. Các khu vực này chủ yếu đất nhà vườn (có một ít diện tích đất ở còn lại chủ yếu đất vườn). Trước sự quan tâm, tìm mua nhiều, giá đất vùng ven liên tục tăng, một số hộ dân có đất thổ cư đã tách thửa rao bán. Thậm chí đất thuần túy trồng cây lâu năm, cây hàng năm, đất trồng rừng cũng được ồ ạt rao bán.
Tại thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, chúng tôi được Minh- “cò đất” khu vực này dẫn đi xem lô đất trồng cây hàng năm diện tích 2.204m2, hạn sử dụng đến năm 2066 với giá bán 1 tỷ 150 triệu đồng. Thấy chúng tôi chưa ưng ý vì đường vào nhỏ, chỉ 3m, Minh liền dẫn đi xem lô đất view sông Cu Đê rộng 1.042m2, đất trồng cây hàng năm, giá rất mềm, chỉ 750 triệu đồng. “Chỗ này view sông, có thể đi đường thủy, quan trọng giá mềm, còn nếu anh thích có thêm đất ở thì để em dẫn lên Bầu Bàng”. Minh nói rồi dẫn chúng tôi xem 3.200m2 gồm 600m2 đất ở, đường thông về DT 601, mặt sau khu đất là bờ sông dài 100m. Minh nói, vì có đất ở nên giá khu đất này 5 tỷ đồng. Minh nói khu vực Bàu Bàng đang thu hút đầu tư và phát triển về du lịch nghỉ dưỡng, nếu mua làm du lịch sẽ rất hợp. Tiện thể, Minh cũng giới thiệu một loạt lô đất mình đang nắm chủ ở Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh… Chẳng hạn, lô đất diện tích 8 sào, view sông, không có đất ở giá 1,8 tỷ đồng; lô 2.600m2 có 400m2 đất ở, có suối chảy sau nhà, giá chỉ 2,220 tỷ đồng; lô 350m2 mặt tiền DT 604, gần chợ, có 100m2 đất ở, giá 1,6 tỷ đồng…
Từ sau Tết, tình hình dịch bệnh được khống chế, hoạt động đầu tư ấm dần lên, nhất là đầu tư bất động sản. Hậu covid, nhiều người có xu hướng bỏ phố về vườn, nhu cầu mua đất quê tăng lên, khiến giá đất không ngừng nhảy múa.
Gom đất thổ cư phân lô
Gom mua các khu đất thổ cư liền kề của người dân rồi phân lô, tách thửa rao bán đang là xu hướng tại nhiều khu vực vùng ven Đà Nẵng như Hòa Tiến (Hòa Vang), Đại Hiệp (Đại Lộc), Điện Tiến (Điện Bàn)... Tại thôn Lệ Sơn Nam (Hòa Tiến) khu đất thổ cư được phân lô rao bán với giá từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, diện tích từ 100 đến 120m2. Theo môi giới, đất ở đây đang làm thủ tục tách sổ nên cứ đặt cọc trước để giữ chỗ, có sổ rồi mới giao dịch. Nhưng mà nếu đặt cọc giữ chỗ cũng là ưu tiên 2, chứ ưu tiên 1 khách đã đặt hết rồi.Thấy khách có vẻ băn khoăn về pháp lý, “cò” liền tư vấn, chuyển hướng sang khu vực xã Điện Tiến bên cạnh, đã phân lô, sổ sách pháp lý rõ ràng. Tại Điện Tiến, khu đất rộng hơn 1.000m2 đường bê-tông rộng 3m được phân hàng chục lô diện tích từ 120m2/lô được rao bán với giá 600 đến 700 triệu/lô. Tiếp tục về Đại Hiệp (Đại Lộc), khu vực chợ Đại Hiệp, giáp Hòa Khương (Đà Nẵng), đất thổ cư ở đây cũng được mua gom, sau đó xé lẻ phân lô bán với giá từ 500 đến 700 triệu đồng/lô rộng từ 100-120m2.
Nhắm đến đối tượng thu nhập thấp, cần chỗ ở để làm việc tại Đà Nẵng, cũng như người dân vốn ít, muốn đầu tư vào đất, một số nhà đầu tư “cá mập” đã nhanh chân mua gộp nhiều khu đất thổ cư để xé lẻ, phân lô, tung ra thị trường. Với người dân có đất thổ cư rộng, lâu nay chẳng ai hỏi han, ngó ngàng, giờ lại được lùng mua với giá hàng tỷ đồng nên sẵn sàng “sang tên đổi chủ”. Thậm chí, các mảnh vườn trồng cây ngắn hạn, cây lâu năm hay đất trồng rừng, nay nhiều người hỏi mua, được giá nên cũng tranh thủ “đẩy” đi. “Giờ người dân dưới phố lên đây mua đất xây nhà, làm vườn để nghỉ ngơi nhiều lắm. Chỉ cần đường bê-tông ô-tô đi vào được là được. Đặc biệt nếu đất nhìn ra cánh đồng, cạnh sông, suối họ càng thích. Tôi có miếng đất vườn trồng cây hàng năm, chi phí sản xuất, công chăm sóc nhiều mà thu lời chẳng bao nhiêu, tự nhiên có người hỏi mua giá cao nên tôi bán. Đất của tôi phía sau có con suối, nghe họ bảo mua để làm du lịch”- ông Hữu, một người dân Hòa Bắc chia sẻ.
Giá đất tăng khiến nhiều người bán cả đất sản xuất, hệ lụy để lại là nông dân không còn đất sản xuất, các khu đất rơi vào tay nhà đầu cơ, “xí phần” rồi để đó. Mới đây, huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các xã không được tự ý xác nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái qui định, nhất là chuyển nhượng đất nông nghiệp. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hòa Vang cũng được đề nghị không tiếp nhận giải quyết hồ sơ chuyển mục đích đối với đất nông nghiệp thuần túy.
HẢI QUỲNH