Báo Công An Đà Nẵng

Ở "bệnh viện ô-tô”…

Thứ bảy, 11/01/2020 18:00

Đã giữa tháng Chạp, đến xưởng sửa chữa ô-tô 387 (Cục Kỹ thuật Quân khu 5) chúng tôi vẫn chứng kiến không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương. Đóng quân giữa lòng thành phố Đà Nẵng đông đúc người xe, những người lính thợ vẫn miệt mài vận hành thuần thục những cỗ máy phay, tiện, bào, đồng hồ đo kiểm hiển thị số, các thiết bị kỹ thuật chuyên ngành...

Các “bác sĩ” đang “bắt bệnh” cho ô-tô tại xưởng 387.

Đưa khách tham quan đơn vị, Thượng tá Phạm Văn Ngô - Chính trị viên của xưởng hào hứng giới thiệu: "Được đầu tư mặt bằng công nghệ, máy móc, trang thiết bị, cán bộ, công nhân viên chúng tôi càng nỗ lực học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu kỹ thuật tiên tiến, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện nay đơn vị có 2 phân xưởng Cơ khí-cơ điện và Sửa chữa ô-tô. Mỗi năm có từ 3-5 công nhân lành nghề được tham gia đào tạo về sửa chữa ô-tô đời mới. Năm 2018 có 6 thợ giỏi cấp toàn quân. Năm 2019, xưởng đoạt 2 giải Nhì Hội thi cơ sở sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược toàn quân và Hội thi công tác kiểm định xe ô-tô quân sự toàn quân".

 Trao đổi với anh em công nhân đang trực tiếp sản xuất, được biết, do đặc thù công tác, hầu hết đội ngũ lính thợ đều gắn bó thủy chung với xưởng từ khi vào nghề đến lúc nghỉ hưu. Các anh Nguyễn Văn Hoàng, Trần Trung Khôi - thợ gầm, Mai Xuân Dũng- thợ hàn, Đặng Thái - thợ máy... đến nay đã có gần 30 năm “bám trụ”. Trong số 3 thành viên của Ban Giám đốc, thì 2 người (Giám đốc Nguyễn Trung Cang và Phó Giám đốc kỹ thuật Hoàng Thanh Lương) trưởng thành từ thợ sửa chữa ô-tô và gia công cơ khí.

Để có tay nghề cao, những người lính thợ phải phấn đấu không ngừng. Bởi lẽ ô-tô "ra lò" ngày càng hiện đại, nếu “dậm chân tại chỗ”, bằng lòng với những gì mình đã và đang có, người thợ khó có thể “bắt bệnh” và “chữa trị” kịp thời những hỏng hóc phát sinh. Mỗi khi gia công các chi tiết thay thế phức tạp, các anh không những nghiên cứu tài liệu từ sách vở, trên mạng internet mà thường bàn bạc, trao đổi với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. Thiếu tá Phan Văn Tiến - Quản đốc phân xưởng Cơ khí-cơ điện khẳng định: "Làm việc theo tổ là một trong những kỹ năng của lính thợ chúng tôi. Các thành viên trong từng tổ luôn phối hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ, bọc lót cho nhau. Các tổ trong xưởng lại liên kết thành quy trình khép kín".

Đối mặt với thực tế vật tư thay thế khan hiếm hoặc không có trên thị trường, tổ gia công cơ khí đã gia công thiết bị, phụ tùng thay thế có hình dáng, kích thước, tính năng sử dụng thích hợp, bảo đảm chất lượng và độ an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông. Quân số có hạn, khối lượng công việc nhiều, đơn vị chú ý phân công phân nhiệm hợp lý, khuyến khích công nhân tìm tòi khai thác, sử dụng tốt các trang thiết bị hiện có.

Được gọi bằng cái tên "bệnh viện ô-tô”, trong phân xưởng sửa chữa ô-tô thường trực có nhiều xe tải, xe con được các "bác sĩ" mặc trang phục bảo hộ lao động tận tình “bắt bệnh”, xử lý sự cố các hệ thống điện, phanh, máy, nội - ngoại thất... Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn - Quản đốc phân xưởng chia sẻ, công việc ở đây thoạt nhìn có phần khô khan, quần áo lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ, rồi còn bụi bặm, tiếng ồn song khi đã say mê mới thấy, có biết bao niềm vui khi tăng được tuổi thọ, sức bền cho các loại ô-tô trên hành trình đưa người và hàng hóa đi đến nơi, về đến chốn, đúng thời gian, tuyệt đối an toàn.

Cũng từ yêu nghề, những người lính thợ đã góp phần rút ngắn thời gian sửa chữa lớn từ 3 - 5 ngày so với trước. Trong 5 năm 2015 - 2019, xưởng 387 có 15 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, 5 đề tài cấp Quân khu 5, trong đó có 1 đề tài đoạt giải Ba cấp Quân khu, 2 đề tài giải Ba cấp Bộ Quốc phòng. Các sản phẩm sáng tạo trên đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu kỹ-mỹ thuật, được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả thiết thực.

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, hiện nay từ nhà làm việc đến các phân xưởng, nhà kho đều có hệ thống vườn hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây lâu năm bốn mùa tươi tốt; các hoạt động văn nghệ, thể thao, hội thi trong nội bộ và giao lưu với các đơn vị trên địa bàn đóng quân được duy trì có nền nếp. Các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ hoạt động khởi sắc. Với tinh thần tương thân, tương ái, mỗi năm xưởng dành từ 27-30 triệu đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đó là nền tảng vững chắc để uy tín và thương hiệu sửa chữa ô-tô của xưởng 387 ngày càng vang xa trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

NGỌC DIỆP