Ổ dịch 'siêu lây nhiễm' tại Bắc Giang: 400 ca mắc mới trong 10 ngày
Bắc Giang là ổ dịch Covid-19 nóng nhất của Việt Nam với số ca mắc tăng cao mỗi ngày. Các ca bệnh đều tập trung tại khu công nghiệp, tốc độ lây lan rất nhanh.
Ngày 18/5, chỉ sau 10 ngày phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Công ty TNHH Shinyoung (huyện Việt Yên), tổng số bệnh nhân liên quan các khu công nghiệp (KCN) tại Bắc Giang là 411 người.
6 ngày liên tiếp, tỉnh này luôn là địa phương ghi nhận ca mắc mới trong ngày cao nhất cả nước. Riêng ngày 16/5, Bắc Giang phát hiện gần 200 bệnh nhân Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch ở Bắc Giang vẫn rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly.
Tăng hơn 200 ca bệnh chỉ sau 4 ngày
Ngày 8/5, Bắc Giang phát hiện một nữ công nhân trú tại Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn nhiễm nCoV. Chồng của người phụ nữ này là F1 do anh đi thăm bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).
Cùng ngày, huyện Việt Yên tiếp tục phát hiện thêm 32 công nhân làm chung phân xưởng với người phụ nữ trên mắc Covid-19. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang rà soát được hơn 1.300 người tiếp xúc gần các ca bệnh này, trong đó có 512 F1, 845 F2.
Tình hình dịch của Bắc Giang được chia thành 2 giai đoạn. Báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 16/5, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, cho biết ngày 9-14/5, địa phương có 2 ổ dịch. Ngoài chùm ca bệnh tại Công ty TNHH Shinyoung, tỉnh này còn phát hiện ca mắc Covid-19 ở xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan Bệnh viện K). Ổ dịch này có 4 ca nhiễm và "đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng".
Diễn biến dịch Covid-19 tại Bắc Giang trong 10 ngày qua. Đồ họa: Thiên Nhan.
Ổ dịch tại Công ty SJ Tech, khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 105 ca nhiễm. Lãnh đạo tỉnh nhận định đến nay, cơ bản đã qua đỉnh dịch, chỉ còn xuất hiện F0 trong khu cách ly tập trung và một vài trường hợp công nhân đi cùng xe, mức độ lây lan ra cộng đồng rất thấp.
Tuy nhiên, từ ngày 14/5, Bắc Giang phát hiện cùng lúc thêm 2 ổ dịch tại Công ty Hosiden Việt Nam trong KCN Quang Châu, huyện Việt Yên.
Công ty Hosiden có hơn 3.000 công nhân làm việc tại 6 phân xưởng. Trong đó, số ca nhiễm mới tập trung chính ở phân xưởng số 4. Kết quả test nhanh ngày 14/5 cho thấy phân xưởng này có tới 12 F0. Đây là nơi làm việc của 454 công nhân trong môi trường có điều hòa, sản xuất theo dây chuyền.
Chiều 16/5, tổng số F0 ở Công ty Hosiden Việt Nam là 159. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá ổ dịch này rất phức tạp, khó lường.
Đến 6h ngày 18/5, tổng số bệnh nhân liên quan ổ dịch KCN tại Bắc Giang đã lên tới 400/411 ca. 4 khu công nghiệp của Bắc Giang bùng phát dịch, đó là Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng. Toàn tỉnh đang cách ly tập trung hơn 6.000 trường hợp F1, 30.000 người thuộc diện F2 cách ly tại nhà.
Số lượng ca lây nhiễm tăng nhanh, nhân viên y tế tại Bắc Giang phải lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm trong một ngày. Ảnh: Phạm Thắng.
Nguồn lây nhiễm
Tại cuộc họp giữa đoàn công tác Bộ Y tế với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa vào tối 15/5, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định ổ dịch tại Bắc Giang có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Đó là do có sự lây nhiễm chéo giữa phân xưởng với phân xưởng, công ty với công ty.
Ông Tấn xác định 2 nguồn lây khiến Bắc Giang bùng dịch tại các KCN. Thứ nhất, liên quan 2 vợ chồng mắc Covid-19 ở Lạng Sơn. Đó là anh L.V.Q. và vợ H.T.T. (trú tại huyện Hữu Lũng). Anh Q. có thời gian điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và liên quan dịch tễ tại bệnh viện này.
Nguồn lây thứ 2 cũng liên quan trường hợp làm việc tại KCN Vân Trung. Sau đó, từ F0 này dẫn đến sự lây nhiễm cho công nhân tại KCN Quang Châu.
Ngoài ra, theo ông Đặng Quang Tấn, vấn đề giãn cách, vệ sinh môi trường lao động, quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển dài cũng là yếu tố khiến ổ dịch tại 4 KCN của Bắc Giang thêm phức tạp. Việc tiếp xúc trên xe trong thời gian dài, môi trường kín là một trong những điều kiện khiến dịch lây lan.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng dự đoán: “Rất có thể vài ngày tới, khi hết chu kỳ ủ bệnh, số lượng F0, F1 tăng lên rất nhiều”.
Ngày 15/5, 200 y bác sĩ tại Quảng Ninh lên đường tới Bắc Giang chi viện. Ảnh: Quốc Nam.
Trong buổi làm việc cùng Bắc Giang tối muộn ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao tinh thần chuẩn bị và sự chủ động của địa phương này dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong 3 làn sóng dịch trước đó. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhận định Bắc Giang đang trở thành một trong những điểm có tình hình dịch phức tạp nhất hiện nay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, năng lực y tế để điều trị cho các bệnh nhân của tỉnh rất mỏng và có hạn. Hiện, địa phương có 4 phương án làm bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, quy mô giường bệnh ở các bệnh viện của Bắc Giang rất nhỏ, chỉ khoảng 150-200 giường, nên khó để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Thứ trưởng Sơn nhận định việc tiếp nhận, điều trị Covid-19 là gánh nặng rất lớn của Bắc Giang trong thời điểm này và tỉnh cần có bệnh viện dã chiến.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của Bắc Giang đó là tốc độ lây nhiễm rất nhanh, năng lực của tỉnh thì hạn chế. Vì vậy, Bộ Y tế và nhiều địa phương khác đã tới điểm nóng Bắc Giang để cùng chia lửa.
Rạng sáng 18/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp đoàn công tác của Bộ Y tế đến Bắc Giang để hỗ trợ và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh này.
Ngoài ra, 200 y bác sĩ tại Quảng Ninh, “đội đặc nhiệm” 20 người của Hà Nội, 15 cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế tỉnh Yên Bái, 130 người gồm giảng viên, học viên năm cuối của Học viện Quân y, 300 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), đã đặt chân tới tỉnh Bắc Giang để chi viện.
Ngoài nhân lực, các địa phương còn hỗ trợ tỉnh này nhiều trang thiết bị, kit test xét nghiệm, phòng xét nghiệm.
Theo zing