Báo Công An Đà Nẵng

Ở lại đất lành

Thứ hai, 16/10/2017 11:04

Mãi đến bây giờ, không ai biết rõ tên tuổi, quê quán, thân nhân của 21 liệt sĩ đã ngã xuống tại đường hành lang Trại Tiệp, thôn Ninh Khánh, xã Quế Ninh, H. Nông Sơn, Quảng Nam. Nhưng 20 chàng trai và 1 cô gái đang tuổi đôi mươi ấy hẳn sẽ ấm lòng trong một ngôi nhà được xây dựng đàng hoàng, bên cạnh Bia tưởng niệm trang trọng, giữa núi rừng Nông Sơn. Một công trình mà chính quyền và người dân địa phương đau đáu bao năm nay đã thành hiện thực, để tri ân những người đã giữ đất, giữ làng trước sự càn quét của quân địch, cũng là nơi nhắc nhớ cho thế hệ mai sau.

Bà Nguyễn Thị Bích và cán bộ chiến sĩ Kho Kỹ thuật K55 dâng hương tri ân các liệt sĩ nhân dịp khánh thành Nhà bia Liệt sĩ Trại Tiệp ngày 9-10. ẢNH: CÔNG KHANH

Cuộc vây ráp không cân sức 

Bậc cao niên ở Quế Ninh, những người tận mắt nhìn thấy cảnh tượng đau xót của gần 50 năm trước nay không còn nhiều. Hơn nữa, đường hành lang Trại Tiệp qua thôn Ninh Khánh là vùng đất bị địch càn quét khốc liệt nên chủ yếu những người làm giao liên, du kích mới có thể biết rõ lằn ranh sinh tử. Nhưng câu chuyện bi thương ấy đã được kể lại cho các hế hệ hôm nay, để họ quý trọng hơn mảnh đất này…

Một ngày tháng 7-1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt, 20 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 (Quân khu V) cùng một nữ y tá đang trên đường hành quân qua chân Gò Trại đã bị địch phục kích, toàn bộ 21 đồng chí đã hy sinh trong sự vây ráp nghẹt thở. Sau khi ngã xuống, quân địch đã phong tỏa toàn bộ khu vực, không cho người dân tiếp cận, toàn bộ giấy tờ tùy thân của các đồng chí đã bị tịch thu, đốt cháy. Cho nên đến tận hôm nay, không ai biết được tên tuổi, quê quán, thân nhân, chỉ biết đó là những chàng trai, cô gái miền Bắc. Ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, xúc động thắp nén nhang cho những người đồng chí trong lễ khánh thành Khu nhà bia tưởng niệm Trại Tiệp, AHLLVT Hồ Thị Khuê vẫn nhớ như in hình ảnh bà đã chứng kiến trên đường làm nhiệm vụ giao liên.

Là người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, mọi ngóc ngách của núi rừng nơi đây bà thuộc như lòng bàn tay. Núi rừng là nơi che chở cho bộ đội, cho dân làng nhưng đôi lúc, chỉ một bước chân thôi là vào vùng bị địch chiếm, là lằn ranh sinh tử. “Tui đi đường vòng, vừa rẽ qua khe thì rụng rời khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Các anh nằm la liệt từ Hố Chuối sang Trại Tiệp, thân thể không còn nguyên vẹn vì làn đạn kẻ thù và thú rừng. Quặn lòng, nhưng quân địch bao vây không cho lấy xác. Khi đã thu hết giấy tờ tùy thân, không còn nhận ra hình hài nữa chúng mới bỏ đi. Bà con chôn cất đàng hoàng nhưng một thời gian dài không ai dám ngang qua đây nữa vì cứ ám ảnh, xót thương”, bà Khuê nhớ lại.

Vào thời điểm khốc liệt của chiến tranh, ông Trương Thanh Tá là trạm trưởng giao bưu, lại sống ngay bìa rừng nên biết rõ những đường đi an toàn và cả những ổ phục kích của địch. Nhưng 21 chiến sĩ ngã xuống là người miền Bắc mới chi viện Mặt trận 44 Quảng Đà, lại là những thương binh đang trên đường di chuyển lên Bệnh xá 78 Hòn Tàu để điều trị vết thương nên không thể phá được vòng vây của địch.

Ngôi nhà ấm áp giữa lòng núi thiêng

Người dân xã Quế Ninh gọi Khu nhà bia tưởng niệm là ngôi nhà của 21 chiến sĩ đã hy sinh trên mảnh đất quê hương mình. Cũng bởi bên cạnh Bia tưởng niệm là ngôi nhà sinh hoạt chung, có võng dù, bàn cờ tướng, bếp Hoàng Cầm, điếu cày, bàn ghế và nhiều vật dụng thân thuộc của bộ đội. Từng viên gạch ở đây cũng như con đường bê tông dài hơn hai cây số dẫn từ ngoài làng, xuyên khu rừng mát rượi đều được xây lên bằng đóng góp của người dân địa phương và tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước. Tất cả được bắt đầu bằng ý tưởng của bà Nguyễn Thị Bích, cô du kích địa phương năm xưa, nay sống tại xã Quế Trung, H. Nông Sơn. Năm 15 tuổi, bà Bích rời làng lên núi theo du kích. Hòa bình lập lại, bà về công tác trong ngành giao thông cho đến ngày nghỉ hưu. Có điều, dường như anh linh những người lính trẻ đã ngã xuống giữa núi rừng Nông Sơn năm xưa vẫn chưa rời xa bà.

Ba năm trước, vào dịp 27-7, khi cùng Thượng tá Trần Thanh Đàm – Chủ nhiệm Kho kỹ thuật CK55 Quân khu 5, đơn vị đóng quân tại Trung Phước lên núi thắp hương viếng các liệt sĩ, bà đã tìm đến nơi này. Nghe người dân địa phương kể về câu chuyện anh dũng nhưng bi thương, bà không cầm được nước mắt. “Quê mình còn nghèo, nhưng bà con đã góp được 14 triệu đồng để lập Bia tưởng niệm giữa rừng sâu. Tôi nghĩ, mình và nhiều người khác may mắn sống đến ngày hôm nay trên đất quê hương là nhờ sự đóng góp máu xương của những người đồng chí ấy. Mình không biết quê hương, tên tuổi của họ là lỗi của chiến tranh. Tại sao không thể xây cho anh em một ngôi nhà đàng hoàng, ấm cúng, vừa làm chốn đi về, lại là nơi nhắc nhớ cho thế hệ trẻ? Và tôi bắt đầu đi “xin”. Từ vài ba chục nghìn đến bao xi măng hay trăm viên gạch”, bà Bích kể lại.

Tâm niệm về một nhà bia tưởng niệm tương xứng với sự hy sinh của những người đồng chí thôi thúc bà ra Bắc vào Nam gặp anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương xa quê để tích tiểu thành đại. Các Mạnh Thường Quân là chủ các doanh nghiệp vận tải, xây dựng, du lịch thấu tấm lòng của bà cũng xúm vào mỗi người một tay. “Lần đầu đi “xin”, mở miệng khó lắm. Đến giờ, với sự tiếp sức của mọi người, đóng góp ngày công của người dân, bộ đội, con đường bê-tông từ ngoài làng, xuyên rừng dẫn vào nhà bia tưởng niệm hình thành, ngôi nhà xây dựng xong trong vòng 3 năm với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Tôi và bà con không tưởng tượng được, mừng phát khóc”, bà Bích xúc động.

Cho đến ngày khánh thành ngôi nhà chung của 21 liệt sĩ ngay trên mảnh đất mà bản thân mình cũng bao phen cận kề cái chết vì lửa đạn quân thù, nữ Anh hùng Hồ Thị Khuê mới nhẹ lòng với những người đồng đội. “Mình sống đến ngày hôm nay đã là may mắn. Cứ nghĩ đến việc thấy đồng chí mình ngã xuống mà không còn nguyên hình hài, không thể đưa về chôn cất tử tế mà thắt cả lòng. Giờ đã có ngôi nhà chung cho anh em, có chốn đi về, ở lại giữa mảnh đất lành này, mình cũng ấm lòng rồi”, nữ Anh hùng xúc động.

Hỏi chuyện mới biết, bà Nguyễn Thị Bích, người đi xin từ dăm bảy chục nghìn đến từng viên gạch để xây lên khu nhà bia tưởng niệm đàng hoàng này là chị vợ của ông Thái Bình – Bí thư huyện ủy Nông Sơn. Ông Bình tâm sự, huyện luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, vì ở nơi chiến tranh ác liệt, nơi mà từng quả đồi, con suối vẫn còn nhiều liệt sĩ ngã xuống chưa biết được tên tuổi, quê quán, thậm chí là chưa tìm được mộ phần, thì đảng bộ, chính quyền và nhân dân hiểu lắm giá trị của cuộc sống hôm nay. “Nhưng nguồn lực của địa phương chưa thể lo hết được. Việc làm của chị Bích không chỉ là làm đường, dựng bia, xây nhà cho đồng chí, đồng đội năm xưa mà còn là nghĩa cử đáng trân quý để nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Bình chia sẻ.

Có một chi tiết đặc biệt là con đường dẫn từ đầu thôn Ninh Khánh vào khu nhà bia được xây dựng bằng ngày công của nhân dân và bộ đội, kinh phí do bà Bích đi “xin” giờ trở thành con đường dân sinh của người dân nơi đây. Trong hành trình thực hiện tâm nguyện của mình đối với 21 liệt sĩ, bà Bích cũng trực tiếp hoặc là người dẫn đường để 2 người trong số các Mạnh Thường Quân tìm được mộ người thân của mình đã hi sinh ở mảnh đất Nông Sơn mà bao năm họ mải miết đi tìm nhưng  không thấy.

 Ghi chép: Công Khanh