O, Mari! - cuốn tiểu thuyết của cái đa chiều
(Cadn.com.vn) - Từ nhiều thập kỷ qua, khi nói đến việc tiếp nhận văn học Nga ở Việt Nam, bạn đọc không thể không nhớ đến dịch giả Thúy Toàn, được mệnh danh là “người bắc cầu văn học Việt – Nga”, người đã chuyển ngữ thành công thơ của Puskin, Lécmôntốp, Exenhin... từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Cuối tháng 6 vừa rồi, tôi đi Tam Đảo dự Hội thảo văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới, không biết cơ duyên nào đưa đẩy, tôi may mắn được ở chung phòng với ông. Trong suốt 2 ngày hội thảo, những lúc về phòng nghỉ ngơi, ông thường nhắc đến cuốn tiểu thuyết O, Mari! của tác giả người Nga gốc Armenia Robert Enghibarian, do ông cùng với hai dịch giả Nguyễn Thị Như Nguyện và Lương Nghĩa dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Khi tôi về lại Đà Nẵng hôm trước thì hôm sau đã nhận được cuốn O, Mari! ông gửi tặng từ Hà Nội. Ông như ngọn núi cao trong văn học dịch của nước ta hiện nay. Được ông quan tâm, tôi lấy làm cảm kích vô cùng...
Robert Enghibarian. |
Tác giả Robert Enghibarian, hiện là Tiến sĩ khoa học luật pháp, Giáo sư, Nhà hoạt động công huân các khoa học của Liên bang Nga, Tiến sĩ Danh dự của Viện Hàn lâm khoa học nước cộng hòa Armenia và một số nước khác như Serbia, Slovenia, Canada, và nhiều trường cao đẳng của Nga và nước ngoài. O, Mari! là một cuốn tiểu thuyết tâm lý – bi kịch, lấy bối cảnh của đất nước Armenia vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Cốt truyện thật sinh động, có những nét giống với tiểu thuyết Chuyện tình (Love Story) của Erich Segan từng nổi đình đám vào những năm 1970, nhưng được lồng vào trong một bối cảnh lịch sử mà ở đó con người và thể chế, tình yêu và nghĩa vụ, tình bạn và sự phản bội, sự nóng vội của tuổi trẻ và sự sáng suốt của tuổi trưởng thành được đào sâu miêu tả, đem lại cho người đọc những xung động mãnh liệt, đa chiều, chứ không chỉ là tình yêu lứa đôi. Mari – nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết, ở Pháp, theo bố mẹ hồi hương về Armenia sinh sống, và David – một chàng trai khỏe mạnh, thích thể thao, sinh ra và lớn lên trên đất nước Armenia, đều là sinh viên của trường Đại học Tổng hợp Erevan (Armenia). David đã yêu Mari từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu giữa họ ngày một khắng khít. Họ quấn quýt bên nhau như hình với bóng, tưởng không bao giờ có thể chia lìa. Nhưng bi kịch tình yêu cuối cùng cũng xảy ra. Mari bồng con–của cô và David, dù họ chưa cưới nhau, theo bố mẹ sang lại Pháp, định cư ở đó, lập nghiệp, nuôi con, còn David thì kiên quyết ở lại đất nước với một ý nghĩ, như anh từng khẳng định với một chuyên gia khoa học, cũng là một người hồi hương: “Chú cứ yên tâm, cháu ở đất nước của mình cảm thấy mình là người chủ!”.
Câu chuyện được dẫn dắt càng về sau càng kịch tính, tâm lý nhân vật càng trở nên rắc rối, xung đột. Mari và David chia tay nhau nào phải do ghen tuông, giận hờn, cũng không phải do những hiểm nguy xã hội nào rập rình họ. Cái khiến họ xa nhau xuất phát từ cái nhìn “hiện thực xã hội khác nhau, xuất phát từ môi trường văn hóa giáo dục của mỗi người” như nhận xét của dịch giả Thúy Toàn trong Lời giới thiệu cuốn sách. Đôi nam nữ chia tay nhau trong nước mắt. Trước khi lên máy bay, “Mari đã òa khóc nức nở”. Cô không e ngại những người chung quanh và ôm chặt lấy David. Còn David thì sao? Khi mái tóc sáng của Mari vừa mất hút, không còn thấy nữa, David đã để “mặc cho tình cảm bung ra”, lấy cổ áo bành tô che mặt và khóc một cách tức tưởi. Theo dịch giả Thúy Toàn, đây là “một câu chuyện tình yêu, rất chân thật, được kể lại với những bối cảnh xã hội chân thật, được viết ra bởi tác giả, gần như tự sự cuộc tình duyên của chính mình”, và những điều “đưa ra trong cuốn tiểu thuyết đem cho người đọc nhiều hiểu biết, nhiều suy nghĩ như những bài học trong cuộc sống đang đi lên, hướng đến cái thiện, cái đẹp, hạnh phúc của con người”.
Sau này, Mari và David có nhiều cơ hội gặp nhau, nhưng cả hai đều ý thức tránh nói về những ngày họ yêu nhau say đắm, nồng nàn. Song, trong tâm hồn của mỗi người vẫn còn đó những kỷ niệm, và cả những hối tiếc, như độc thoại nội tâm của David trong đoạn kết của cuốn truyện: “Tha thứ cho anh, cô bé mắt màu xanh nước biển của anh..., chúng ta không được số phận cho ở bên nhau...”. Đây là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn người đọc, nhất là đối với những ai từng quan tâm đến văn học Nga và các nước thuộc Liên Xô (cũ), như Armenia.
Bùi Xuân