Ô nhiễm tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang
(Cadn.com.vn) - Hơn 10 năm qua, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang luôn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại TP Đà Nẵng. Để xử lý vấn đề ô nhiễm tại đây, nhiều cuộc họp của chính quyền và ngành chức năng bàn giải pháp khắc phục nhưng đâu vẫn hoàn đó. Nghị quyết HĐND TPĐN 6 tháng cuối năm 2016, đã đưa việc xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường ở Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố...
Rác thải tràn ngập trên mặt nước và bờ kè Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. (Ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 20-9-2016) |
Âu thuyền Thọ Quang (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) là khu neo đậu và trú bão cho tàu thuyền được hình thành và đưa vào hoạt động năm 2004, với diện tích 25 ha mặt đất và 55 ha mặt nước. Vùng nước âu thuyền có sức chứa từ 700 đến 800 tàu thuyền công suất từ 22- 600CV vào neo đậu. Theo quyết định ngày 12-4-2016 của Bộ NN&PTNT, khu trú bão của âu thuyền có sức chứa 493 tàu thuyền có công suất như trên vào neo đậu tránh bão. Cảng cá- Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, được đầu tư và xây dựng mới và đưa vào hoạt động tháng 12-2010 với 150 thương nhân thuê mặt bằng cố định và hàng trăm tiểu thương kinh doanh không thường xuyên với diện tích 6.800m2. Chợ hoạt động 2 phiên mỗi ngày với sản lượng hàng hóa qua chợ trung bình gần 300 tấn/ngày; phiên chợ chính hoạt động từ 1 giờ đến 7 giờ, với hơn 3.000 lượt người và hơn 250 ô-tô, hơn 1.500 xe gắn máy ra vào, phiên phụ từ 12 giờ đến 15 giờ.
Có thể nói, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ nghề cá lớn nhất tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tại Đà Nẵng, kéo dài, dai dẳng qua nhiều năm... Qua phân tích chất lượng nước thải tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang do Trung tâm Kỹ thuật Môi trường thực hiện, các thông số ô nhiễm đều vượt quy chuẩn cho phép. Cụ thể: nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cảng cá, các chỉ số như COD vợt 2,03 lần, Nitơ vượt 3,7 lần, NH4-N vượt 4,04 lần, Photpho vượt 1,23 lần...Nước thải tại hệ thống thoát nước mưa nội bộ của chợ cá tại điểm thải ra âu thuyền, các thông số ô nhiễm cũng vượt quy chuẩn rất cao.
Mới đây, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã có báo cáo về kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã chỉ ra, Âu thuyền Thọ Quang chưa có phương án thu gom nước thải, rác thải phát sinh từ các tàu neo đậu tại khu vực. Chưa bố trí nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho người dân. Chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Còn tại chợ đầu mối thủy sản, mùi hôi phát sinh tại khu vực chợ rất nặng, xe vận chuyển ra vào nhận hàng xả nước thải trực tiếp ra mặt bằng chợ. Tần suất thu gom, vận chuyển rác thải từ khu vực lưu trữ chất thải rắn và rác thải không được thu gom kịp thời dẫn đến phát sinh mùi hôi. Khu vực lưu trữ chất thải rắn không đảm bảo quy định, thùng đựng rác bị hư hỏng nên nước rỉ rác chảy tràn lan làm phát sinh mùi hôi. Hệ thống thu gom nước thải hư hỏng, xuống cấp, không được vệ sinh và vận hành đúng quy trình, nước thải chảy tràn lan, thải trực tiếp xuống âu thuyền.... không thực hiện giám sát môi trường định kỳ.
Trước những tồn tại và vi phạm tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, ngày 5-9-2016, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND Q. Sơn Trà, BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của UBND TP để đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang... Khẩn trương kiểm tra và có biện pháp khắc phục các tồn tại tại Khu neo đậu và trú bão cho tàu thuyền Thọ Quang và Chợ Đầu mối thủy sản Đà Nẵng...
Trở lại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang vào những ngày cuối tháng 9-2016, một thực tế vẫn hiện ra trước mắt chúng tôi, rác thải la liệt tràn lan trên các bờ kè, mặt nước âu thuyền. Mùi hôi tanh nồng nặc từ mặt nước, cống rãnh khắp nơi từ âu thuyền đến chợ cá. Môi trường, khung cảnh âu thuyền, cảng cá vô cùng nhếch nhác... Liên hệ với lãnh đạo BQL nhiều lần, nhiều ngày để tìm hiểu các biện pháp xử lý tình hình môi trường ở âu thuyền, cảng cá nhưng đều bị từ chối hoặc lý do "bận công việc". Có thể nhận thấy rõ trên thực tế rằng, việc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố là chưa nhanh chóng, chưa quyết liệt.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Vậy việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang còn gặp những vướng mắc, khó khăn nào, nguyên nhân nào dẫn tới sự trì trệ kéo dài đối với việc xử lý môi trường ở một điểm nóng kéo dài nhiều năm như ở Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng?
Hồng Thanh