Báo Công An Đà Nẵng

Oan cho sư tử đá?

Thứ năm, 29/01/2015 08:39

(Cadn.com.vn) - Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đang đối mặt với một cái Tết mất vui khi mặt hàng chủ lực nhiều năm qua là sư tử đá đang “chết đứng”. Dạo một vòng quanh các cơ sở đá mỹ nghệ trên đường Trường Sa, đoạn giáp với đường Huyền Trân Công Chúa, không khí mua bán tại đây khá trầm lắng. Anh Huỳnh Công Quyền, chủ cơ sở Lệ Mười than thở, hiện cơ sở đang tồn kho gần 20 cặp lân và sư tử đá các loại. Con số này đúng bằng lượng bán ra trung bình mỗi năm tại đây nhưng năm 2014 vừa qua thì tồn kho gần như hoàn toàn. Khi mặt hàng chủ lực là sư tử đá không có người mua kéo theo các mặt hàng khác cũng lâm vào cảnh “phơi nắng vắng người mua”. “Chúng tôi làm sư tử từ gần 30 năm nay nhưng  khoảng 10 năm trở lại đây mặt hàng này mới được người mua chấp nhận”–anh Chín cho biết.

Như vậy là phải mất thời gian khá dài để một sản phẩm mới tại làng nghề xâm nhập và tạo được chỗ đứng nhất định trong thị trường tiêu thụ mẫu vật đá. Giờ đây, như chính lời các nghệ nhân tâm sự, thì hơn 500 cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đang loay hoay với các mẫu linh vật mới được Bộ VH-TT&DL khuyến khích chế tác đại trà là nghê, tỳ hưu..., các mẫu linh vật thuần Việt.

Lân đá tại cơ sở Lệ Mười phơi mưa nắng không có ai mua.

Như thông tin Báo Công an TP Đà Nẵng đã đưa, hiện làng đá mỹ nghệ Non Nước đang tồn kho đến 4.500 cặp lân và sư tử đá các loại. Việc các mặt hàng này lâm vào cảnh điêu đứng đang gây nên hệ lụy khó lường đến thương hiệu đá mỹ nghệ Non Nước vốn có lịch sử 400 năm tồn tại và phát triển. Theo hiểu biết của anh Chín thì việc loại bỏ dần lân đá và thay bằng linh vật thuần Việt là việc nên làm mặc dù nó ảnh hưởng đến làng nghề.

Tuy nhiên, với sư tử đá thì lại là chuyện khác. “Hình ảnh con sư tử là có thật trong cuộc sống. Nó cũng giống với nhiều hình tượng thú khác như báo, hổ, chim, cò... mà chúng tôi vẫn chế tác. Ở đây chúng tôi làm theo lối tả thực, con vật có hình dáng trong đời thực như thế nào thì chúng tôi làm y như vậy. Nó hoàn toàn không phải là linh vật mà chỉ là tượng đá của một con thú bình thường. Không thể gọi nó là linh vật và cho đó là ngoại lai”–anh Chín phân tích.

Chúng tôi mang câu hỏi này lên Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước và được ông Huỳnh Chín (Trưởng ban) giải thích y như ý của anh Lê Chín. Ông Huỳnh Chín còn cho biết là hiện đang thu thập tài liệu để làm một đề án phân biệt giữa linh vật ngoại lai và sự tự do trong chế tác và thú chơi các mẫu vật có thật trong đời sống. Mong muốn của ông cũng như hơn 3.000 thợ điêu khắc của làng nghề là làm sao trả lại chỗ đứng cho sự sáng tạo mẫu vật sư tử tả thực này.

Nguyễn Tấn Việt