Báo Công An Đà Nẵng

“Ôm” hơn 7 tỷ đồng, chủ hụi “trả” 10 năm tù

Thứ bảy, 19/08/2023 07:36
Bị cáo Anh tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, Anh buôn bán hàng tạp hóa tại chợ Vườn Lài (P. An Sơn). Năm 2000, Anh bắt đầu cầm cái biêu hụi với những người buôn bán tại chợ và một số người dân ở TP Tam Kỳ tham gia với nhiều chân biêu khác nhau. Mỗi dây hụi có 12 chân biêu (12 người tham gia) đóng 12 kỳ/năm (1 kỳ biêu là 1 tháng). Anh tự đưa ra số tiền biêu phải đóng mỗi kỳ trong từng dây biêu và mức lãi biêu mỗi kỳ được trả lãi đều cho người đóng biêu trong cùng 1 dây biêu theo số tiền đóng biêu ban đầu. Hàng tháng, Anh không tổ chức họp biêu, đấu biêu mà tự tính toán, cân đối số tiền thu của người đóng biêu để trả tiền cho người rút biêu và trả tiền lãi biêu cho người chơi. Thông thường thì những người tham gia chơi biêu đều để rút biêu ở kỳ biêu cuối (trút ống) vì sẽ nhận được lãi cao hơn. Còn người chơi biêu nào muốn rút biêu trước (trong kỳ) thì phải báo cho Anh trước 1 tháng để sắp xếp chuẩn bị tiền.

Từ năm 2000 đến năm 2012, việc tổ chức biêu của Anh hoạt động bình thường, khi kết thúc hội biêu, người chơi đều được nhận tiền biêu, còn Anh hưởng lợi theo từng loại biêu cụ thể khi người chơi rút biêu. Khoảng năm 2013, Anh làm mất 400 triệu đồng thu của những người đóng biêu. Tuy nhiên, Anh vẫn tổ chức cầm cái biêu nhằm chiếm đoạt tiền của những người chơi biêu nộp theo kỳ để bù đắp vào số tiền đã bị mất và trả các khoản nợ cá nhân.

Để thực hiện hành vi gian dối của mình, Anh tự thông báo số người tham gia trong dây biêu có 12 người, nhưng không nêu cụ thể tên của từng người để người chơi biêu tin tưởng tham gia. Thực chất, Anh lập ra nhiều chân biêu “ma” trong dây biêu 12 người tham gia như đã thống nhất với người chơi biêu. Đến kỳ rút biêu, Anh tự tính toán, cân đối, lấy số tiền thu của người chơi biêu này trả cho người chơi biêu khác khi họ có yêu cầu rút biêu và trả lãi biêu. Những tháng không có người rút biêu, Anh vẫn cân đối trả tiền lãi biêu cho người đóng biêu nhằm tạo uy tín để người chơi tin tưởng tiếp tục đóng biêu nhằm chiếm đoạt. Nhiều người rút biêu trong kỳ nhưng không đóng lại biêu chết dẫn đến mất cân đối trong việc thu, chi tiền biêu và số tiền nợ biêu, nợ vay cá nhân ngày càng nhiều. Ngoài ra, Anh còn lấy số tiền của người đóng biêu đưa cho người khác vay để lấy lãi và trả các khoản nợ.

Năm 2020, Anh tiếp tục tổ chức cầm cái biêu cho 99 người tham gia với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt số tiền này để bù đắp vào số tiền bị thâm hụt và trả các khoản nợ. Đến cuối năm 2020, những người đóng biêu yêu cầu trút ống thì Anh không còn khả năng trả lại tiền nên thông báo vỡ nợ. Đầu năm 2021, Anh trả cho một số người đóng biêu số tiền hơn 1 tỷ đồng, còn chiếm đoạt gần 7,4 tỷ đồng. Sau đó, 99 người đóng biêu làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Anh, yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi trên của Nguyễn Thị Kim Anh đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung tăng nặng là “chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên”. Qua xem xét hồ sơ vụ án, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định, HĐXX quyết định tuyên bị cáo Anh 10 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

LÊ VƯƠNG