Báo Công An Đà Nẵng

Ông Biden và những mục tiêu cần đạt được trong chuyến công du châu Âu

Thứ ba, 11/07/2023 10:08

Tối 9-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thủ đô London của Anh, bắt đầu chuyến công du 3 nước gồm Anh, Litva và Phần Lan. Theo lịch trình được Nhà Trắng công bố, tại Anh, ông Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Rishi Sunak và thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu với Vua Charles III trong ngày 10-7. Nhà Trắng cho biết trong chuyến thăm này, Tổng thống Biden sẽ thúc đẩy tăng cường hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ với Anh. Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Anh ra tuyên bố nhấn mạnh chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Biden "phản ánh mối quan hệ bền chặt giữa Anh và Mỹ".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến London. Ảnh: PA

Sau đó, ông Biden sẽ đến thủ đô Vilnius của Litva tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO trong hai ngày 11 và 12-7. Đây được xem là hoạt động chính của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Âu lần này. Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Biden trong chuyến công du châu Âu này là thủ đô Helsinki của Phần Lan - nơi ông dự kiến hội đàm với lãnh đạo quốc gia Bắc Âu này trong ngày 13-7.

Vấn đề Ukraine

Theo CNN, chuyến công du của Tổng thống Mỹ Biden diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang rất quyết liệt và âm mưu nổi loạn bất thành ở Nga của Wagner vào tháng trước, đã đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định toàn cầu. NATO cũng đang bất đồng về việc mời Ukraine gia nhập. Trong khi Lithuania và các nước ở sườn phía đông NATO muốn đẩy nhanh việc này, Mỹ, Đức và một số nước khác ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn vì lo sợ viễn cảnh NATO bị đẩy vào xung đột trực tiếp với Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, ông Biden và các đồng minh sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, đồng thời chỉ ra những gì mà Kiev cần phải làm để trở thành thành viên liên minh vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Trong một cuộc phỏng vấn được CNN công bố ngày 9-7, Tổng thống Biden kêu gọi thận trọng trong nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, nói rằng liên minh có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Nga do hiệp ước phòng thủ chung. "Tôi không nghĩ rằng có sự nhất trí trong NATO về việc có nên kết nạp Ukraine vào liên minh hay không, ở thời điểm hiện tại, giữa một cuộc xung đột", ông Biden nói. Tổng thống cho biết ông đã nói chuyện rất lâu với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về vấn đề này, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp an ninh và vũ khí cho Ukraine. "Tôi nghĩ chúng ta phải vạch ra một con đường hợp lý để Ukraine có thể đủ điều kiện gia nhập NATO", ông Biden nói.

Ông Biden là người đóng vai trò quan trọng trong việc xác định những tiêu chí hoặc mốc thời gian cụ thể, có thể đo lường, nếu có, được đưa ra cho Ukraine để trở thành thành viên NATO trong hội nghị thượng đỉnh này. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Vilnius "sẽ là một thời điểm quan trọng trên con đường trở thành thành viên", tạo cơ hội cho các thành viên "thảo luận về những cải cách vẫn cần thiết để Ukraine đạt được các tiêu chuẩn của NATO". Tổng thống Ukraine Zelensky, trong cuộc phỏng vấn với CNN, cho rằng việc đưa ra cho Ukraine lời mời gia nhập NATO sẽ là động lực quan trọng đối với các binh sĩ Ukraine. "Tín hiệu này thực sự rất quan trọng và phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Biden", ông Zelensky nói.

Hội nghị ở Vilnius cũng diễn ra trong bối cảnh ông Biden vừa mới công bố kế hoạch gửi cho Ukraine bom chùm, loại vũ khí mà hơn 2/3 số thành viên NATO đã cấm vì khả năng gây thương vong cho dân thường. Tại hội nghị, tổng thống Mỹ có khả năng sẽ phải đối mặt với sự chất vấn của các đồng minh liên quan đến quyết định này.

Thụy Điển gia nhập NATO

Khả năng của ông Biden trong việc đoàn kết các thành viên NATO cũng sẽ được thử thách, giữa lúc nỗ lực gia nhập liên minh của Thụy Điển vẫn đang gặp trở ngại vì sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ đáng chú ý từ Mỹ, ông Biden đã chào đón Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tới Nhà Trắng hôm 5-7. "Điểm mấu chốt rất đơn giản: Thụy Điển sẽ làm cho liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn và có cùng chuỗi giá trị mà chúng ta có trong NATO. Và tôi thực sự đang tìm kiếm - rất nóng lòng mong chờ tư cách thành viên của Thụy Điển", ông Biden nói với Thủ tướng Kristersson.

Tổng thống Biden đã thảo luận về việc Thụy Điển tham gia NATO trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và "bày tỏ mong muốn chào đón Thụy Điển gia nhập liên minh càng sớm càng tốt". Đáp lại, ông Erdogan nói với ông Biden rằng Thụy Điển phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những tổ chức mà Ankara coi là khủng bố. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý gặp mặt trực tiếp để thảo luận chi tiết về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khác "bao gồm vị trí của Ukraine trong NATO, tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara".

Hợp tác với Bắc Âu

Sau Vilnius, ông Biden sẽ đến thủ đô Helsinki của Phần Lan, quốc gia mới đây đã từ bỏ chính sách truyền thống không liên kết quân sự và gia nhập NATO hồi tháng 4 vừa qua. Ông Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Helsinki kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump đến thành phố này để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây 5 năm.

Tại Helsinki ngày 13-7, ông Biden dự kiến gặp các nhà lãnh đạo Bắc Âu khác, bao gồm Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Một quan chức Bắc Âu nói với CNN, các lĩnh vực được thảo luận trong cuộc gặp lần này bao gồm hợp tác an ninh, đặc biệt là ở Bắc Cực, nơi có sự hiện diện của cả Trung Quốc và Nga. Họ cũng dự kiến sẽ thảo luận về các lĩnh vực hợp tác về công nghệ, bao gồm 5G và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Thỏa thuận về khí hậu và năng lượng sạch cũng sẽ là những chủ đề chính trong chuyến thăm Helsinki.

AN BÌNH