Ông Donald Trump tỏ ra mềm mỏng
(Cadn.com.vn) - Tổng thống đắc cử Donald Trump gạt sang một bên những cam kết gay gắt trong chiến dịch tranh cử, nhất là đe dọa sẽ bỏ tù đối thủ Hillary Clinton hay tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ngày 22-11 (giờ Mỹ), trong cuộc trả lời phỏng vấn lần thứ 2 kể từ khi đắc cử tổng thống, ông Trump tiếp tục định hình những chính sách, những quyết định có thể đưa ra sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017.
Vị chủ nhân tương lai của Nhà Trắng cũng trấn an người dân không lo ngại về khả năng xung đột lợi ích giữa công việc của ông trên cương vị tổng thống và hoạt động kinh doanh của gia đình. Những tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn này cho thấy nhiều sự thay đổi đáng kể so với những gì ông Trump đã nói trong suốt thời gian chạy đua vào Nhà Trắng. Và những thay đổi này có thể làm dịu những lo ngại của người dân Mỹ và thế giới về một nước Mỹ “không tưởng” dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đến tòa soạn báo New York Times hôm 22-11 (giờ Mỹ). |
Mềm mỏng hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu
Trả lời câu hỏi với một nhóm phóng viên tại phòng họp ở tầng 16 tòa soạn báo New York Times, ông Trump cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm về biến đổi khí hậu.
Trong đó, vị tổng thống đắc cử nhấn mạnh hiện vẫn chưa đi đến quyết định có nên rút khỏi hiệp ước quốc tế mang tính bước ngoặt về chống biến đổi khí hậu – Hiệp định Paris – hay không. Động thái này cho thấy lập trường mềm mỏng hơn của tổng thống đắc cử Mỹ về sự ấm nóng trên toàn cầu so với những gì mà ông tuyên bố trong suốt chiến dịch tranh cử. Trong thời gian tranh cử, ông Trump cho rằng, hiện tượng ấm nóng toàn cầu là “trò lừa bịp của Trung Quốc”. Vị tỷ phú này tuyên bố sẽ xé bỏ hiệp định này khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, giờ đây, ông cho rằng, “có một sự liên hệ nào đó giữa hoạt động của con người với sự ấm lên toàn cầu”.
Tuyên bố này của ông Trump có thể giúp xoa dịu mối lo của gần 200 quốc gia tham gia thỏa thuận. Bởi việc Mỹ “rút chân” sẽ có nguy cơ tạo ra hiện tượng domino, khiến các quốc gia khác làm theo. Và rồi những nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ sẽ gặp nhiều trở ngại.
Không điều tra bà Clinton
Ông Trump từng đe dọa sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra bê bối email cá nhân của bà Hillary Clinton hoặc các hoạt động tài chính của Quỹ Clinton. Thậm chí ông dọa sẽ kết án tù đối thủ của mình khi lên nắm quyền.
Nhưng rồi, trong lần trả lời phỏng vấn kéo dài 75 phút này, tổng thống đắc cử Trump bỏ qua vấn đề này. Khi được hỏi, ông Trump cho rằng, việc truy tố bà Clinton sẽ là “rất, rất chia rẽ đất nước”. Tổng thống đắc cử cũng dành những lời nói nhẹ nhàng hơn dành cho đối thủ của mình, khẳng định không muốn bắt vị cựu ngoại trưởng phải chịu đựng thêm nhiều cay đắng bằng việc truy tố và bỏ tù bà. “Tôi không muốn làm tổn thương gia đình Clinton, tôi thực sự không muốn vậy. Bà ấy đã chịu đựng quá nhiều theo nhiều cách khác nhau và tôi không tìm cách làm tổn thương họ nữa. Điều này là rất xấu”, ông Trump nói.
Tham vọng ngoại giao cao cả
Tổng thống đắc cử Trump cũng đặt ra một số tham vọng chính sách ngoại giao cao cả khi dọn về sống tại Nhà Trắng trong 4 năm.
“Tôi rất muốn trở thành người dàn xếp hòa bình cho Israel và Palestine. Đó sẽ là thành tựu vĩ đại”, ông Trump đề cập đến cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài nhiều thập kỷ qua. Vậy ông sẽ hiện thực hóa “giấc mơ” này như thế nào? Chưa có gì rõ ràng, nhưng vị tổng thống đắc cử đang cho thấy những hạn chế kiến thức về chính sách đối ngoại khi tuyên bố, người con rể Jared Kushner của ông có thể giúp môi giới hòa bình Israel-Palestine.
Rõ ràng, cách tiếp cận của ông Trump trong chính sách đối ngoại vẫn còn là câu hỏi mở, nhất là khi các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng chưa được bổ nhiệm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính quyền của ông Trump sẽ theo đuổi chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh”, bao gồm cả chủ nghĩa can thiệp và hướng vào bên trong. Thậm chí, ông Trump có thể sẽ theo chủ nghĩa biệt lập trong đó nhấn mạnh “nước Mỹ là số 1”.
Khả Anh