Báo Công An Đà Nẵng

Ông Donald Trump và tham vọng “di sản Trung Đông”

Thứ bảy, 26/11/2016 11:20

(Cadn.com.vn) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang đối mặt với vũng lầy tại Trung Đông, nơi những “nghệ thuật thỏa thuận” là vô cùng cần thiết. Liệu ông Trump - người vẫn luôn tự hào về “nghệ thuật thỏa thuận” của mình - có thể làm được gì cho Trung Đông trong 4 năm cầm quyền?

Trên khắp Trung Đông và xa hơn nữa, người dân đang chăm chăm nhìn vào những tuyên bố của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, những tâm sự trong các cuộc phỏng vấn sau khi đắc cử và những chọn lựa đầu tiên cho đội ngũ “giúp việc” ở Nhà Trắng.

Nhưng cho đến nay, xem ra, đến cả giới chuyên gia Trung Đông vẫn mơ hồ về những quyết sách của vị tổng thống đắc cử này cho đến khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017. Một số chuyên gia cho rằng, không thể đoán trước là nhà lãnh đạo tiếp theo của cường quốc số 1 thế giới sẽ hành động như thế nào. “Ông Trump có thể mở khách sạn ở Iran hoặc có thể đi đến chiến tranh với Iran”, một chính trị gia cảnh báo. Một số chuyên gia khác kêu gọi mọi người cho vị tổng thống đắc cử này thời gian.

Người dân ở Trung Đông đang chờ đợi một sự thay đổi lớn của Tổng thống đắc cử Mỹ
Donald Trump cho các cuộc chiến kéo dài ở khu vực này. Ảnh: AFP

Thật sự, tổng thống đắc cử Mỹ đang nắm trong tay những thỏa thuận rất phức tạp: kết thúc cuộc chiến tranh đẫm máu ở Syria; giải quyết cuộc xung đột tàn phá ở Yemen; gỡ những nút thắt cho Palestine-Israel cũng như những căng thẳng giữa Mỹ với nhiều quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Times hôm 22-11, ông Trump đặt ra tham vọng “muốn trở thành người dàn xếp hòa bình cho Israel và Palestine”. “Đó là thỏa thuận rất quan trọng”, ông cũng từng nói như vậy với tờ Wall Street Journal trong cuộc phỏng vấn đầu tiên ngay sau chiến thắng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cuộc xung đột kéo dài hơn 6 năm ở Syria mới là thử nghiệm ngoại giao đầu tiên của ông Trump. Khi được hỏi ông sẽ làm gì với Syria, ông trả lời: “Tôi chỉ có thể nói điều này. Chúng ta phải chấm dứt sự điên cuồng đang diễn ra ở Syria”. Trong năm qua, ông Trump liên tục tuyên bố sẽ hợp tác với Nga và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Nỗ lực tiêu diệt tận gốc nhóm IS ở Syria và Iraq cũng là mục tiêu quan trọng của Tổng thống Obama nhưng ông Trump công khai bước đi khác.

Trong khi Tổng thống Obama đặt ra điều kiện đầu tiên cho hòa bình Syria là “chính quyền Tổng thống Assad phải ra đi”, ông Trump lại muốn “bắt tay” với ông Assad. “Tôi không nói rằng Tổng thống Assad là người tốt. Nhưng vấn đề lớn hơn của chúng ta không phải là ông Assad mà là IS”, ông Trump nói. Ông Trump cũng muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong vấn đề Syria khi không hề giấu giếm sự ngưỡng mộ của mình dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng vấn đề của ông Trump là vượt ải Quốc hội nơi đảng Cộng hòa kiểm soát và các nghị sĩ cấp cao của đảng này như Thượng nghị sĩ John McCain cáo buộc, các vụ đánh bom của Nga và Syria trong cuộc chiến chống IS là “man rợ”. Ngoài ra, tăng cường trục Putin-Assad sẽ giúp Iran mở rộng ảnh hưởng khắp Trung Đông – vấn đề mà tổng thống đắc cử Mỹ không hề mong muốn.

Hiện nay, hầu hết các nhà lãnh đạo Arab giữ đều tỏ ra cởi mở với vị chính trị gia sớm dẫn dắt đồng minh nước ngoài quan trọng nhất này. Và họ hy vọng ông Trump sẽ có nhiều sự khác biệt so với ông Obama – người mà giới lãnh đạo các nước Arab không hài lòng vì chỉ miễn cưỡng can thiệp mạnh mẽ hơn ở Syria cũng như việc nỗ lực dỡ bỏ trừng phạt Iran.

Khả Anh