Báo Công An Đà Nẵng

"Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu phất cao "Ngọn quốc kỳ"

Thứ ba, 19/08/2014 07:18
 

(Cadn.com.vn) - Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là sự kiện lịch sử "long trời lở đất" ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, mà thành quả vĩ đại nhất là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gần 70 năm trước. Sức hấp dẫn lạ thường của cuộc Cách mạng ấy đã truyền cảm hứng cho "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu làm nên trường ca "Ngọn quốc kỳ" giàu chất tráng ca, lay động lòng người.

Nếu nhà thơ Tố Hữu biểu đạt niềm vui bất tuyệt của đất nước, sông núi và lòng người trước thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng mùa Thu bằng những vần thơ sục sôi: "Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố/Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi /Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!/Ta vật ngã trong dòng người cuộn thác" (Huế Tháng Tám) thì trường ca "Ngọn quốc kỳ" cũng có không ít những câu thơ hào sảng: "Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo;/ Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng/ Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo;/ Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo/Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/ Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết/Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!". Không vui, không sướng sao được khi chứng kiến một dân tộc đang hồi sinh, vươn vai Phù Đổng, bỏ lại đàng sau một quá khứ đau thương, tủi nhục vong quốc suốt 80 năm. Với tâm thế đó, tác giả tái hiện thật sinh động "ngày hội của quần chúng", cảnh muôn triệu con dân đất Việt, già trẻ, gái trai hân hoan chào đón biểu tượng của Cách mạng-Tổ quốc-Dân tộc: "Việt Nam! Việt Nam! cờ đỏ sao vàng!/Những ngực nén hít thở Ngày Độc lập!/ Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/ Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca...", "...Ôi lịch sử! cùng mấy ngày tháng tám/Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân". Những câu thơ tinh tế đầy sức rung!

Bằng lý trí và tình cảm cách mạng, Xuân Diệu khẳng định một sự thật lịch sử: Không phải lá cờ nào khác mà chính cờ đỏ sao vàng- lá cờ sinh ra trong máu lửa khởi nghĩa Nam Kỳ, lá cờ mà lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh hằng ấp ủ trong những đêm trắng tại lao tù của Tưởng Giới Thạch- đã hiệu triệu quần chúng làm nên cuộc Cách mạng lịch sử. Trường ca "Ngọn quốc kỳ" kêu gọi toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ chung quanh Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu: "Hỡi dân Việt! Cờ của ta vẫy đó/Tiến lên! tiến lên! theo sứ mạng non sông!/Cờ là ta, là dân chúng, cờ mọc tựa vừng đông/Sống hay chết, chẳng nhục dòng giống Việt!".

Nói về sự ra đời của trường ca "Ngọn quốc kỳ", Xuân Diệu kể: Khoảng tháng 10 đến 11-1945, ở tuổi 29, nhà thơ đang hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam (do ông Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi phụ trách chính). Lúc bấy giờ, Nam Bộ thân yêu "máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam" đang đi đầu và anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ở Hà Nội, cuộc đấu tranh chống những lực lượng chính trị phản động cũng diễn ra gay gắt. Núp bóng quân đội Tưởng Giới Thạch, những đảng phái phản động trưng những lá cờ sao trắng, cờ ba gạch và không công nhận cương vị quốc kỳ của cờ đỏ sao vàng, nghĩa là không công nhận chính quyền nhân dân do Đảng Cộng sản xây dựng và lãnh đạo. Hàng ngày, chúng tuyên truyền những luận điểm chống Chính phủ lâm thời, tiến hành việc bắt cóc người, khiêu khích, phá rối và bày trò biểu tình chống cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946). Trong bối cảnh đó, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã "đặt hàng xã hội" cho nhà thơ Xuân Diệu: dùng thơ phất cao ngọn quốc kỳ, đánh mạnh vào bọn phản động hại dân, hại nước. Và, ông đã chọn đề tài "Ngọn quốc kỳ" để sáng tác trong mấy tháng- đây là tác phẩm thơ Xuân Diệu viết dài ngày nhất trong đời thơ của mình. Đương thời, khi quảng cáo cho tập trường ca in màu do Trần Đình Thọ trình bày, tạp chí "Tiên phong" đã không tiếc lời ngợi khen: "Ngày xuân độc lập nên tặng nhau một quyển sách quý Ngọn quốc ky anh hùng ca của Xuân Diệu. Có lá quốc kỳ nên có một quyển Ngọn quốc kỳ."

"Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu từng bộc bạch với nhà thơ Trần Đăng Khoa rằng, "Ngọn quốc kỳ" là một trong những trường ca ông "viết bằng hồn". Trong phần Tựa khi in trường ca này lần thứ hai (Nhà xuất bản Văn học, năm 1961), ông cho hay: Đây là "mối tình đầu với Cách mạng thành công, với chính quyền nhân dân ở "thành Hoàng Diệu" tức thủ đô Hà Nội, tháng 8-1945, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ nhất... Bài thơ Ngọn quốc kỳ được làm ra trong những ngày say sưa tắm ánh sáng thần tiên của Cách mạng thành công ấy".

Vân Trình