Báo Công An Đà Nẵng

Ông Kim Jong-un lại đến Trung Quốc

Thứ tư, 20/06/2018 12:40

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang có chuyến thăm 2 ngày đến Bắc Kinh, một tuần sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc thứ 3 của ông Kim chỉ trong vòng 3 tháng qua, một động thái được giới phân tích cho rằng, chứng tỏ Bình Nhưỡng coi trọng nước láng giềng thân cận và cũng là đồng minh truyền thống của mình. 

Chiếc xe được cho là chở ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh. Ảnh: Yonhap

Yonhap dẫn nguồn tin hàng không cho biết, một máy bay An-148 của hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên cất cánh sáng nay từ sân bay Bình Nhưỡng và hạ cánh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh lúc 9 giờ 30.

Hiện chưa rõ ông Kim Jong-un có ngồi trên máy bay này hay không. Đây là máy bay từng được sử dụng trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hồi tuần trước. Một máy bay vận tải khác của Triều Tiên đã hạ cánh xuống sân bay này lúc 8 giờ 40 và được cho là chở hành lý và các vật dụng cần thiết khác phục vụ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong khi đó, an ninh dọc tuyến đường cao tốc dẫn đến sân bay của Bắc Kinh sáng 19-6 được thắt chặt. Các phóng viên phát hiện xe Mercedes chống đạn trị giá 1 triệu USD chở ông Kim Jong-un đậu tại sân bay, trước khi một đoàn xe hộ tống tiến vào các tuyến phố ở thủ đô Bắc Kinh. 

Vì sao lại là Trung Quốc?

Nhiều người cho rằng, chuyến công du Trung Quốc lần 3 của ông Kim Jong-un là nhằm thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tuần trước. Theo chuyên gia về Triều Tiên Sue Mi Terry tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), điều này cho thấy Trung Quốc đang ảnh hưởng sâu hơn vào các chính sách ngoại giao của ông Kim Jong-un.

Chuyến thăm mới nhất của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh cho thấy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn bị “ra rìa” trong bất kỳ cuộc thảo luận Mỹ - Triều nào. Tuy nhiên, việc truyền thông Trung Quốc đưa tin chính thức về chuyến thăm đã đánh dấu một kỷ nguyên mới đối với vị thế của ông Kim Jong-un với tư cách một nhà lãnh đạo thế giới. Bằng cách chia sẻ công khai chi tiết chuyến thăm nước ngoài của ông Kim Jong-un, Trung Quốc trao cho Triều Tiên tính chính danh nhiều hơn, giúp Triều Tiên ngày càng đạt tham vọng được đối xử công bằng như bất kỳ nước nào khác.  

Chuyên gia Tôn Vận nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson (Mỹ) nhận định, ngay từ trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, Trung Quốc luôn mong muốn duy trì quyền lực của mình. Thay vì sử dụng một máy bay của Triều Tiên đến Singapore tham dự cuộc gặp thượng đỉnh, ông Kim Jong-un lại sử dụng một máy bay của hãng hàng không Air China.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk cho biết, nước này hy vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, đồng thời khẳng định Seoul và Bắc Kinh có chung mục tiêu chiến lược này. Theo quan chức này, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng góp vào tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh. 

Hiện, Nhà Xanh đang tập trung nắm bắt nội dung cụ thể trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bởi kết quả hội đàm Trung - Triều lần này dự kiến sẽ tác động không nhỏ tới quá trình đàm phán Mỹ - Triều trong thời gian tới, cũng như các vấn đề khác liên quan tới bán đảo Triều Tiên như tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ký kết hiệp định hòa bình.

Mỹ - Hàn hủy tập trận chung

Trong diễn biến liên quan khác, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 19-6 thông báo, nước này và Mỹ quyết định sẽ ngừng cuộc tập trận chung mang tên Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG) dự kiến diễn ra trong tháng 8 tới giữa lúc đang nỗ lực đối thoại nhằm giải giáp hạt nhân Triều Tiên. 

“Sau sự hợp tác chặt chẽ, Hàn-Mỹ quyết định ngừng toàn bộ hoạt động đã được lên kế hoạch phục vụ UFG. Hàn Quốc và Mỹ có kế hoạch tiếp tục tham vấn về các biện pháp bổ sung”, thông báo của Bộ Quốc phòng  cho biết. Cũng theo bộ này, hiện vẫn chưa có quyết định liên quan tới các cuộc tập trận huấn luyện chung khác. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, bà Choi Hyun-soo cho hay Chính phủ Hàn Quốc tin rằng quyết định này sẽ giúp duy trì đà tiến triển trong các cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Mỹ với Triều Tiên. 

Nhà Trắng cho biết, cuộc tập trận chung này dự kiến sẽ “tạm ngừng” nếu Triều Tiên thực hiện cam kết giải giáp hạt nhân. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố: “Những cuộc thảo luận về vấn đề này hiện đang tiếp diễn. Chừng nào Triều Tiên tiếp tục hành động một cách thiện ý thì chúng tôi dự kiến sẽ ngừng cuộc tập trận này”. 

Nhật lo lắng

Trong bối cảnh dấy lên quan ngại về việc Mỹ có thể từ bỏ vai trò thời hậu chiến của mình trong cấu trúc an ninh ở khu vực, các quan chức Nhật Bản hy vọng vai trò an ninh của Mỹ, vốn được củng cố ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong suốt nhiều thập kỷ qua, sẽ không thay đổi, bất chấp quyết định của Washington ngừng cuộc tập trận thường niên quy mô lớn với Hàn Quốc. 

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, quyết định trên sẽ không ảnh hưởng tới tập trận của Mỹ với Nhật Bản. Nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật Bản bày tỏ lo ngại, việc Mỹ ngừng tập trận có thể làm suy yếu năng lực răn đe, do các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đã gây sức ép hiệu quả đối với Triều Tiên. Ngoài ra, nhiều quan chức trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản lo ngại việc Tổng thống Trump sẵn sàng giảm quy mô binh lính của Mỹ ở Hàn Quốc trong tương lai có thể thay đổi cán cân quân sự ở Đông Bắc Á.

AN BÌNH