Báo Công An Đà Nẵng

Ông mù đưa Internet về làng

Thứ tư, 21/01/2015 09:04

(Cadn.com.vn) - Sau một cơn sốt “thập tử nhất sinh” năm lên 4 tuổi, ông Đỗ Phú Kim (1961, trú thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, H.  Đại Lộc, Quảng Nam) phải vĩnh viễn sống trong bóng tối. Bằng nghị lực, không nhìn thấy được ánh sáng nhưng ông có thể dùng được Internet, sử dụng điện thoại và tự mình đứng máy xay gạo cho bà con nông dân. Điều này khiến nhiều người trầm trồ thán phục về khả năng phi thường của người đàn ông mù lòa này.

Cụ Nguyễn Thị Én (1928), mẹ ông Kim kể: “Tôi sinh được 8 đứa con, Kim là con đầu nhưng lên 4 tuổi hắn bị mù nên việc đi lại hết sức khó khăn. Gia đình cố gắng chạy vạy, vay mượn khắp nơi để tìm lại ánh sáng từ đôi mắt của con nhưng đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu của bác sĩ”.

Làm bạn với bóng tối, không đầu hàng số phận, ông Kim có tính tự lập từ rất sớm. Ông vẫn sinh hoạt như người bình thường, chưa bao giờ muốn mình là gánh nặng của người khác. Mọi chuyện từ cơm áo, giặt giũ ông đều có thể lo cho mình. Hiểu được hoàn cảnh và nghị lực của ông, cô thôn nữ Nguyễn Thị Chín (1965) đem lòng yêu người đàn ông mù lòa, vượt qua mọi định kiến, lời bàn tán, e ngại của những người xung quanh. Năm 1983, đám cưới của ông Kim diễn ra trong sự chia vui của bà con, chòm xóm. Hình ảnh cô dâu dắt chú rể mù lòa để làm lễ trong ngày vu quy khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Bà Chín tâm sự: “Lúc yêu và lấy anh thì nhiều người có nói ra nói vô nhưng bằng tình yêu thì chúng tôi vẫn quyết định lấy nhau. Chồng tôi bị mù nhưng anh vẫn có thể làm việc như người bình thường. Nấu ăn, giặt đồ tất tần tật công việc anh đều làm được cả, có khi anh còn giúp tôi làm được công việc nhà nữa”.

Dù bị mù nhưng ông Kim vẫn có thể dùng Internet một cách thuần thục.

Đôi mắt bị mù, ông Kim dùng tất cả các giác quan còn lại cảm nhận để mưu sinh. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt cho đến mở xưởng xay gạo, quán internet để phục vụ cho nhu cầu của người dân. Vì người vợ hơi ngớ ngẩn nên ngôi nhà lặng lẽ sớm hôm do chính bàn tay ông quán xuyến, vun đắp.

“Mất đi đôi mắt thực sự là rất khó khăn đối với tôi, cũng có lúc tôi muốn buông xuôi, bỏ mặc cho cuộc đời nổi trôi nhưng nghĩ về người thân thì mình phải cố gắng hết sức. Không có việc gì khó hết, chỉ cần mình kiên nhẫn tìm tòi thì sẽ làm được”, ông Kim trải lòng.

Đầu năm 2008, ông Kim đăng ký lớp học vi tính tại hội người mù Quảng Nam. Sau hơn 5 tháng xa nhà cần mẫn mày mò, ông đã dùng thành thạo được các kỹ năng cơ bản của vi tính. Những ngày tháng được sống cùng những người đồng cảnh ngộ, ông học lỏm được chữ Braille và sửa được dụng cụ vi tính, máy móc. Nhờ có phần mềm âm thanh dành cho người khiếm thính được cài trong máy vi tính nên ông Kim có thể đọc báo và lướt web dễ dàng.

Ông Kim tâm sự: “Bước đầu vô học hơi khó khăn nhưng nhờ bạn bè xung quanh bây giờ tôi đánh văn bản, đọc báo đều được. Nhiều người mang máy mô-tơ, máy quạt hư hỏng tôi sửa lại chạy ngon lành luôn”.

Ông Kim đang xay gạo cho bà con nông dân.

Năm 2011, tích góp được số vốn nho nhỏ, ông Kim quyết định mở quán internet để phục vụ nhu cầu của người dân. Ban đầu vì kinh phí eo hẹp ông chỉ sắm được 5 máy nhưng đến nay đã gần 20 máy. Quán Internet mang tên Phú Kim của ông chủ mù là quán đầu tiên của làng Lâm Tây. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình ông dần ổn định và khấm khá hơn. Ông Kim bảo, nhận thấy sự cấp thiết trong nhu cầu thông tin của trẻ nhỏ ở làng nên mới quyết định mở quán Internet. Mọi hư hỏng liên quan đến kỹ thuật trong máy tính đều do chính tay ông sửa chữa, bí quá thì ông mới nhờ đến thợ.

Không dừng lại ở đó, điều mà nhiều người ngỡ ngàng là việc ông bỏ hàng chục triệu đồng để sắm máy xay gạo. Tự tay ông đứng ra bật máy xay gạo, đôi tay nhanh thoăn thoắt và chính xác như người mắt sáng. Với sự siêng năng của ông, có rất nhiều bà con nông dân đến xay gạo, cổ vũ tinh thần của ông chủ mù lòa này.

“Hồi trước hay bị điện giật lắm nhưng làm dần cũng quen. Mình tôi vẫn có thể máy gạo được mà, nhiều người làng khác nghe chuyện tưởng nói giỡn. Có gì to tát đâu, mày mò dần dần rồi cũng làm được. Hồi xưa tôi còn nghĩ sẽ không bao giờ dùng được điện thoại nhưng bây giờ thì vô tư”, ông Kim cười nhẹ.

Nhiều người dân biết ông có tài nên máy móc hư chỗ nào liền mang đến cho ông nhờ sửa giúp. Từ đó, cái tên “kỹ sư mù” không còn xa lạ với nhiều người dân nơi đây. Những hộ khó khăn thì ông chỉ sửa giúp mà không lấy bất cứ đồng thù lao nào. Ông Trương Văn Lượng, Chủ tịch Hội người mù H. Đại Lộc nhận xét: “Ông Đỗ Phú Kim là người luôn sống với những khát khao, chinh phục. Mù nhưng ông trở thành người sửa chữa máy móc, dùng internet và xay gạo được. Đó là tấm gương sáng để những anh em cùng cảnh ngộ noi theo”.

Trinh Nữ