Báo Công An Đà Nẵng

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (6)

Thứ ba, 09/07/2013 10:20

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (7) 

 

* Kỳ 6: Với những nhà tình báo huyền thoại

 

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (5)

 

 

Ký sự nhân vật

Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)

* Huân chương Sao Vàng

* Huân chương Hồ Chí Minh

* Huân chương Quân công hạng Nhất

* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(Cadn.com.vn) - Phân tích cái chết của Diệm - Nhu trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, ông Mười Hương nói với chúng tôi: "Nó chết vì thằng Mỹ không dùng nó nữa".

 

Nhưng mệnh đề "thằng Mỹ không dùng nó nữa" lại "vô tình" trùng khít với mục tiêu đấu tranh của mạng lưới tình báo do chính ông Mười Hương trực tiếp lãnh đạo (!), trong đó phải kể đến: Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn...

 

Ông Mười Hương kể, Phạm Ngọc Thảo do ông Lê Duẩn, lúc đó đang là Bí thư T.Ư Cục miền Nam trực tiếp phụ trách từ trước. Sau khi ông Mười Hương vào Nam, ông Lê Duẩn giao Phạm Ngọc Thảo cho Ban Địch tình Xứ ủy Nam Kỳ phụ trách, gồm ông Mười Hương, ông Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) và ông Bảy Chiếm (Thượng tướng Cao Đăng Chiếm). Nhưng lúc bấy giờ cả ông Năm Xuân và ông Bảy Chiếm đều không thể hoạt động ở Sài Gòn do trước đó thành tích quá lẫy lừng, dễ bị lộ, vậy nên Ban Địch tình Xứ ủy giao Phạm Ngọc Thảo cho ông Mười Hương trực tiếp chỉ huy ngay khi mới vào Nam (1954).

 

Cuộc đời hoạt động lẫy lừng và bi tráng của Phạm Ngọc Thảo gắn liền với những cuộc đảo chính làm chao đảo chính trường Sài Gòn đã được viết thành nhiều cuốn sách, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết chuyển thể thành phim "Ván bài lật ngửa" của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng). Đại tá Phạm Ngọc Thảo chính là nguyên mẫu của Đại tá Nguyễn Thành Luân mà nhiều người biết đến.

 

Năm 1954, khi Mỹ đưa Diệm - Nhu về nước lập chính phủ, Phạm Ngọc Thảo được chỉ định tham gia "Đệ nhất cộng hòa". Vấn đề là làm sao để Diệm - Nhu tin dùng, bởi ông quá nổi tiếng, ai cũng rõ ông từng tham gia Việt Minh đánh Pháp, mà bản thân Diệm trước đó lại do Pháp nuôi. Sau khi bàn bạc, ông Mười Hương thống nhất với Phạm Ngọc Thảo là... nói thật hết. Diệm - Nhu, CIA hỏi gì khai nấy. Duy chỉ có một chi tiết Phạm Ngọc Thảo không bao giờ khai: Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi được Diệm - Nhu dùng, Phạm Ngọc Thảo đã hoạt động vô cùng năng nổ, đặc biệt có uy tín trong quân đội cũng như có sự che chở của các giáo xứ, gây nên nhiều cuộc đảo chính khuynh đảo chính trường, quân đội Sài Gòn.

 

Một trong những cuộc đảo chính đó diễn ra ngày 1-11-1963.

 

Với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông Mười Hương là người tham gia cử Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học báo chí. Ông Mười Hương kể: "Tôi có dự một buổi tiệc có Ẩn và mấy tay CIA nữa. Bọn nó mê Ẩn lắm, muốn cho Ẩn tham gia chính quyền, quân đội. Nhưng tôi nói Ẩn nên đi học báo chí, vì cái nghề này không vướng vào đảo chính, đứa nào lên thì cũng tồn tại được. Mà đã làm báo thì làm cho báo Mỹ luôn, chứ làm cho báo chí Sài Gòn thì không ăn thua". Sau này, khi Phạm Xuân Ẩn đang học báo chí ở Mỹ thì ông Mười Hương bị Ngô Đình Cẩn bắt, giam ở Tòa Khâm (Huế), chịu đựng đủ thứ thủ đoạn cực kỳ nham hiểm của "hung thần miền Trung". Trong nhiều tài liệu, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn kể lại rằng, lúc đó nếu ông Mười Hương hé nửa lời là xem như Phạm Xuân Ẩn hết đường sống chứ nói gì đến đường về, chính Phạm Xuân Ẩn cũng đã chuẩn bị cho tình huống này.

 

Nói không quá rằng, nhờ Mười Hương mà cách mạng giữ được "điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn. Nhưng đó chỉ là một chi tiết trong những câu chuyện thần kỳ của cách mạng Việt Nam mà thôi.

 

 

 

 Các nhà tình báo cách mạng (từ trái qua): Vũ Chính, Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Trần Hiệu, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức. Ảnh: TL

 

Năm 1958, khi ông Mười Hương đang bị Ngô Đình Cẩn giam giữ ở Tòa Khâm thì Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy cũng bị nghi ngờ và bị bắt vào đây. Chính tại nơi này, ông Mười Hương có truyền đạt Vũ Ngọc Nhạ một ý quan trọng. Đó là, trong Công giáo có nhiều dòng tu, thời bấy giờ dòng tu khắc kỷ do giám mục Lê Hữu Từ (Giám Mục chính tòa Phát Diệm, Giám quản tông tòa Giáo phận Bùi Chu) và Hoàng Quỳnh (rất có uy tín, nhưng lúc đó lại không được hòa hiếu với gia đình họ Ngô). Do đó, muốn được Diệm - Nhu tin dùng, dứt khoát phải bám lấy cha Từ, cha Quỳnh. Sau này, với vỏ bọc là cầu nối giữa công giáo Bùi Chu - Phát Diệm và gia đình họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ trở thành người gắn với nhiều sự kiện của chế độ gia đình trị này.

 

Với Lê Hữu Thúy, ông Mười Hương có kỷ niệm khá thú vị. Ông Mười Hương đánh giá rất cao cách thức hoạt động của con người này, đó là không bao giờ moi tin tức mà chỉ từng bước, từng bước tác động để những người phía bên kia nhận thức đúng về dân tộc, từ đó tự nguyện đứng ra giúp đỡ cách mạng. Cũng chính nhờ đó, khi lưới điệp báo A22 bị phá vỡ, Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ và nhiều cơ sở khác bị kết án đày ra Côn Đảo (1969), họ vẫn hoạt động rất hiệu quả, tiêu biểu là điệp vụ thu thập và chuyển cho T.Ư Cục miền Nam toàn bộ danh sách tù nhân.

 


“Anh em hoạt động tài tình, tôi chỉ chỉ trỏ thôi”  - TRẦN QUỐC HƯƠNG.
 

Sau khi lưới điệp báo A22 bị vỡ, Lê Hữu Thúy bị đẩy ra Côn Đảo, điều đặc biệt thú vị là chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại không tin vào điều này; ông ta cho rằng, đó là chiêu trò của CIA nhằm vào ông. Bởi vậy, mặc dù ở Côn Đảo nhưng các thành viên chủ chốt của A22 như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy được đối đãi tương đối ổn, thậm chí còn được bố trí làm một số công việc ở khu vực văn phòng. Chính từ đây, thông qua một cơ sở bí mật, Lê Hữu Thúy đã lấy được danh sách đầy đủ 17.000 tù nhân ở Côn Đảo và chuyển vào đất liền. Việc này có ý nghĩa rất lớn, bởi lẽ, giới chức Sài Gòn lúc đó khẳng định ở Côn Đảo chỉ có 5.000 tù nhân, nghĩa là họ đang che giấu 12.000 tù nhân. Nhờ danh sách của Lê Hữu Thúy, hàng ngàn tù nhân mà VNCH che giấu đã được trao trả. Đồng thời, việc này cũng giáng một đòn hết sức nặng nề đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khiến ông ta bị Giáo hoàng Paolo VI từ chối tiếp kiến.

 

Hiện nay, hầu như tất cả các tác giả viết về mạng lưới tình báo cách mạng ở miền Nam trước năm 1975 đều khẳng định về vai trò then chốt của ông Mười Hương đối với Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy. Bản thân các nhà tình báo chiến lược cũng nói lên điều đó. Ấy thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Mười Hương chỉ nói: "Anh em hoạt động tài tình, tôi chỉ chỉ trỏ thôi"!

 

Chúng tôi trộm nghĩ, cái sự "chỉ trỏ" như ông Mười Hương mấy người có được?

 

Nguyễn Lê
(còn nữa)