Báo Công An Đà Nẵng

Ông Nguyễn Bá Thanh trong lòng dân (3)

Thứ ba, 10/02/2015 11:29

* Bài 3: CÂY MAI QUÝ Ở CỒN DẦU

 

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-9-2009, quãng 13 giờ 30, chiếc ô-tô cũ màu đen quen thuộc chở ông Nguyễn Bá Thanh chạy thẳng vào trụ sở UBND P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ. Chỉ có ông và người lái xe, không có thêm bất kỳ cán bộ nào khác.

Sự xuất hiện "đơn độc" của ông Bí thư Thành ủy có lẽ khiến lãnh đạo địa phương bất ngờ. Trong lúc các vị cán bộ chính quyền, đoàn thể chưa kịp đến bắt tay chào hỏi thì ông Nguyễn Bá Thanh đã bước nhanh lên hội trường ở tầng 2. Vừa ngồi xuống, ông thông báo ngắn gọn: "Tôi ở Hà Nội về là đến thẳng đây, đến 3 giờ chiều nay phải tiếp một đồng chí lãnh đạo cấp cao làm việc với thành phố, thời gian gấp gáp, eo hẹp nhưng hẹn bà con rồi là phải tới"... Đó là buổi đối thoại thứ 3 của ông Nguyễn Bá Thanh với người dân giáo xứ Cồn Dầu, liên quan đến việc triển khai dự án Đô thị sinh thái Hòa Xuân. Cho đến trước khi nhận nhiệm vụ mới (Trưởng ban Nội chính T.Ư, ngày 28-12-2012), với tư cách là lãnh đạo cao nhất TP Đà Nẵng, ít nhất 7 lần ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp đối thoại với người dân giáo xứ Cồn Dầu.

Cũng cần nói đôi chút về dự án này. Đó là một dự án rộng 420ha, giải tỏa trắng 5 làng (khu vực): Trung Lương, Lỗ Giáng, Tùng Lâm, Cẩm Chánh và Cồn Dầu. Trong số này, làng Cồn Dầu (theo cách gọi cũ) là một giáo xứ. Trong khi đa phần người dân ở các làng khác đều chấp hành chủ trương giải tỏa thì một bộ phận giáo dân Cồn Dầu cương quyết không chịu di dời, biến nơi này trở thành điểm nóng, một bộ phận mưu toan cô lập Cồn Dầu với chính quyền, ngăn cản dự án, đe dọa những giáo dân khác muốn thực hiện chủ trương giải tỏa, từ đó gây nên khá nhiều vụ việc phức tạp. Con em của hộ chấp hành chủ trương đi học về bị một số đối tượng lấy dầu nhớt bôi vào quần áo, đầu tóc, có người bị đánh... Trong suốt thời gian dài, không một vị cán bộ nào nói chuyện được với giáo dân về dự án. Và chính bộ phận này, bằng nhiều cách khác nhau, đã khiến người dân giáo xứ gần như cắt đứt mọi đối thoại với chính quyền.

Tại buổi đối thoại ngày 16-9-2009 nói trên, tuy rằng chính quyền đã vận động, phát giấy mời đến hơn 400 hộ dân giáo xứ nhưng chỉ có vài người đi dự. Cả hội trường mênh mông là hàng trăm chiếc ghế trống. Hai lần trước đó cũng chỉ có vậy. Hình ảnh ấy quen thuộc đến độ bây giờ tôi còn nhớ như in khung cảnh bài trí tiếp dân ở hội trường UBND P. Hòa Xuân: Hai bên cánh gà phía trên là những tấm bản đồ khổ lớn vẽ toàn cảnh dự án Đô thị sinh thái Hòa Xuân, thấp xuống một ít là cái bàn dài bố trí cho ông Nguyễn Bá Thanh ngồi chủ trì, tiếp phía dưới là đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền Q. Cẩm Lệ, P. Hòa Xuân và các tổ chức đoàn thể, phía dưới là hội trường với những hàng ghế ngay ngắn được lau chùi cẩn thận dành cho dân - nhưng bao giờ cũng chỉ thưa thớt vài người đến dự.

Trước cảnh ấy, không ít cán bộ, nhất là cán bộ địa phương tỏ ra ái ngại, nhưng ông Thanh dường như không nao núng. Đến lần thứ tư tổ chức gặp mặt cũng không khá gì hơn, ông Nguyễn Bá Thanh bảo: "Tổ chức ở phường bà con không chịu tới thì lãnh đạo thành phố đến tận nhà bà con đối thoại". Thế là, lần thứ năm đối thoại, ngày 5-11-2009, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo tổ chức ngay gần nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu. Lần này, quả nhiên đông người đến dự thật.

Một buổi đối thoại giữa ông Nguyễn Bá Thanh với người dân giáo xứ Cồn Dầu.

Ngay khi mới bắt đầu đối thoại, ông  Nguyễn Bá Thanh nói rõ quan điểm: "Bà con cứ nói thoải mái. Ai đề đạt gì thì cứ đề đạt. Nói làm sao để xây dựng, để sớm ổn định cuộc sống". Lập tức, ông T.V.L, người từng không ủng hộ chủ trương giải tỏa: Làng Cồn Dầu có từ cách đây 135 năm. Các bậc cha ông đã lập làng, trồng cấy tự bao đời. Chính quyền không cho dân Cồn Dầu sướng hay sao? Giải tỏa rồi thì nhà thờ Cồn Dầu hoang vắng, giáo dân lấy nơi đâu cầu nguyện? Người dân Cồn Dầu toàn làm nông nghiệp, bây giờ giải tỏa biết lấy gì mà sống? Liệu giải tỏa rồi thì tệ nạn xã hội có phát sinh không?

Đáp lời ông T.V.L, ông Nguyễn Bá Thanh tranh luận: Cồn Dầu 135 năm, còn giáo xứ Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) đã 200 năm rồi. Vậy tại sao Hòa Minh vẫn hưởng ứng chủ trương giải tỏa? Rồi các khu vực khác ngay sát Cồn Dầu, nằm trong dự án, như Trung Lương, Lỗ Giáng, Tùng Lâm, Cẩm Chánh... tại sao họ vẫn đồng ý giải tỏa? Hoặc ngay như ở trung tâm TP, ngay cả ngôi nhà của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi từng sống cũng phải giải tỏa? Giải tỏa là để mở rộng thành phố, làm cho thành phố khang trang, hiện đại, văn minh hơn. Chứ nếu ai cũng đòi ở nguyên tại chỗ thì làm sao Đà Nẵng có diện mạo như bây giờ được.

Lại một người khác lên tiếng, lần này đặt ra vấn đề khá hóc búa: "Nhà tôi có cây mai cổ thụ, người ta trả rất nhiều tiền rồi mà tôi không bán, xem như báu vật của cha ông để lại. Bây giờ thành phố giải tỏa, áp giá đền bù theo quy định chỉ được vài trăm nghìn đồng. Như vậy có thỏa đáng không, có phải là ép dân quá hay không?".

Ông Thanh đáp: "Cây mai nhà ông quý giá cỡ nào? Liệu nó có quý hơn cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn hộ dân khác hay không? Nếu ông không chịu giải tỏa cây mai thì cả một tuyến đường không thể hoàn thành. Một con đường không hoàn thành là cả một dự án mấy trăm héc-ta cũng không hoàn thành. Dự án không hoàn thành thì Đà Nẵng phải mãi mãi dậm chân tại chỗ. Tui hỏi ông, cây mai của ông quý hay thành phố này quý? Còn về đền bù, đó là khung giá do căn cứ theo quy định của Nhà nước, được HĐND TP biểu quyết thông qua, áp dụng cho tất cả mọi người, chứ không phải cho riêng ai. Ông thiệt thòi thì cứ đề nghị để thành phố xem xét hỗ trợ phần nào, chứ không thể đòi một cái giá của riêng mình...".

"Có quy hoạch giải tỏa thì mới phát triển được. Tôi hỏi ông, ai cũng nghĩ như ông thì làm sao có được Đà Nẵng như hôm nay? Chủ trương của thành phố là đời sống sau giải tỏa phải cao hơn trước giải tỏa, không để ai thiệt thòi cả, nhưng mỗi người cũng phải biết hy sinh một tí chứ. Cây mai nhà ông quý lắm, tôi biết, nhưng ông có thấy bà con ngay ở trung tâm tấc đất tấc vàng không, đất đai của họ cũng đắt đỏ, quý giá lắm chứ. Vậy tại sao hồi giải tỏa đường Lê Đình Dương, Triệu Nữ Vương (nối dài) họ chấp nhận ra đi, lên tút Hòa Cường. Ở Lê Đình Dương giải tỏa trắng, không ai ở lại cả, kể cả gia đình của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Đi như thế, chẳng lẽ họ không biết gì à? Không phải đâu, người ta biết hết đấy. Họ biết rằng, hy sinh đời họ để con cháu họ có đời sống khấm khá, đàng hoàng hơn, hy sinh cái lợi ích cá nhân để cho cộng đồng này phát triển. Chính nhờ những con người như thế mà Đà Nẵng được như hôm nay đó! Ở Cồn Dầu này cũng vậy, khi thành phố có chủ trương giải tỏa, 12 hộ đã xung phong đi đầu. Sau này Cồn Dầu phố xá thênh thang, đèn điện sáng trưng, thì hãy nhớ đến 12 hộ này...".

Nói xong, ông Thanh hỏi lại: "Tui nói rứa đó, ông thấy răng?". Người có cây mai quý, lúc đầu gay gắt, giờ lặng thinh.

Buổi đối thoại đó cứ như vậy diễn ra, một bên là người dân phản biện, một bên là ông Thanh giải đáp, nêu lý lẽ, bằng tất cả những ngôn ngữ bình dân, gần gũi nhất. Lâu lâu người ta có cảm giác như ông Thanh là một lão nông tri điền khi ông vanh vách kể tường tận chuyện ruộng nương, giống má, nhưng cũng có khi ông trở nên cương quyết, dứt khoát không ai bằng. Chúng tôi quan sát thấy, tuy rằng không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ quan điểm chống lại dự án nhưng họ lại rất "khoái" nghe ông Thanh nói, nhất là trực tiếp tranh luận đến "nảy lửa" với ông bất cứ chủ đề nào...

Sau lần đó, ông Nguyễn Bá Thanh còn đến Cồn Dầu ít nhất hai lần nữa - nói là "ít nhất" vì đó là những lần chúng tôi chứng kiến, còn những lần khác nữa chúng tôi không chứng kiến mà nghe kể lại. Liên quan đến chuyện giáo xứ Cồn Dầu, có lần, ông Nguyễn Bá Thanh kể rằng, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tỏ ra quan tâm đến chuyện này, đặt vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền. Ông Thanh bác ngay, đây là chuyện thực thi pháp luật chứ không phải vấn đề tôn giáo, nhân quyền gì cả. Để làm rõ vấn đề, ông Thanh đề nghị... tổ chức tranh luận công khai, trực tiếp với Đại sứ Mỹ. Nếu ông Đại sứ đồng ý, hai bên sẽ mời các cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế vào tường thuật buổi đối thoại cho cả thế giới xem! Tiếc là, sau khi nghe ông Thanh đề nghị, Đại sứ Mỹ... làm lơ.

Đến nay, chuyện ở Cồn Dầu có lẽ nhiều người biết, từ chỗ hàng trăm hộ chống đối, giờ đây, tuyệt đại đa số đã đồng tình, mở ra triển vọng khả quan cho không chỉ là một dự án mà cả một không gian đô thị ở phía đông nam TP Đà Nẵng. Tất nhiên, để người dân đồng tình là nỗ lực của rất nhiều người, đặc biệt là chính quyền địa phương và những giáo dân tích cực đã biết khuyên nhủ, ủng hộ lẫn nhau, của các vị chức sắc..., nhưng nhất định trong đó có một phần công sức không hề nhỏ của ông Nguyễn Bá Thanh.

Nguyễn
(còn nữa)