Báo Công An Đà Nẵng

Ông Sáu Khải - người lãnh đạo hết lòng vì dân, vì nước

Thứ hai, 19/03/2018 08:25

Đến Tân Thông Hội, H. Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, hỏi nhà ông Sáu Khải (nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải), người dân nào trong xã cũng biết và chỉ rõ từng ngõ, đường dẫn vào nhà ông ở ấp Chánh. Bởi với họ, ông không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao có công lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, mà hơn hết ông Sáu Khải (người dân cũng thường gọi là chú Hai, ông Hai, bác Khải) luôn rất gần gũi với bà con láng giềng.

Trường Tiểu học Tân Thông Hội được xây dựng mới và đi vào hoạt động từ năm 2010 từ nguồn đóng góp của các Mạnh Thường Quân do cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải vận động, tạo điều kiện cho con em trong vùng được học tập tốt hơn.

Luôn đặt lợi ích nhân dân lên trên

Cách Quốc lộ 22 khoảng 1 km, con đường dẫn vào ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, khá ngoằn ngoèo nhưng đầy màu xanh và sự bình yên của một vùng quê ngoại thành. Ông Phạm Minh Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thông Hội, từng làm Trưởng ấp Chánh suốt gần 10 năm (1999 – 2006) vừa dẫn đường vừa giới thiệu những công trình “nho nhỏ” của địa phương gắn với hình ảnh của ông Sáu Khải.

Với ông Phạm Minh Ngọc, kỷ niệm đáng nhớ nhất về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là đợt lắp bóng đèn đường nông thôn theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm tại xã Tân Thông Hội khoảng đầu những năm 2000. “Khi đó xã và ấp có ý định sẽ lắp đặt các bóng đèn dọc tuyến đường vào nhà Thủ tướng trước vì ông Khải và gia đình có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương. Tuy nhiên, ngay khi biết ý định của chúng tôi, ông Khải đã “nghiêm nghị” từ chối và yêu cầu “các cháu phải lo lắp đặt cho dân trước đi”. Vì vậy, khu vực nhà Thủ tướng gần như lắp đèn đường sau cùng. Ông luôn ưu tiên lợi ích cho người dân trước...”, ông Phạm Minh Ngọc nhớ lại.

Ông Phạm Minh Ngọc chia sẻ, trong thâm tâm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về những công lao của thế hệ đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. "Ông Khải luôn nhắc nhở lãnh đạo xã phải thường xuyên chăm lo cho các gia đình chính sách để bà con có cuộc sống tốt hơn. Nhớ lúc đã nghỉ hưu, ông trồng cây da ở Di tích lịch sử đình Tân Thông (ấp Trung, xã Tân Thông Hội), ai cũng hỏi sao lại trồng cây da thì ông bảo “hồi 14 tuổi tham gia cách mạng cũng trồng cây da, nên bây giờ trồng để... nhớ lại thời gian khó”.

Với người dân Củ Chi nói chung và Tân Thông Hội nói riêng, ông Sáu Khải dù là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhưng ông luôn là một người rất gần gũi, thân thiện và hòa đồng với hàng xóm láng giềng. Đây chính là đặc điểm khiến những người già cũng như thế hệ trẻ sau này yêu mến ông. Người dân địa phương cho biết, ông Khải luôn nhắc nhở con cháu trong nhà, không được ỷ thế của ông đòi ưu tiên này nọ mà phải dốc lòng hỗ trợ địa phương.

Ông Phạm Minh Ngọc chia sẻ, những cựu chiến binh như ông cảm nhận được sự giản dị trong con người của ông Khải. Dù ở cương vị cấp cao nhưng những lần về thăm nhà ông thường khá lặng lẽ, nhẹ nhàng, không có những đoàn xe hộ tống hay dẫn đường, bảo vệ. Có lẽ ông biết được, cảm nhận được sự yên bình của vùng quê này.

Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Thành (34 tuổi, ngụ Ấp Trung, xã Tân Thông Hội) cho biết, bản thân không biết nhiều về ông Sáu Khải hồi còn làm lãnh đạo, nhưng khi ông về nghỉ hưu ở quê thì cảm nhận được sự gần gũi của ông. Hầu như trong vùng, nhà nào có đám giỗ, đám cưới, lễ lạt gì là ông đều tới với mọi người. "Đó là cái tình của ông Sáu Khải với xóm làng", anh Nguyễn Minh Thành nói.

Ưu tiên cho giáo dục

Nguyên là cán bộ lãnh đạo tại địa phương (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội những năm 1990), cũng là người đồng trang lứa với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi, ngụ ấp Tiền, xã Tân Thông Hội) là người khá hiểu về nguyên Thủ tướng, cũng như đóng góp của ông với vùng Đất Thép Củ Chi và vùng cách mạng Tân Thông Hội.

Ông Nguyễn Văn Khỏe chia sẻ: “Ông Khải là người rất có uy tín và đạo đức, cả đạo đức cách mạng và đạo đức con người. Ông luôn quan tâm đến người dân, xóm làng. Là người trong Ban Quản lý Di tích lịch sử Đình Tân Thông, nơi ông Khải hay ghé chơi nên tôi với ông khá thân thiết. Ông Khải rất hiểu người dân, khi về hưu ông rất gần gũi và luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con. Ông cũng rất chăm lo cho thế hệ sau”.

Để tạo điều kiện cho con em trong vùng được học tập tốt hơn, với uy tín của mình, ông Sáu Khải đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Tân Thông Hội năm 2010. Ông Nguyễn Văn Khỏe cho biết, ngôi trường này in đậm dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến nỗi người dân ở đây hầu như thường gọi ngôi trường này với cái tên thân thương là “Trường Bác Khải”. Con trẻ đi học cũng đều gọi thế, thể hiện sự kính yêu đối với một người cán bộ cấp cao luôn gần gũi nhân dân.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Ngọc kể lại, Quỹ khuyến học của xã hồi đầu lập ra rất thiếu kinh phí. Thấy vậy, ông Khải đã huy động các nhà hảo tâm ủng hộ được hơn 1 tỷ đồng và gửi ngân hàng lấy lãi hỗ trợ cho công tác khuyến học địa phương. Từ đó, Quỹ có nền tảng để hỗ trợ con em trong xã ăn học. Nhiều em nhà nghèo học giỏi được hỗ trợ từ Quỹ này đã ăn học thành tài.

Luôn chăm lo cho giáo dục, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng thường xuyên động viên con em trong vùng chú tâm học hành. Theo ông Nguyễn Văn Khỏe, kể cả khi đương nhiệm Thủ tướng hay sau này về nghỉ hưu ở địa phương, cuộc gặp mặt nào ông Khải cũng hỏi thăm về tình hình học hành của con em trong xã và luôn nhắc các cháu phải nỗ lực học tập để sau này đóng góp công sức cho quê hương.

Cuộc đời cách mạng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ luôn được người dân trân trọng và ghi nhớ, đặc biệt là những người con vùng đất Tân Thông Hội cũng như Đất Thép Thành Đồng Củ Chi. Những cống hiến của ông Sáu Khải có thể cô đọng bằng hai câu đối của chính ông, được khắc trên bức Bình Phong tại cổng Di tích lịch sử đình Tân Thông:

“Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ

Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già”.

TIẾN LỰC