Ông tây mê lồng đèn
(Cadn.com.vn) - Hai lần gặp ông ở thành phố Hội An (Quảng Nam), tôi đều có cảm giác rất gần gũi và rất đặc biệt. Có lẽ đó là tính cách dễ xúc động, ham học hỏi, nhân hậu và sự yêu mến văn hóa Việt Nam. Trong những người vội vã đến, vội vã đi với chuyến du lịch của mình, ông làm cho chúng tôi cảm giác ông rất gần với nơi đây chứ không phải là một người lãng du đi qua không gian phố cổ. Ông là Neil Cowan, du khách đến từ Úc.
MỘT "HỌC SINH" NGHIÊM TÚC...
Neil Cowan tự nhận mình là "học sinh" một cách rất vui vẻ khi nói chuyện về việc ông và những chiếc lồng đèn. Một học sinh tóc đã bạc trắng hết cả đầu, và đôi tay thoăn thoắt với từng chiếc nan tre, đầu gỗ. Không ở lại Hội An nhiều, chỉ khoảng 1 tuần trong 2 lần tới Việt Nam vào 2 năm 2012 và 2013, nhưng Neil Cowan đã để lại ấn tượng sâu sắc với những nghệ nhân và công nhân làm lồng đèn ở cơ sở lồng đèn của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, P. Cẩm Phô, Hội An. "Ngày đầu tiên ông ấy tới đây, ngắm nghía rất kỹ những người làm lồng đèn, tỏ ra thích thú với từng công đoạn. Rồi sau đó, ông ấy ra hiệu xin được làm thử. Mà quả thật, ổng làm rất nhanh và rất có khiếu. Lần đầu tôi thấy một người khách nước ngoài đam mê việc làm lồng đèn đến vậy" - ông Ba nhớ lại.
Tuấn - một người thợ thì kể, có những buổi ông khách người Úc ấy quên cả cơm trưa miệt mài làm lồng đèn. Vừa làm, ông vừa vui đùa cùng mọi người. Sáng thì 6 giờ đã ngồi chờ trước cơ sở, mọi người mở cửa là vào ngay và làm. Chiều thì tối mịt mới ra về. Và, cứ khi rảnh là ông lại tới đây. Chắc có lẽ ông dành phần lớn thời gian ở Hội An cho việc học làm lồng đèn này.
Ông Neil Cowan đang miệt mài tập làm lồng đèn tại cơ sở của ông Huỳnh Văn Ba. |
Trong một dịp trò chuyện với chúng tôi trong chuyến về Hội An lần thứ 2, ông Neil Cowan tâm sự rằng không hiểu sao ông lại đam mê lồng đèn đến thế. Ngay từ khi nhìn thấy những cái lồng đèn trưng bày trên các dãy phố cổ, ông đã quyết tâm học và làm cho bằng được. Những du khách khác thì chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ là có thể mua một cái đèn lồng đẹp. Nhưng ông Neil không thích như thế. Vậy là ông bỏ ra một khoảng thời gian khá lớn trong chuyến hành trình của mình tại đây, ông tìm đến cơ sở của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba để xin học.
Sau hai lần "đi học", ông Neil Cowan vui vẻ bảo chúng tôi rằng thêm một lần đến Hội An nữa chắc chắn ông sẽ làm được 1 chiếc lồng đèn hoàn chỉnh. Lúc chia tay, ông còn chia sẻ rằng nếu có cơ hội tốt, ông muốn tự mình thiết kế, làm và mở một gian hàng lồng đèn ở phố cổ Hội An để thỏa những niềm đam mê của mình.
QUÝ TRỌNG TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT...
Đó là những gì mà Neil Cowan luôn luôn chia sẻ với chúng tôi trong mỗi lần trò chuyện. Không chỉ là một người ưu ái với lồng đèn Hội An, ông còn có một sự hiểu biết khá rộng về văn hóa Việt Nam trên từng nơi ông qua. Có lẽ điều ấy sẽ làm nhiều người rất ngạc nhiên. Trong nhật ký, trong những album ảnh về Việt Nam, ông vẫn thể hiện một tấm lòng quý mến và như một người con trở về với quê mẹ vậy... Ông bảo, từng thời khắc đi qua trên mỗi vùng đất, ông đều rất trân trọng và tận dụng hết sức để có thêm những hiểu biết, những chiêm nghiệm.
Tôi may mắn được ngồi ăn cơm với ông vài lần, để thấy rằng, ông là người quý trọng từng chút một giá trị cuộc sống này. Trong một lần ăn, Neil Cowan cúi xuống chân, nhặt những hạt cơm mà ông vô tình làm rơi vãi. Im lặng, cẩn thận, ông đem xuống nhà sau, bỏ vào nơi chứa thức ăn thừa. Đó là cử chỉ khá quen thuộc mà tôi thấy ba mẹ tôi làm từ những ngày còn rất nhỏ. Quý từng hạt cơm rơi là một truyền thống đẹp của người Việt Nam, mà cũng là của những ai biết chắt chiu từng giá trị sống. Neil làm cho tôi hiểu rằng văn hóa không có giới hạn. Ở đâu có con người biết quý trọng cuộc sống, quý trọng vốn văn hóa thì ở đó văn hóa là một sự giao thoa của những điều tốt đẹp, không phân biệt màu da, không phân biệt ngôn ngữ.
Ông Neil Cowan cùng người yêu trong lần đến Việt Nam năm 2013. |
Với Neil, cuộc sống là sự cho đi. Hành trình qua nhiều nước, ngoài những phút giây rung động trước các nền văn hóa, những giá trị đẹp của từng vùng đất, ông cũng dành khá nhiều thời gian để san sẻ những yêu thương. Đó là những chuyến thăm những trại trẻ mồ côi, những thanh niên khuyết tật, cùng vui chơi để các em vơi đi nỗi buồn, vơi đi sự mất mát. Neil kể, trong hành trình xuyên Việt của mình, nhiều lúc dừng chân trên những vùng quê còn nghèo đói, người dân còn rất cơ cực. Ông rất thương những người nông dân lam lũ ngoài đồng hai sương một nắng. Và, thương nhất là những đứa trẻ lấm lem bùn đất, hay nhỏ tuổi đã cùng ba mẹ ra đồng. Tài chính có hạn, nên ông chỉ thường tặng trẻ con các nơi ấy những gói kẹo, những món quà nhỏ và những cái hôn chân thành, có cả nụ cười và nước mắt...
Tình yêu, và gia đình với Neil Cowan cũng là điều hết sức đáng quý. Ông chia sẻ rằng gia đình là nơi ông đặt lòng mình rất lớn vào đó. Nhưng không may mắn cho ông, do nhiều điều, cuộc hôn nhân của ông tan vỡ khi cả hai người đã về tuổi xế chiều. Điều đó làm ông suy sụp cả một thời gian không ngắn. Nhưng rồi, những người con là nơi ông tựa vào để đứng dậy và sống tốt hơn. Sau những chuỗi ngày miệt mài cho đi niềm vui, nụ cười trên những nơi đi qua, tình yêu đã trở lại với ông. Năm vừa rồi, ông đã quen một người phụ nữ Brazil. Hai người đã nắm tay nhau để cùng đi trên những chuyến hành trình tiếp tục trên những nước khác nhau của thế giới này. Tình yêu đã đưa họ đến với nhau, yêu thương và sẻ chia cho nhau những gì tốt đẹp nhất.
Gọi điện cho tôi từ Brazil, ông Neil Cowan cho biết ông đang rất vui với tình yêu của mình, với những chuyến đi thật sự hạnh phúc. Ông còn hẹn năm sau sẽ quay lại Hội An để học nốt những công đoạn cuối cùng của chiếc lồng đèn.
Nguyễn Thành Giang