Báo Công An Đà Nẵng

Ông thợ lắm tài

Thứ tư, 27/11/2019 19:00

Vốn là thợ xây dựng nhưng ông Nguyễn Hà (56 tuổi, trú thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) lại có niềm đam mê cháy bỏng với sáng chế khoa học. Không qua bất cứ trường lớp nào, chỉ nhờ tính tò mò, chịu khó ông Hà đã chế tạo thành công nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân, khiến nhiều kỹ sư chính hiệu cũng phải thán phục.

Ông Hà bên chiếc xe đạp chạy dưới nước do mình chế tạo. 

Về vùng dừa nước Cẩm Thanh hỏi "kỹ sư chân đất Nguyễn Hà" ai cũng biết. Ông Hà là "cha đẻ" của rất nhiều loại máy móc giúp nông dân giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả công việc. Theo ông Hà, ông bắt đầu sáng chế từ vài năm nay. "Thực tế thì tôi đã ấp ủ dự định này lâu lắm rồi nhưng vì không có thời gian nên chưa thể làm. Gần đây công việc xây dựng cũng tạm ổn nên tôi mới có điều kiện để thỏa lòng đam mê. Để chế tạo nên một loại máy gì tôi cũng mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tiễn cuộc sống đến những hướng dẫn qua mạng", ông Hà chia sẻ. Cũng theo ông Hà, bản thân ông không bao giờ ngại khó, ngại khổ, cứ thấy cái gì là lạ, hay hay là ông lại nghiên cứu làm cho bằng được. "Cái máy đầu tiên mà tôi chế tạo thành công là máy tách hạt bắp. Sở dĩ chế tạo máy này là vì bốn bề Hội An nổi tiếng với bắp nhưng đến vụ thu hoạch nhiều người vẫn còn ngồi tách hạt bằng tay tốn thời gian mà hiệu quả lại không cao. Mục đích chế tạo của tôi là để giúp đỡ người dân", ông Hà bộc bạch.

Quá trình "mở hàng" cho những loại máy đầy sáng tạo, độc đáo sau này ông Hà cũng gặp vô vàn khó khăn, trở ngại. Cái ông thiếu là kinh nghiệm cũng như kiến thức. Tuy nhiên, điều ông có thừa là lòng đam mê và tính chịu khó. Cứ sửa đi rồi sửa lại, mất cả ba tháng trời chiếc máy tách hạt bắp mới hoàn thiện. "Còn nhớ lúc tôi chế tạo chiếc máy này là trái mùa nên không có nhiều bắp để vận hành thử. Tôi phải chạy đôn chạy đáo đi xin được 30 trái bắp nhưng thử đến trái 28 chiếc máy vẫn chưa hoàn thiện. Lúc đó nhiều người nói tôi thôi bỏ cuộc đi nhưng điều đó không có trong "từ điển" của tôi. May là sau nhiều đêm nằm suy nghĩ tôi cũng chế tạo thành công", ông Hà nhớ lại.

Chiếc máy đầu tiên ra đời, ông Hà mang đi giúp đỡ bà con nông dân quanh làng. Hễ ai có nhu cầu là ông cho mượn về tách hạt. Nhiều ý kiến phản hồi tốt từ người dân là động lực để ông tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. "Cái gì làm lần đầu cũng khó nhưng khi đã vào khuôn rồi thì chẳng có gì trở ngại. Chiếc máy tách hạt bắp đầu tiên tôi mất 3 tháng để lên ý tưởng và thực hiện nhưng những chiếc máy như thế về sau chỉ cần khoảng vài ngày là tôi có thể hoàn thành được. Nhiều ý tưởng thiết kế tôi chỉ đề trong đầu, cứ nghĩ đến đâu làm đến đó nhưng quan trọng là phải biết vận dụng hết tất cả những kiến thức mình học được", ông Hà cho hay.

Những sản phẩm ông Hà chế tạo đa phần được vận dụng từ những đồ dùng cũ.

Sau chiếc máy tách hạt bắp, ông Hà tiếp tục mày mò, nghiên cứu chế tạo thành công nhiều chiếc máy nữa. Bộ sưu tập máy móc của ông hiện cũng rất đồ sộ, là nỗi "thèm khát" của rất nhiều kỹ sư. Kể đến như: máy tuốt đậu phộng, máy sàn cát, máy bơm nước chìm bằng đầm dài, máy đầm bàn bằng vật liệu hỏng từ xe honda, máy dê lúa, máy hút luyn, bộ tiết kiệm xăng xe máy, máy nước nóng năng lượng mặt trời... Tất cả những loại máy này đều hướng đến phục vụ người dân. Điều đặc biệt là những vật dụng ông Hà dùng để chế tạo đa phần là những vật dụng cũ, hư hỏng được ông tận dụng. Bởi theo ông, làm là vì đam mê nhưng kinh phí chế tạo ra nhiều máy không hề nhỏ nên phải tận dụng những thứ có sẵn trong nhà từ chiếc xe máy, ống nước, tấm tôn hay thanh gỗ cũ... "Tôi thích chế tạo một chiếc ô-tô chạy bằng năng lượng điện nhưng kinh phí phải mất vài chục triệu. Nhiều lần mở lời với vợ tôi đã bị "chửi" tối mặt. Vợ tôi nói tôi "khùng". Mà nghĩ cũng đúng, bỏ vài chục triệu ra để làm đồ chơi thôi thì cũng "khùng" thiệt", ông Hà cười nói.

Ngoài những loại máy móc trên, ông Hà còn có thể tự làm các loại đàn để phục vụ nhu cầu nghệ thuật của mình. Đặc biệt, ông đã chế tạo thành công chiếc xe đạp chạy dưới nước phục vụ khách du lịch khi đến với rừng dừa nước Cẩm Thanh quê ông. Đặc điểm của chiếc xe đạp này là nổi trên mặt nước, du khách có thể thoải mái di chuyển đến bất kỳ đâu mình thích ngay dưới nước. Để chế tạo thành công loại máy này ông Hà cũng đã "mất ăn, mất ngủ" nhiều tháng trời. Vật dụng đầu tiên được ông vận dụng cũng chính từ chiếc xe đạp hỏng của con gái. Giờ đây, đã có một doanh nghiệp đặt hàng ông làm để phục vụ nhu cầu cho khách du lịch. "Công sức mình bỏ ra mà được người khác đón nhận thì không gì hạnh phúc bằng. Ở quê tôi, ngoài một số người dân biết làm du lịch thì vẫn còn nhiều người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cuộc sống của người nông dân chưa bao giờ thôi khó khăn, nhọc nhằn cho nên tôi chưa bao giờ có ý định ngừng nghiên cứu, chế tạo. Tâm niệm của tôi trước là làm vì đam mê, sau là phải hỗ trợ cho bằng được bà con vơi đi phần nào nỗi vất vả, để hiệu quả công việc được nâng cao".

Thành Danh