Báo Công An Đà Nẵng

Ông Thương "bao đồng"...

Thứ năm, 07/03/2019 17:00

"Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" hay "Ông Thương bao đồng"... là những cái tên mọi người dùng để gọi ông Nguyễn Thương (60 tuổi, trú P. Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam). Hơn 4 năm qua, ông vẫn âm thầm, rong ruổi nhặt rác không lương trên khắp các con đường, ngõ phố ở Hội An để truyền đi thông điệp chung tay bảo vệ môi trường. Không kể ngày nắng hay mưa, với bộ đồ xanh sờn màu, đội chiếc mũ lưỡi trai cùng chiếc xe đẩy, ông Thương rong ruổi từ đường Cửa Đại sang Trần Hưng Đạo, rồi bao cả Hội An. "Không đi thì trong người khó chịu lắm. Tôi muốn làm những việc có ích cho cộng đồng chứ chẳng muốn ai biết đến cả. Ở nhà ngồi không buồn lắm, đi nhặt rác vậy mà thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt hơn", ông Thương cười hiền. Một lần gặp ông đang nhặt rác dưới trời mưa phùn. Ông trò chuyện cũng khó khăn hơn vì căn bệnh tai biến khi đang làm việc tại một nhà hàng ở Đà Nẵng với nhiều di chứng nên tai không nghe rõ, chân tay chậm chạp... Ông Thương bảo, sau khi bị tai biến dần hồi phục, các bác sĩ khuyên phải thường xuyên tập thể dục, vận động để tránh bệnh tái phát. Lúc ấy bỗng dưng ông nghĩ đến việc sẽ đi nhặt rác vừa có ích cho sức khỏe vừa bảo vệ môi trường. "Tôi đi nhưng sợ gia đình biết lại can ngăn nên đi lén lút. Tôi dậy từ sáng sớm đi đến trưa mới về hoặc có khi ăn cơm tối xong là đi đến khuya. Ban đầu, ai cũng bảo tôi bị khùng nhưng tôi mặc kệ, miễn việc mình làm có ích là được", ông Thương tâm sự. Thế rồi, việc ông đi nhặt rác cũng được người nhà phát hiện, can ngăn vì sợ ông lại ngã bệnh, quyết liệt nhất là vợ và con gái nhưng ông nhất quyết không dừng công việc của mình...

Hình ảnh ông Thương nhặt rác đã trở nên quen thuộc với người dân Hội An.

Dần dần, hình ảnh một ông già lom khom nhặt rác, làm đẹp cho phố cổ cứ thế trở nên quen thuộc, mọi người hiểu chuyện nên càng trân quý ông hơn. Biết ông nhặt rác không lương nên nhiều người gửi ông ít tiền uống nước nhưng họa hoằn lắm mới nhận, nhưng ông lại để dành mua xe đẩy rác. Qua 4 năm ông có đủ tiền sắm hai chiếc xe đẩy rác đồng hành cùng ông rong ruổi trên mọi nẻo đường phố cổ. Đặc biệt trên xe ông còn in những thông điệp ý nghĩa như: "Hãy bảo vệ môi trường không vứt túi ni-lon ra nơi công cộng", "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp", hay "Hành động nhỏ - Ý nghĩa lớn"... Bà Phan Thị Hương, (trú TP Hội An) là người chứng kiến ông Thương nhặt rác từ những ngày đầu tiên, tâm sự: "Chúng tôi cảm kích trước hành động cũng như tấm lòng của ông Thương. Không phải nhặt rác cho vui mà ông rất tỉ mỉ, làm đến đâu sạch đến đó. Ông có một chiếc xe đạp, bữa nào sức khỏe tốt ông đẩy xe đi bộ, bữa nào mệt thì đi bằng xe đạp. Chính việc làm này của ông đã lan tỏa được thông điệp ý nghĩa cần chung tay bảo vệ môi trường".

Thông điệp ý nghĩa được ông Thương in trên chiếc xe rác.

Trước việc làm của ông Thương, chính quyền địa phương cũng có đề xuất hỗ trợ kinh phí nhưng ông từ chối. Ông không muốn nhận bất cứ sự hỗ trợ nào dù cuộc sống còn khó khăn, cần tiền uống thuốc vì đấy là tâm nguyện của ông. Có những lần đi nhặt rác được tiền ai đó đánh rơi ông đều tìm cách trả lại người mất. Bà Lê Thị Thương (53 tuổi, vợ ông Thương) xúc động khi nhắc về chồng: "Ông ấy may mắn vượt lên bệnh tật là điều vô cùng hạnh phúc. Mong muốn của ông ấy là tiếp tục được lao động, cống hiến nên tôi rất ủng hộ. Trước đây ông đi nhặt rác cả ngày lẫn đêm nên tôi và các con lo lắng, khuyên nhủ vì nghĩ cho sức khỏe. Bây giờ ông đã đồng ý mỗi ngày đi từ 7 đến 10 giờ sáng thì về. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp ông hoàn thành tâm nguyện của mình để góp một chút công sức giúp ích cho đời".

PHI NÔNG