Báo Công An Đà Nẵng

Ông Trần Bắc Hà cho Phạm Công Danh vay 1.600 tỷ đồng như thế nào?

Thứ bảy, 20/07/2019 12:39

Liên quan đến vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm một phần bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó đáng chú ý, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỷ đồng từ Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) để trả cho Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Xây dựng).

Ông Phạm Công Danh                                                              Ông Trần Bắc Hà               

Hai bản án trái ngược

Năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) cần tiền để sử dụng, nhưng không thể vay trực tiếp tại Ngân hàng Xây dựng nên đã sử dụng 29 công ty do bị cáo đứng sau vay tiền tại Sacombank, TPBank, BIDV, rồi dùng tiền của Ngân hàng Xây dựng gửi tại 3 ngân hàng này bảo lãnh cho các khoản vay. Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại của Ngân hàng Xây dựng hơn 6.100 tỷ đồng khi 29 công ty không có khả năng trả nợ.

Trong đó liên quan đến BIDV, Phạm Công Danh đã dùng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại BIDV để bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty của mình vay vốn. Khi ấy, vào ngày 3-10-2013, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại Hội sở chính của BIDV) đã có hành vi ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro, trên cơ sở các thành viên Ban này đồng ý về chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay số tiền 4.700 tỷ đồng để mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà.

Cùng ngày 3-10-2013, ông Trần Lục Lang (Phó Tổng giám đốc BIDV) đã ký 12 công văn gửi 4 chi nhánh là Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2, Nam Sài Gòn và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi. Dù sau đó, BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay, nhưng hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 2.550 tỷ đồng.

Ngày 6-8-2018, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 đã tuyên buộc BIDV phải hoàn trả lại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 1.600 tỷ đồng vì đây là vật chứng của vụ án. Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm ngày 25-12-2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh chấp nhận kháng cáo của BIDV, tuyên BIDV không phải hoàn trả cho Ngân hàng Xây dựng số tiền trên. Hội đồng xét xử nhận định, số tiền hơn 1.600 tỷ đồng này là bị cáo Phạm Công Danh thông qua Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Bảo Gia (Công ty của Phạm Công Danh) vay của BIDV từ năm 2013. Số tiền này đã tổng hòa chung vào dòng tiền của BIDV những năm 2012, 2013, trước khi vụ án tại Ngân hàng Xây dựng bị khởi tố và hiện không còn lưu lại tại BIDV.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cho rằng, BIDV đang hoàn thiện phương án cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, việc án sơ thẩm tuyên trả lại hơn 1.600 tỷ là không đúng, ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa gây thiệt hại cho Nhà nước. Mối quan hệ giữa bị cáo Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng BIDV và những chủ thể có liên quan khác về khoản tiền hơn 1.600 tỷ đồng sẽ được tách ra xử lý ở một vụ án khác nếu các bên có yêu cầu.

Thiệt hại nghiêm trọng

Nghiên cứu bản án phúc thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc Tòa cấp phúc thẩm không buộc BIDV phải hoàn trả số tiền hơn 1.600 tỷ cho Ngân hàng Xây dựng là không có căn cứ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Theo Viện Kiểm sát, thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng trong giai đoạn 2 của vụ án là do các ngân hàng Sacombank, TPbank, BIDV thu hồi nợ từ tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại các ngân hàng này. Theo quy định pháp luật, toàn bộ số tiền thiệt hại phải được khắc phục và lẽ ra phải thu hồi toàn bộ số tiền hơn 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng trên. Án sơ thẩm tuyên thu hồi theo dòng tiền Phạm Công Danh đã vay và đã sử dụng, là đã áp dụng biện pháp cần thiết để thu hồi khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án.

Các tổ chức, cá nhân đã nhận tiền của Phạm Công Danh phải bồi hoàn lại cho Ngân hàng Xây dựng. Các khoản vay của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Bảo Gia tại BIDV được thực hiện trước khi Phạm Công Danh mua Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng). BIDV không thu hồi được tiền cho vay từ Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Bảo Gia như phương án vay vốn đã cam kết mà phải dùng tiền của Ngân hàng Xây dựng gửi tại BIDV để thu hồi khoản vay. Tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại BIDV là tiền do Phạm Công Danh phạm tội mà có trong vụ án này nên việc buộc BIDV hoàn trả số tiền hơn 1.600 tỷ đồng để khắc phục hậu quả là phù hợp, như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, việc bản án phúc thẩm không buộc BIDV phải bồi hoàn số tiền hơn 1.600 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng là không có căn cứ, không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, mâu thuẫn trong quyết định về biện pháp thu hồi tài sản, vì những người có liên quan khác vẫn bị thu hồi tiền.

B.T – H.C