Báo Công An Đà Nẵng

Ông Trump bất ngờ đến Iraq, bảo vệ việc rút quân khỏi Syria

Thứ sáu, 28/12/2018 09:04

Tổng thống Donald Trump đã gặp tướng Paul LaCamera, Chỉ huy lực lượng Mỹ chiến đấu chống nhóm cực đoan IS tại Iraq vào hôm 26-12 (giờ địa phương), sau quyết định bất ngờ rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria và giảm một nửa quân số ở Afghanistan.

Tổng thống Donald Trump và phu nhân tại căn cứ Al-Asad ở Iraq vào tối 26-12. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump vào tối 26-12 (giờ địa phương) đã có chuyến thăm chớp nhoáng bất ngờ đến Iraq. Ông Trump đến căn cứ không quân Al-Asad vào lúc 19 giờ 16 cùng với đệ nhất phu nhân Melania, theo những gì ông mô tả là “chuyến bay che khuất căng thẳng và bí mật trên chiếc Air Force One “tối đen”.

Tổng thống đã nói chuyện với một nhóm khoảng 100 nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt và hội đàm riêng với các nhà lãnh đạo quân sự trước khi rời đi vài giờ sau đó. Hình ảnh video của Nhà Trắng cho thấy, một Tổng thống Trump đang mỉm cười bắt tay với các lính đặc nhiệm quân đội  ký tặng và chụp ảnh tại căn cứ ở Iraq. Một cuộc họp theo kế hoạch với Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi đã bị hủy bỏ và thay thế bằng một cuộc điện đàm. Văn phòng Thủ tướng Iraq sau đó ra tuyên bố cho biết, nguyên nhân do bất đồng về cách thức tiến hành cuộc gặp. Trong cuộc điện đàm, ông Trump đã mời ông Abdel Mahdi đến thăm Washington và nhà lãnh đạo Iraq đã chấp nhận.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị và lực lượng dân quân Iraq lên án chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Trump, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq. Thủ lĩnh khối Islah trong Quốc hội Iraq, ông Sabah al-Saadi kêu gọi Quốc hội tổ chức phiên họp khẩn nhằm “thảo luận về hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền Iraq và tìm cách ngăn cản những động thái gây hấn của Tổng thống Trump”. Trong khi đó, thủ lĩnh nhóm dân quân Asaib Ahl al-Haq được Iran hậu thuẫn, ông Qais al-Khazali khẳng định Quốc hội Iraq sẽ đưa ra quyết định trục xuất lực lượng Mỹ khỏi nước này.

Mỹ không thể tiếp tục là “cảnh sát của thế giới”

Các chuyến thăm của tổng thống, nhằm giúp khích lệ tinh thần cho quân đội Mỹ trong các khu vực chiến tranh đã là một truyền thống lâu đời trong những năm sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Tổng thống Trump đã bị chỉ trích nặng nề vì từ chối đến thăm những căn cứ như thế này trong 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Những đồn đoán về chuyến thăm như thế này chỉ mới nổi lên khi ông Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria và giảm lực lượng binh sĩ ở Afghanistan.

Và đúng như vậy, ông chủ Nhà Trắng đã sử dụng chuyến đi lần đầu tiên của ông đến quân đội Mỹ trong khu vực xung đột kể từ khi lên nắm quyền - để bảo vệ quyết định rút khỏi Syria và tuyên bố chấm dứt vai trò là “cảnh sát” toàn cầu của Mỹ. “Mỹ không thể tiếp tục là cảnh sát của thế giới”, Tổng thống Trump tuyên bố. Theo Tổng thống Trump, Mỹ đã và đang đấu tranh trên chiến trường của các nước khác vì chính những nước này trong thời gian quá lâu. Nói về kế hoạch rút quân khỏi Syria, ông Trump cho rằng, “nhiều người sẽ hưởng ứng cách suy nghĩ” của ông.         

Tổng thống Trump đã gặp tướng Paul LaCamera, Chỉ huy lực lượng Mỹ chiến đấu chống nhóm cực đoan IS tại Iraq, và khẳng định ông không hề có kế hoạch rút quân khỏi Iraq. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, ông muốn rút lực lượng Mỹ từ Syria về nước và có thể sử dụng Iraq làm căn cứ để mở các vụ tấn công chống lại phiến quân IS nếu cần thiết. Theo ông Trump, Mỹ có thể tấn công IS “rất nhanh và mạnh” đến mức nhóm phiến quân này sẽ “không biết chuyện gì xảy ra”. Theo giới phân tích, ông Trump quyết định vậy vì muốn xoa dịu sự bất bình của các nghị sĩ đảng Cộng hòa về quyết định rút quân khỏi Syria.

Ai sẽ là ông chủ mới của Lầu Năm Góc?

Tuần trước, Tổng thống Trump bất ngờ đưa ra quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria, trái với lời khuyên của nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đã xin từ chức ngay sau đó. Trong chuyến thăm Iraq lần này, Tổng thống Trump cho biết ông không vội vàng bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới và quyền Bộ trưởng Patrick Shanahan “có thể sẽ đảm nhận cương vị này trong thời gian dài”.

Giới chuyên gia cho rằng, về kỹ thuật, ông Shanahan vẫn chưa được chọn cho công việc trên vì Bộ trưởng Quốc phòng Mattis phải có thời gian cho việc chuyển giao có trật tự. Nhưng cơ hội để ông Shanahan trở thành bộ trưởng hiện rất tốt vì hai lý do: ông Shanahan dường như được lòng tổng thống, và ông Trump thì đang quá bận rộn với các vấn đề khác nên có thể không có thời gian cũng như nhân sự để thực hiện một quyết định bổ nhiệm lớn khác. 

Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra. Đó là, theo Luật (Đạo luật về vị trí tuyển dụng) ông Shanahan không thể làm Bộ trưởng Quốc phòng trong khi việc bổ nhiệm ông vẫn đang chờ xử lý, đồng thời thời gian ông Shanahan có thể làm quyền Bộ trưởng cũng có giới hạn. Giới quan sát cho rằng, giới hạn đó là 210 ngày kể từ ngày tuyển dụng. Sau đó, bất kỳ quyết định nào mà ông Shanahan đưa ra đều có thể gặp phải một một sự thách thức tại tòa án.

KHẢ ANH