Báo Công An Đà Nẵng

Ông Trump bị “mắc kẹt” trong vấn đề Iran

Thứ tư, 18/09/2019 11:49

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị mắc kẹt trong “chiếc hộp chính trị” - phần lớn là do chính ông tạo ra - đối với vấn đề Iran, một tình trạng đáng ở mức báo động hơn bao giờ hết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Bahrain Salman bin Hamad Al Khalifa trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 16-9. Ảnh: Reuters

Chiến hay hòa?

Sau hậu quả của một cuộc tấn công tinh vi vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia, ông Trump đang bị giằng xé giữa hai đặc điểm chính trị và tính cách trong việc xác định chính sách đối ngoại của mình. Tổng thống Mỹ nỗ lực tránh một vũng lầy mới ở Trung Đông, nhưng không thể để mình trông có vẻ yếu đuối. "Tôi không muốn chiến tranh với bất cứ ai", ông Trump nói hôm 16-9, nhưng sau đó lại tuyên bố: "Chúng tôi có quân đội mạnh nhất thế giới... chúng tôi đã chuẩn bị, hơn bất kỳ ai".

Cuộc đấu tranh tư tưởng này giúp giải thích những mâu thuẫn trong những tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc gặp Thái tử Bahrain Salman bin Hamad Al Khalifa tại Phòng Bầu dục hôm 16-9. Những tuyên bố của ông khiến những chiến lược trong tương lai của Mỹ trở nên không rõ ràng. Chúng cũng cho thấy, tình cảnh hiện nay của ông Trump là kết quả có thể dự đoán được từ những lựa chọn chính trị của chính ông. Ngồi bên Thái tử Khalifa, ông Trump trông không giống như một chỉ huy cứng rắn đã "khóa mục tiêu và lên nòng" - một hành động mà ông đã tuyên bố trên Twitter hôm 15-9. "Tôi không muốn có xung đột mới nhưng đôi khi các ông phải làm thế", ông nói.

Hồi năm 2014, Mỹ từng khẳng định rằng "Saudi Arabia nên chiến đấu với các cuộc chiến của chính họ" và Washington sẽ luôn đứng bên cạnh. Trả lời về vấn đề nan giải này, ông Trump nói rõ ông không đưa ra bất kỳ lời hứa nào với Riyard, nhưng bảo đảm, “chúng tôi sẽ làm việc với họ”. Khi được hỏi liệu Iran có đứng sau vụ tấn công hay không, ông Trump nói: "Mọi người đang nhìn theo cách đó". Tuy nhiên, sau đó, ông đã chỉ trích một phóng viên muốn làm rõ vấn đề, nói rằng: "Tôi đã không nói điều đó".

Những thông điệp không rõ ràng

Hồi tháng 6, Tổng thống Trump bất ngờ hủy một cuộc tấn công vào các mục tiêu của Iran. Lẽ ra, ông Trump có thể đã được khen ngợi vì đã thận trọng trong việc điều tra đầy đủ tình hình trước khi xem xét các lựa chọn quân sự. Tuy nhiên, các nhận xét gây hấn của ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo vội vàng đổ lỗi cho Iran lại đi ngược lại động thái này. Cuối tuần qua, ông Pompeo tiếp tục cùng với ông chủ của mình tuyên bố Tehran đã “phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào nguồn cung cấp năng lượng của thế giới”. Nhưng sau đó, hôm 16-9, ông Trump đã gieo rắc sự nhầm lẫn. "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ có một thông điệp mạnh mẽ hơn hoặc có thể không có thông điệp nào cả khi chúng tôi nhận được kết quả cuối cùng về những gì chúng tôi đang xem xét",  ông nói.

Một quan chức Mỹ cho biết, Washington đánh giá rằng, cuộc tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bắt nguồn từ bên trong Iran, nhưng cho đến nay, chính quyền không đưa ra bằng chứng công khai nào về khả năng Iran đứng sau vụ tấn công mà lực lượng Houthi do Tehran hậu thuẫn ở Yemen đứng ra nhận trách nhiệm. Nếu Iran có lỗi, và ông Trump không làm gì, ông sẽ trông giống như một “con hổ giấy”, chỉ có thể đưa ra những lời đe dọa. Một động thái như vậy sẽ là một chiến thắng đối với Iran. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Thune cho rằng, trong khi sự thật về các vụ tấn công tại Saudi Arabia vẫn chưa rõ ràng, khả năng Mỹ có thể đáp trả bằng vũ lực "cần phải được đưa ra bàn bạc".

 Sự xuống nước của ông Trump có thể được giải thích bằng những hậu quả tai hại có thể xảy ra nếu chiến tranh với Iran. Chiến tranh sẽ làm xáo trộn những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi năm 2016 là tránh để xảy ra những vướng mắc ở nước ngoài.

Hy vọng mỏng manh vào Châu Âu

Cuộc chiến giằng co giữa các chính sách đối ngoại và chính trị của ông Trump đang cản trở những nỗ lực của ông trong việc tiến tới các cuộc đàm phán với Iran. Sáng kiến này dường như đã bị tiêu diệt kể từ khi Tổng thống rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào năm ngoái.

Một lối thoát có thể hiện nay của ông Trump là sử dụng các vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia để xây dựng lại mặt trận quốc tế chống lại Iran. Trong khi chính phủ các nước Châu Âu nỗ lực để cứu thỏa thuận hạt nhân với Iran, những bằng chứng rõ ràng chứng tỏ Teheran đứng sau các cuộc tấn công có thể rút cạn các nỗ lực này. Có khả năng, Tổng thống Mỹ sẽ sử dụng vụ việc để thuyết phục các nhà lãnh đạo Châu Âu tham gia vào hoạt động của Mỹ ở Vùng Vịnh để bảo vệ các tàu chở dầu khỏi sự chiếm giữ của Iran. Anh đã đồng ý nhưng Pháp và Đức đã từ chối. Tuy nhiên, một mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Châu Âu dường như khó xảy ra, do những nỗ lực của Washington nhằm làm suy yếu các nỗ lực của EU trong việc duy trì thỏa thuận hạt nhân.

AN BÌNH