Báo Công An Đà Nẵng

Ông Trump cấm Alipay và 7 ứng dụng khác của Trung Quốc

Thứ năm, 07/01/2021 16:47

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh cấm giao dịch với 8 ứng dụng của Trung Quốc. Các ứng dụng bị cấm bao gồm nền tảng thanh toán được ưa chuộng Alipay, QQ Wallet và WeChat Pay vì “chúng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ”.

Ứng dụng nền tảng thanh toán được ưa chuộng Alipay nằm trong danh sách bị cấm.    Ảnh: Getty Images/BBC

Gia tăng áp lực

Theo BBC, lệnh có hiệu lực sau 45 ngày. Lệnh này chỉ ra rằng các ứng dụng có khả năng được sử dụng để theo dõi và xây dựng hồ sơ về các nhân viên liên bang Mỹ. Tencent QQ, CamScanner, SHAREit, VMate và WPS Office cũng bị nằm trong danh sách cấm giao dịch. Lệnh chỉ có hiệu lực sau khi ông Trump rời chức vụ tổng thống.

“Mỹ phải có hành động tích cực chống lại những người phát triển hoặc kiểm soát các ứng dụng phần mềm được kết nối của Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta”, nội dung lệnh cấm này nêu rõ. Lệnh của Tổng thống Trump cũng nói rằng, "bằng cách truy cập vào các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính, các ứng dụng phần mềm được kết nối của Trung Quốc có thể truy cập và thu thập rất nhiều thông tin từ người dùng, bao gồm thông tin nhận dạng cá nhân nhạy cảm và thông tin riêng tư”.

Chính quyền ông Trump đã tăng cường áp lực lên các Cty Trung Quốc trong những tháng cuối cùng ông nắm quyền, bao gồm cả những Cty mà họ coi là nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc và gã khổng lồ viễn thông Huawei nằm trong số đó. Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm hàng chục Cty Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất chip hàng đầu của nước này là SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI Technology, vào danh sách đen thương mại. Chính quyền Mỹ cũng hạn chế một số Cty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ quân sự không được mua hàng hóa và công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Trung Quốc đã liên tục phủ nhận

Cho đến nay, Trung Quốc đã liên tục phủ nhận các tuyên bố rằng các Cty này chia sẻ dữ liệu với chính phủ và đã đáp trả bằng cách áp đặt luật hạn chế xuất khẩu công nghệ quân sự.

Hồi tháng 8-2020, chính quyền ông Trump đã ra lệnh cho ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng truyền thông xã hội TikTok, đóng cửa hoặc bán bớt tài sản của mình tại Mỹ. Mặc dù không đáp ứng được thời hạn để hoàn thành việc bán, Mỹ vẫn chưa đóng cửa ứng dụng này và các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục trong tương lai. Lệnh cấm mới nhất được đưa ra khi Nhà Trắng lặng lẽ thúc đẩy Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) xem xét lần thứ hai quyết định hủy niêm yết ba gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Tuần trước, NYSE thông báo họ sẽ hủy niêm yết China Mobile, China Telecom và China Unicom theo một lệnh hành pháp khác. Tuy nhiên, hồi đầu tuần, NYSE đã đảo ngược quyết định đó, thông báo rằng, họ quyết định không hủy niêm yết 3 Cty sau khi tham vấn thêm với các nhà quản lý Mỹ.

NYSE đưa ra quyết định dựa trên sự không rõ ràng về việc liệu lệnh nói trên có thực sự nhắm vào các chứng khoán này hay không. Tuy nhiên, sàn giao dịch phải chịu áp lực về quyết định của mình. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin gọi điện cho Chủ tịch NYSE Stacey Cunningham để nói rằng, ông không đồng ý với quyết định này, theo Reuters. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc Marco Rubio cũng đã lên tiếng, nói rằng, việc NYSE từ chối hủy niêm yết các Cty là một "nỗ lực thái quá" nhằm phá hoại lệnh hành pháp của Tổng thống. NYSE thuộc sở hữu của Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE) có trụ sở tại Atlanta, do tỷ phú Jeffrey Sprecher điều hành.

KHẢ ANH