Báo Công An Đà Nẵng

Ông Trump lại “chọc giận” Trung Quốc

Thứ sáu, 31/08/2018 09:00

Trung Quốc đã chế nhạo “logic học vô trách nhiệm và vô lý” của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh đã khiến quan hệ giữa Washington với Bình Nhưỡng khó khăn hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-8 tiếp tục “đâm lao” vào Trung Quốc với lời chỉ trích Bắc Kinh phá hoại những nỗ lực tiến gần hơn đến Triều Tiên của Washington, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng liên tiếp vấp phải những lời chỉ trích trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc về những bế tắc trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Lỗi tại ai?

Trong loạt các tuyên bố trên Twitter, Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh, ông không thấy lý do gì để tiếp tục chi tiền cho các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn khiến Triều Tiên rất tức giận.

Hàn - Mỹ đã nhất trí ngừng các cuộc tập trận chung với điều kiện Triều Tiên duy trì thiện chí trong những nỗ lực phi hạt nhân hóa của nước này. Tuy nhiên, hôm 28-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại cho rằng, hai quốc gia đồng minh có thể tìm cách nối lại các cuộc tập trận nói trên. Những phát biểu của ông Mattis được xem như động thái gia tăng sức ép hơn nữa đối với Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng ông Trump đã bác bỏ việc nối lại tập trận này và tiếp tục đổ lỗi cho Bắc Kinh đã khiến quan hệ giữa Washington với Bình Nhưỡng khó khăn hơn.

Trung Quốc bác cáo buộc của ông Trump, chế nhạo “logic học vô trách nhiệm và vô lý” của nhà lãnh đạo Mỹ. “Để giải quyết vấn đề này, Mỹ nên nhìn lại mình thay vì đổ lỗi cho người khác”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ tại cuộc họp báo hôm 30-8. Tờ Global Times của Trung Quốc trước đó cũng có bài viết cho rằng: “Washington phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng bế tắc trong đàm phán với Triều Tiên”. Tờ báo Trung Quốc đặc biệt bất bình về việc ông Trump nói rằng, Trung Quốc không còn “hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa như trước” vì tranh chấp thương mại với Mỹ. 

Theo tờ báo này, sau hội nghị thượng đỉnh   Mỹ - Triều Tiên hồi tháng 6, Bình Nhưỡng đã thể hiện sự chân thành bằng cách phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, tháo dỡ các cơ sở tên lửa và trao trả hài cốt các binh lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuy nhiên, Washington đã không có các biện pháp tương ứng, mà còn tiếp tục đe dọa Bình Nhưỡng bằng các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Vì sao lại là Trung Quốc?

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6 diễn ra thành công với cam kết từ Bình Nhưỡng là hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Ngay sau đó, ông Trump tuyên bố “không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”. Nhưng kể từ đó đến nay, nhiều nhà quan sát nói rằng, Bình Nhưỡng không di chuyển đủ nhanh để tháo dỡ các khu vực hạt nhân hoặc tên lửa của họ. Chỉ vài ngày trước, Tổng thống Trump bất ngờ hủy bỏ chuyến đi quan trọng tới Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo vì cho rằng Bình Nhưỡng không có đủ tiến bộ trong việc tháo dỡ chương trình hạt nhân. Và rồi, nhiều chỉ trích nhắm vào ông chủ Nhà Trắng.

Dù đổ lỗi cho Bắc Kinh, ông Trump cũng tiếp tục ca ngợi mối quan hệ cá nhân của mình với các nhà lãnh đạo của cả Triều Tiên và Trung Quốc. Sự pha trộn lẫn lộn những lời chỉ trích, khen ngợi và đe dọa xảy đến khi ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc phải mang lại kết quả sau những cuộc đàm phán chưa từng có với Bình Nhưỡng. Nhưng ngoài tiến độ và quy mô phi hạt nhân hóa, Washington và Bình Nhưỡng còn bất đồng về việc liệu có ra tuyên bố kết thúc chiến tranh hay không. Triều Tiên cho rằng một văn kiện như vậy phải là bước đầu tiên hướng tới hòa bình trên bán đảo này, trong khi Mỹ lại cho rằng còn quá sớm để thảo luận về chủ đề đó. Trong động thái mới nhất, Washington nêu điều kiện tuyên bố kết thúc chiến tranh với Bình Nhưỡng, cho rằng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ phải diễn ra trước khi họ ký tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Trung Quốc là đồng minh quan trọng duy nhất của Triều Tiên và được cho là có ảnh hưởng đáng kể đối với các quyết định của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cũng là đối thủ chiến lược lâu dài nhất của Washington trong khu vực. Và hiện nay, Mỹ - Trung đang bị nhốt trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng. Giới phân tích cho rằng, đó chính là những nguyên nhân và cũng là cái cớ hoàn hảo để ông Trump gỡ rối cho mình trong vấn đề Triều Tiên đang bế tắc hiện nay.

KHẢ ANH