OPCW “hâm nóng” vụ đầu độc cựu điệp viên Nga
Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã xác nhận các khám phá của Anh cho rằng, chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia hồi tháng trước có nguồn gốc từ Nga.
OPCW ủng hộ những tuyên bố của Anh về chất độc được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga. Ảnh: PA |
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề Syria đang nóng lên từng giờ, một cuộc khủng hoảng khác lại tiếp tục được “hâm nóng”. Đó là những tranh cãi nảy lửa trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia xảy ra hồi tháng trước ở Anh.
Trong báo cáo được công bố ngày 12-4, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã xác nhận các khám phá của Anh cho rằng, chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Skripal và con gái có nguồn gốc từ Nga. Theo AP, trong báo cáo tóm tắt nói trên, OPCW khẳng định, các mẫu xét nghiệm mà họ thu thập được cho thấy “chất độc có nồng độ cao”, nhưng báo cáo của OPCW không đề cập cụ thể đến tên chất độc hay đưa ra đánh giá, nhận định về thủ phạm thực hiện vụ này.
Anh đòi Nga “phải chịu trách nhiệm”
Ngay sau công bố của OPCW, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson lập tức khẳng định, Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc này.
Quan chức cấp cao này nhấn mạnh, Moscow “phải đưa ra những câu trả lời” sau khi chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok đã khiến ông Skripal, con gái Yulia và một sĩ quan cảnh sát Anh phải nhập viện. Trong tuyên bố đưa ra sau khi 4 phòng thí nghiệm liên kết với OPCW xác nhận những phát hiện của Anh về chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ đầu độc hồi tháng trước, nhà ngoại giao hàng đầu Anh nêu rõ: “Không còn nghi ngờ gì về chất được sử dụng và không còn bất kỳ sự lý giải nào khác về đối tượng phải chịu trách nhiệm. Chỉ Nga có những phương tiện, động cơ và tiền lệ đầu độc”.
Ngoại trưởng Johnson cũng cho biết, London sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác để xác định cách thức sử dụng vũ khí hóa học kiểu này, đồng thời hối thúc Điện Kremlin cần đưa ra câu trả lời sau sự khẳng định của OPCW. Ông nhấn mạnh không có lời biện hộ nào cho việc sử dụng vũ khí hóa học này và điều này cần phải chấm dứt. Phía Anh thậm chí kêu gọi OPCW tiếp tục họp khẩn về vụ này. “...Chúng tôi kêu gọi một phiên họp của Hội đồng Điều hành OPCW vào ngày 18-4 tới nhằm thảo luận các bước đi tiếp theo”, vị thủ lĩnh ngoại giao của Anh nói.
Còn nhiều hoài nghi
Nga từ trước đến nay vẫn bác bỏ mọi liên quan đến vụ đầu độc này. Moscow cho rằng, đây là “chiến dịch cờ giả” do các cơ quan tình báo Anh thực hiện. Mới đây, trong phiên họp khẩn của HĐBA LHQ, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng, Anh đang cố tình tiêu hủy mọi bằng chứng có thể có, từ đó loại trừ khả năng tiến hành một cuộc điều tra độc lập và minh bạch. Theo ông Nebenzia, việc đưa ra thông tin giả mạo về vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma của Syria là nhằm mục đích đánh lạc hướng thế giới khỏi vụ đầu độc này và thiết lập một liên minh bài Nga.
Ngay ở trong nội bộ nước Anh cũng bùng nổ những tranh cãi. Công đảng đối lập ở Anh hồi tuần trước chỉ trích chính phủ Anh khi nhanh chóng cáo buộc Nga trong vụ đầu độc này. Bộ trưởng Nội vụ Diane Abbott cho rằng, ông Johnson đã “đánh lừa dư luận Anh” còn lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nhấn mạnh, ngoại trưởng Anh có thể đã “phóng đại” khi đưa ra những bằng chứng cáo buộc Nga.
Trong tuyên bố mới nhất đưa ra ngày 12-4, Đại sứ quán Nga tại Anh tỏ ra hoài nghi tính xác thực của tuyên bố được công bố trên trang mạng của Scotland Yard (Cảnh sát London) thay mặt cô Yulia. Theo tuyên bố này, cô Yulia khẳng định không muốn chấp nhận sự giúp đỡ của Đại sứ quán Nga tại London – động thái mà Moscow cho rằng, cô có thể “đang gặp tình huống bị dùng vũ lực cô lập”. Cơ quan ngoại giao Nga cũng bày tỏ ngạc nhiên, tuyên bố này được đăng trên trang mạng của Scotland Yard, thay vì được nghe chính cô Yulia tuyên bố trên đoạn băng ghi hình. Và phía Nga hối thúc Anh cung cấp bằng chứng xác thực rằng, cô Yulia vẫn ổn và không tước đoạt sự tự do của cô.
KHẢ ANH