Báo Công An Đà Nẵng

Pakistan: Ám ảnh ký ức thảm sát trường học Peshawar

Thứ năm, 17/12/2015 10:59

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-12-2014, Taliban phát động vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử Pakistan, giết chết ít nhất 148 người, trong đó có 132 học sinh, tại Trường Quân sự Peshawar (APS). 1 năm đã trôi qua, các nhà chức trách tại trường đã tiến hành nhiều đổi mới trong nỗ lực xóa bỏ ký ức kinh hoàng này. Nhưng vết sẹo để lại vẫn không thể xóa nhòa.

Mohammad Khorasani, thủ lĩnh Jamatul Ahrar - phe phái của Taliban tại Pakistan (TTP) do Maulana Fazllula lãnh đạo - nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Một phát ngôn viên của Jamatul Ahrar cho biết, vụ tấn công là nhằm trả đũa cho Hoạt động Zarb-e-Azb mà quân đội Pakistan tiến hành ở Bắc Waziristan. Y cũng tuyên bố, APS được chọn làm mục tiêu vì "hầu như tất cả học sinh là con của cán bộ quân đội". Vụ tấn công vào APS khiến quốc tế phẫn nộ. Ngay cả Taliban tại Afghanistan cũng lên tiếng, gọi đó là hành động "phi Hồi giáo".

Thủ lĩnh nhóm Jamaat-ud-Dawa, Hafiz Saeed, người bị Ấn Độ cáo buộc chủ mưu vụ tấn công khủng bố Mumbai năm 2008, cũng bày tỏ sự phẫn nộ. Y cho rằng, vụ tàn sát trẻ em là "hành vi hèn nhát" bởi Hồi giáo "không bao giờ dạy chúng ta phải giết trẻ em và phụ nữ vô tội, thậm chí cả trong chiến tranh".

TTP được thành lập vào năm 2007 tại khu vực bộ lạc của Pakistan, có liên kết với Taliban tại Afghanistan và Al-Qaeda. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, đảng Pakistan Tehreek-i-Insaf (PTI) đối lập của ông Imran Khan giành được đa số ghế tại Khyber Pakhtunkhwa. Với quan điểm ủng hộ Taliban của ông Khan, các nhóm phiến quân mạnh lên. Các nhà phê bình cho biết, có nhiều biểu hiện cho thấy Khan không thay đổi lập trường ủng hộ Taliban.

Thứ nhất, ông không lên án Taliban khi họ tấn công Nhà thờ All Saints Peshawar vào năm 2013, giết chết 81 tín đồ Thiên chúa giáo. Thứ hai, dù chỉ trích vụ tấn công tại APS, ông không nêu đích danh Taliban và lên án chúng. Thứ ba, Khan từng nói rằng: "Taliban không muốn thực thi Luật Sharia nhưng muốn giải phóng đất nước khỏi cuộc chiến của Mỹ".

Trường APS đã trở lại bình thường, nhưng vẫn bị ám ảnh bởi vụ tấn công kinh hoàng của Taliban.

Thay đổi Pakistan

Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Nawaz Sharif và Imran Khan kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình với TTP. Tuy nhiên, sau vụ tấn công APS, trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Sharif cho biết: "Vụ thảm sát Peshawar đã thay đổi Pakistan. Chúng ta cần phải diệt trừ những suy nghĩ của chủ nghĩa khủng bố để đánh bại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa bè phái".

Thảm kịch Peshawar đoàn kết cả lãnh đạo dân sự và quân sự của đất nước, dẫn đến Kế hoạch Hành động Quốc gia (NAP) nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Để thực hiện kế hoạch, chính phủ sau đó đã trình bày về việc sửa đổi hiến pháp lần thứ 21 và Luật quân sự Pakistan sửa đổi năm 2015. Cả hai đều được thông qua, cho phép thành lập Tòa án quân sự, đẩy nhanh việc xét xử những kẻ khủng bố.

Sau nhiều năm xảy ra khủng bố, các cuộc đảo chính quân sự và biến động chính trị, Pakistan giờ đây tương đối yên tĩnh. Trong 9 tháng qua, các cuộc tấn công khủng bố lớn đã giảm 70%, và người Pakistan đang đổ xô trở lại các trung tâm mua sắm, khu du lịch và nhà hàng. Tuy nhiên, tại tỉnh Punjab, tình hình vẫn rất đáng lo ngại. Bộ trưởng Nội vụ Shuja Khanzada, người đi đầu trong việc thực hiện NAP, đã bị giết chết trong một cuộc tấn công tự sát cùng với 19 người khác tại văn phòng chính trị ở tỉnh Punjab. Một trong những nhóm phiến quân trực thuộc Taliban, Lashkar-e-Islam, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, cho biết đó là đòn trả đũa các hoạt động quân sự chống lại chúng.

Viện Quốc hội Pakistan (PIPS) gần đây lưu ý, NAP chỉ là chiến lược ngắn hạn. Pakistan vẫn cần chiến lược chống khủng bố toàn diện với các mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn.

An Bình
(Theo Diplomat)