Báo Công An Đà Nẵng

Pakistan, Ấn Độ hứng chịu nắng nóng "như địa ngục"

Thứ tư, 04/05/2022 12:50

Vài tuần qua, Nazeer Ahmed đang sống ở một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất. Khi một đợt nắng nóng tàn khốc đã quét qua Ấn Độ và Pakistan, nhà của anh ở Turbat, thuộc vùng Balochistan của Pakistan, đã phải hứng chịu nhiệt độ liên tục lên tới gần 50 độ C chưa từng có vào thời điểm này trong năm. Người dân địa phương chỉ có thể ra ngoài làm việc vào ban đêm và có nguy cơ đối mặt tình trạng thiếu điện, nước nghiêm trọng. Ahmed lo sợ mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Tại đây, vào năm 2021, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận vào tháng 5 là 54 độ C, mức nhiệt đột quá khốc liệt. Năm nay, Ahmed cho biết anh cảm thấy thời tiết thậm chí còn nóng hơn. "Tuần trước ở Turbat nóng kinh khủng. Nó không giống như tháng 4", anh nói.

Tàn phá cây trồng, mùa màng

Đợt nắng nóng khủng khiếp lần này đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu năng lượng lớn trên khắp Ấn Độ và Pakistan.

Turbat, một thành phố với khoảng 200.000 cư dân, hiện hầu như không có đủ điện để dùng, có nghĩa là máy điều hòa và tủ lạnh không thể hoạt động. Ahmed nói: "Chúng tôi đang sống trong địa ngục". Đây là câu chuyện chung trên khắp tiểu lục địa, nơi mà thực tế của biến đổi khí hậu đang được cảm nhận bởi hơn 1,5 tỷ người khi nhiệt độ mùa hè thiêu đốt đến sớm 2 tháng và gió mùa còn vài tháng nữa mới kết thúc. Tây Bắc và miền Trung Ấn Độ trải qua tháng 4 nóng nhất trong 122 năm qua, trong khi Jacobabad, một thành phố ở tỉnh Sindh của Pakistan, hứng chịu nhiệt độ lên đến 49 độ C vào hôm 30-4, một trong những nhiệt độ tháng 4 cao nhất từng được ghi nhận trên thế giới.

Nó cũng tác động tàn phá đến các loại cây trồng, bao gồm lúa mì và các loại trái cây và rau quả khác nhau. Tại Ấn Độ, sản lượng lúa mì giảm tới 50% ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ khắc nghiệt, làm trầm trọng thêm lo ngại về tình trạng thiếu hụt toàn cầu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, vốn đã có tác động nghiêm trọng đến nguồn cung. Nông dân Haji Ghulam Sarwar Shahwani đau khổ nhìn những cây táo của mình ra hoa sớm hơn một tháng, và sau đó tuyệt vọng khi hoa héo úa rồi tàn lụi trong cái nóng khô trái mùa, gần như giết chết toàn bộ cây trồng của anh. Nông dân trong khu vực cũng nói về tác động "mạnh mẽ" đối với cây lúa mì của họ, trong khi khu vực này gần đây cũng đã bị cắt điện 18 giờ mỗi ngày. Sherry Rehman, Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu của Pakistan, cho hay nước này đang phải đương đầu với một "cuộc khủng hoảng" do những tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Bà cảnh báo, nắng nóng đang khiến các sông băng ở phía bắc đất nước tan chảy với tốc độ chưa từng có và hàng nghìn người có nguy cơ bị ngập trong lũ lụt.

Lo ngại cho mùa hè tới

Các chuyên gia cho biết cái nóng như thiêu đốt đang được cảm nhận trên khắp tiểu lục địa có thể là điều cảnh báo tình trạng thảm khốc hơn sắp xảy ra trong mùa hè tới.

Abhiyant Tiwari, trợ lý giám đốc chương trình chuyên nghiệp tại Viện Quản lý Thảm họa Gujarat, cho biết "những đợt nắng nóng khắc nghiệt, thường xuyên và kéo dài không còn là nguy cơ trong tương lai. "Nó đã ở đây rồi và là điều khó tránh khỏi". Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết trong một tuyên bố rằng nhiệt độ ở Ấn Độ và Pakistan "phù hợp với những gì chúng tôi mong đợi trong điều kiện khí hậu thay đổi. Các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, gay gắt hơn và bắt đầu sớm hơn so với trước đây".

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, Bikaner là nơi nóng nhất tại nước này vào cuối tuần qua với nhiệt độ lên đến 47,1 độ C. Nhưng ở một số khu vực phía tây bắc Ấn Độ, hình ảnh do vệ tinh chụp lại cho thấy nhiệt độ bề mặt đã vượt quá 60 độ C, điều chưa từng có trong thời gian này của năm. Nhiệt độ cao gây áp lực lớn lên nhu cầu điện ở cả Ấn Độ và Pakistan, nơi người dân đã phải chịu đựng hàng giờ cắt điện giữa cái nóng khốc liệt. Vào hôm 29-4, nhu cầu điện cao điểm ở Ấn Độ đã chạm mức cao nhất mọi thời đại là 207.111MW, theo chính phủ. Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ. Việc cắt điện kéo dài tới 8 giờ được áp dụng tại các bang bao gồm Jharkhand, Haryana, Bihar, Punjab và Maharashtra do nguồn cung than trong nước giảm xuống mức nghiêm trọng và giá than nhập khẩu tăng vọt.

Trong nỗ lực tăng tốc vận chuyển than trên khắp đất nước, Công ty Đường sắt Ấn Độ hủy bỏ hơn 600 chuyến tàu chở khách và tàu bưu điện để nhường chỗ cho việc vận chuyển than đến các nhà máy điện.

KHẢ ANH