Báo Công An Đà Nẵng

Paris không lùi bước trước IS

Thứ hai, 16/11/2015 07:55

(Cadn.com.vn) - Loạt tấn công khủng bố đẫm máu nhất nước Pháp kể từ sau Thế chiến II có thể càng khiến Paris đẩy mạnh các cuộc không kích chống nhóm Hồi giáo cực đoan IS ở Syria và Iraq.

Cả thế giới vẫn đang hướng về thủ đô Paris của nước Pháp - nơi vẫn run rẩy lo sợ sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào đêm 13-11, thời khắc đen tối nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia Châu Âu xinh đẹp này.

129 người được xác định đã thiệt mạng, 352 người bị thương – trong đó có 99 người trong tình trạng nguy kịch – trong thảm họa làm rúng động cả thế giới. Hàng loạt địa điểm nổi tiếng và đông đúc - gồm nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, một số quán bar, nhà hàng, ở kinh đô hoa lệ của nước Pháp - bỗng chốc trở nên tang thương. Pháp tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân.

Ngày 15-11, các địa điểm nổi tiếng ở Paris như Viện bảo tàng, nhà hát Bataclan, công viên Champ de Mars... vẫn đóng cửa trong khi hàng trăm binh sĩ và cảnh sát tuần tra trên các đường phố và các trạm tàu điện ngầm sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, nhà điều hành Tháp Eiffel - công trình biểu tượng của nước Pháp - tuyên bố sẽ đóng cửa nơi này vô thời hạn.

Bên ngoài nước Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia Châu Âu cũng như Châu Á vẫn đặt tình trạng an ninh ở mức báo động trong bối cảnh lo ngại bị tấn công khủng bố.

Lực lượng an ninh Pháp tuần tra gần khu vực Tháp Eiffel trong ngày 15-11. Ảnh: Reuters

THEO DẤU NHỮNG KẺ TẤN CÔNG ĐẪM MÁU

Cảnh sát Pháp hôm 15-11 xác định danh tính kẻ khủng bố đầu tiên trong số 7 tay súng tham gia loạt tấn công đẫm máu ở Paris. Đó là Omar Ismail Mostefai, 29 tuổi.

Theo Reuters, danh tính của y được xác định từ một ngón tay bị cắt đứt tìm thấy tại nhà hát Bataclan - địa điểm bị tấn công tồi tệ nhất với 89 con tin bị bắn chết. Trưởng công tố viên Pháp, ông Francois Molins, xác nhận, tên này mang quốc tịch Pháp, người gốc Algeria, từng có tiền sự nhưng chưa có tiền án. Cha, anh trai và chị dâu của Mostefai đã bị thẩm vấn, cùng với những người khác được cho là có mối quan hệ gần gũi với y. Trong khi đó, tên thứ hai trong số 7 đối tượng thuộc 3 nhóm tấn công Paris mang hộ  chiếu Syria.

Trong động thái giúp mở ra manh mối liên quan đến các phần tử khủng bố, cảnh sát Pháp tuyên bố phát hiện một ô-tô màu đen mà các tay súng sử dụng để tấn công tại các nhà hàng. Chiếc xe được tìm thấy tại Montreuil, vùng ngoại ô phía đông Paris. Một số súng AK47 được tìm thấy bên trong ô-tô. Những phát hiện này làm dấy lên giả thuyết cho rằng, một số tay súng đã cố gắng trốn thoát khỏi hiện trường sau các cuộc tấn công. Những tên này sau đó đổi sang xe khác và có thể đến Bỉ.

Tại Bỉ, 5 người đàn ông bị bắt giữ khi cảnh sát nước này mở cuộc trấn áp tại thị trấn Molenbeek gần thủ đô Brussels. Ít nhất một trong số những người bị bắt được cho là đã có mặt tại Paris hôm 13-11, BBC dẫn lời Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết.

Trong ảnh: Thắp nến, đặt vòng hoa tưởng nhớ các nạn nhân khủng bố ở Paris. Ảnh: AFP

KIỂU KHỦNG BỐ MỚI?

Mở thêm đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan công dân Việt Nam tại Pháp

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, để phục vụ tốt hơn công tác bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự mở thêm đường dây nóng +84981848484 để tiếp nhận những thông tin liên quan đến công dân Việt Nam là nạn nhân của những vụ tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra tại Pháp.

Liên quan đến hoạt động bảo hộ công dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng mở 2 đường dây nóng 00.33.67.7622624 và 00.33.66.3541759 cùng hoạt động với tổng đài Bảo hộ công dân trong nước 084.4.62844844 để sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công dân Việt Nam là nạn nhân của những vụ tấn công trên.

TTXVN

Quy mô các vụ tấn công đồng loạt ở Paris khiến nước Pháp quay cuồng trong cơn sốc chết chóc trong bối cảnh đã chứng kiến nhiều vụ tấn công kinh hoàng trong năm qua. Trên thực tế, Paris được báo động cao sau các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 1, khi các tay súng Hồi giáo tấn công trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, nhắm vào một nữ cảnh sát và một siêu thị của người Do Thái, khiến 17 người thiệt mạng. Amedy Coulibaly, kẻ giết 4 con tin tại siêu thị trước khi bị cảnh sát bắn chết, tuyên bố là thành viên của IS.

Trong nhiều năm qua, một số khu dân cư nghèo khó ở ngoại ô Paris và các thành phố khác chính là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ cực đoan Hồi giáo IS. Hơn 500 người Hồi giáo Pháp đã “đầu quân” cho IS ở Syria và Iraq - nhiều hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác. Những cuộc không kích mang “thương hiệu” Pháp nhắm mục tiêu IS tại Syria và Iraq càng khiến quốc gia xinh đẹp này nằm trong tầm ngắm của IS. Một tiết lộ khủng khiếp hơn nữa là sân vận động Stade de France - nơi đang diễn ra trận thi đấu giao hữu giữa Đức và Pháp, có Tổng thống Hollande tham dự - chính là mục tiêu gây thương vong kinh hoàng nhất của nhóm tấn công lần này. May mắn, 3 kẻ đánh bom tự sát đã bị ngăn chặn ngay từ bên ngoài và bọn chúng đã cho nổ tung mình tại 3 khu vực gần đó.

THỀ TIÊU DIỆT IS  ĐẾN TẬN CÙNG

IS lên tiếng nhận trách nhiệm tấn công Paris để trả thù cho chiến dịch không kích của Pháp ở Syria và thề sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu Pháp chừng nào Paris còn tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.

Tuy nhiên, lời cảnh báo này của IS xem ra chỉ càng nung nấu thêm ý chí tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố của Pháp và các nước khác trên toàn thế giới. Tổng thống Hollande lên án cuộc tấn công là “hành động chiến tranh” và thề sẽ tiêu diệt IS đến cùng. Giới quan sát cũng cho rằng, các cuộc tấn công khủng bố Paris sẽ kích động phản ứng quân sự toàn cầu mạnh mẽ hơn nhằm vào IS, theo sau chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu đã kéo dài hơn 1 năm nhưng chưa đạt được nhiều kết quả.

Hiện vẫn còn chưa rõ liệu Paris và Washington có sẵn sàng mở rộng phạm vi tham gia của quân đội trong bối cảnh lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc chiến trên bộ quy mô lớn ở Trung Đông hay không. Tuy nhiên, Hassan Nafaa, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cairo nhận định: “Tôi tin Pháp sẽ mạnh mẽ hơn và tích cực tham gia nhiều hơn trong các hoạt động chống IS ở Trung Đông”.

Một khi Pháp đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, sẽ có một phản ứng mạnh mẽ theo hiệu ứng domino như thế từ các nước trong Liên minh Châu Âu (EU).  Nga, dù không nằm cùng chiến tuyến với liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria, cũng sẽ mở rộng cuộc chiến chống IS trong bối cảnh nhóm khủng bố đang chứng tỏ ngày càng liều lĩnh và đáng sợ.

Khả Anh

Cầu nguyện cho Paris

Các địa danh mang tính biểu tượng trên toàn thế giới được thắp sáng trong 3 màu xanh, trắng và đỏ nhằm cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố tại Paris.

Theo Dailymail, từ Thượng Hải đến San Francisco, từ Sydney đến New York... các tòa nhà nổi tiếng nhất được thắp sáng theo màu cờ của Pháp: Cầu Tháp ở London, Nhà hát Opera Sydney, ngọn tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, tòa nhà Empire State, Tòa thị chính San Francisco, tháp CN tại Toronto, tượng Chúa cứu thế ở Brazil… Tất cả đều chia sẻ và thể hiện sự đồng cảm với người dân nước Pháp. Tại Anh, hàng trăm người vẽ mặt đỏ, trắng và xanh và tổ chức “Cầu nguyện cho Paris”.

Nhà hát Opera Sydney được thắp sáng ba màu xanh, trắng và đỏ. Ảnh: Dailymail

B.Ngân

G20 trọng tâm bàn chống khủng bố

Ngày 15-11, các nhà lãnh đạo Nhóm G20 bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, trọng tâm bàn về vấn đề chống khủng bố ngoài vấn đề khủng hoảng người tị nạn. Tổng thống Pháp Hollande không đến tham dự hội nghị này để ở nhà xử lý hậu quả vụ khủng bố.

Theo Reuters, kết thúc phiên hội nghị đầu tiên, G20 nhất trí tăng cường kiểm soát biên giới và an ninh hàng không đồng thời ra tuyên bố chung chống chủ nghĩa khủng bố. Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng loạt lên án các cuộc tấn công khủng bố ở Paris và khẳng định luôn đoàn đết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

T.Linh