Báo Công An Đà Nẵng

"Phá băng"

Thứ sáu, 25/12/2015 08:59

(Cadn.com.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang nỗ lực hết sức mình để “phá băng” quan hệ vốn u ám trong nhiều năm qua. Lệnh trừng phạt kinh tế của Nga nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa việc nhập khẩu khí đốt của Ankara là lý do chính để nước này nỗ lực khôi phục lại quan hệ với Israel.

Sau hơn 5 năm thù địch sâu sắc, Ankara và Tel Aviv sẵn sàng khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ, vốn bị cắt đứt từ năm 2010 sau khi biệt kích Israel giết 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đột kích vào tàu viện trợ của Ankara đến cho Dải Gaza. Theo các nguồn tin, hai cựu đồng minh chiến lược này đạt thỏa thuận sơ bộ để bình thường hóa quan hệ và trao đổi đại sứ trong cuộc đàm phán kín ở Thụy Sĩ. Tel Aviv sẽ thành lập quỹ đặc biệt để bù đắp cho thân nhân các nạn nhân vụ tàu viện trợ bị tấn công trong khi Ankara sẽ bỏ qua tất cả các yêu cầu pháp lý về vụ việc.

Tại thời điểm mối quan hệ hai bên bị cắt đứt, Thổ Nhĩ Kỳ định hướng lại chính sách đối ngoại từ phương Tây và hướng đến thế giới Hồi giáo. Việc khôi phục quan hệ ngoại giao hiện nay có ý nghĩa to lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì họ đang phải vật lộn với những cuộc xung đột ở Syria và Iraq cũng như những ảnh hưởng đối với nguồn cung cấp năng lượng. Sự tan băng được chờ đợi trong thời gian dài diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thấy mình càng bị cô lập từ các nước láng giềng do cuộc chiến ở Syria. Quan hệ Ankara-Moscow đang căng thẳng nghiêm trọng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga. Trong khi đó, quan hệ với Iran, Iraq cũng bế tắc khi Baghdad chỉ trích mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân ở miền bắc nước này.

Tuy nhiên, việc phong tỏa Dải Gaza vẫn còn là điểm gây tranh cãi. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, một hiệp ước chính thức vẫn chưa được ký kết dù khẳng định hai bên đều đang có những “tiến bộ tích cực”. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đa số Hồi giáo đầu tiên công nhận Israel vào năm 1949 và hai bên gìn giữ mối quan hệ chặt chẽ trong những năm 1990. Nhưng mối quan hệ này đã lung lay do xung đột của Israel với người Palestine. “Giọt nước cuối cùng làm tràn ly” là vụ Israel tấn công vào đội tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Gaza.

Tổng thống Erdogan thường xuyên lên án chính sách của nhà nước Do Thái đối với người Palestine, cáo buộc Israel “vượt qua sự man rợ của Hitler” trong cuộc chiến ở Gaza năm 2014. Cũng chính ông Erdogan vạch ra 3 điều kiện tiên quyết hòa giải với Israel, trong đó có yêu cầu Tel Aviv xin lỗi về vụ tấn công tàu viện trợ (Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu vào năm 2013 đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc này), và bồi thường cho các nạn nhân vụ tấn công, động thái mà Israel cho biết đang lên kế hoạch thực hiện. Vì vậy, sự thành công trên con đường hòa giải hiện nay phụ thuộc vào cách hai bên giải quyết yêu cầu thứ 3 của ông Erdogan: Israel phải kết thúc phong tỏa Dải Gaza.

Thanh Văn