Phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất?
(Cadn.com.vn) - Đầu năm 2016, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định giao đất, giao rừng cho hơn 100 hộ bà con dân tộc Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang) trên diện tích 442 ha để phát triển sản xuất. Cuối năm 2016, chính quyền địa phương và ngành chức năng triển khai quyết định này, thế nhưng cuối tháng 3-2017, khi đất rừng giao tới tay bà con thì đã có hàng nghìn mét vuông rừng tự nhiên bị tàn phá...
Rừng cây bị chặt hạ thế này, đang bị xếp vào loại “rừng nghèo” cần thay thế trồng cây khác !? |
Ngày 30-3, chẳng phải dò hỏi nhiều, từ thôn Tà Lang chúng tôi vượt thượng nguồn sông Cu Đê lên cửa hầm đường bộ dự án cao tốc La Sơn- Túy Loan, ngược lên đèo Mũi Trâu thuộc đường ĐT611, ngay lưng chừng đèo đã bắt gặp những người dân đang bốc từng khúc gỗ rừng lên những chiếc xe trọng tải lớn. Hỏi chuyện sao gỗ rừng tự nhiên lại được khai thác thoải mái thế này? Mấy thanh niên vô tư trả lời: “Chúng tôi lấy gỗ tận thu, chứ không phải khai thác, phá rừng mô mà sợ chi...?!”. Mấy thanh niên còn hướng dẫn chúng tôi: “Các anh cứ lên đỉnh đèo, trên đó rừng mới chặt, gỗ vô tư, chứ đây ăn nhằm chi...”.
Quả như mấy thanh niên nói, dừng xe ngay đỉnh đèo, trước mắt chúng tôi là những vạt rừng tự nhiên mới chặt hạ chỉ cách đó vài ngày, cây rừng bị chặt hạ nằm ngổn ngang, cành lá còn nguyên vừa kịp héo. Từ đỉnh đèo, ngược lên sườn dốc chỉ chừng 50m, hiện lên trước mắt chúng tôi hàng nghìn mét vuông rừng bị chặt hạ không thương tiếc, cây nào cây nấy còn ứa nhựa đỏ au, rừng tự nhiên đã bị chặt hạ một cách “vô tư”... Anh bạn đồng nghiệp tôi thấy mấy gốc cây to bị chặt hạ, vừa dùng tay đo đo, đếm đếm, vừa chụp ảnh, vừa xót xa: “Sao toàn cây rừng to thế này lại để người dân chặt hạ để “tận thu” là thế nào nhỉ...?”. Nhưng sự xót xa của anh bạn tôi chưa nguôi, thì đã vội chuyển thành trạng thái đau xót. Vì càng tiến sâu vào những vạt rừng đã bị chặt phá, cây rừng tự nhiên nằm ngổn ngang, nhiều gốc cây, thân cây có đường kính từ 30 đến 50cm, thậm chí cây tới 70cm. Cái từ “tận thu” mà mấy thanh niên vừa nói, càng làm chúng tôi khó hiểu: “Vậy những vạt rừng này là rừng gì mà được tận thu một cách thoải mái thế này?”.
Phải đến tận 16 giờ chiều, chúng tôi mới gặp được bà Lê Thị Thu Hà- Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc. Bà Hà đã “giải thích” vấn đề ngay: “Bà con người ta dọn rừng đã được giao đất, giao rừng ấy mà...”. Bà Hà cho biết, theo kiến nghị của người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí từ năm 2015 về nhu cầu cần đất để phát triển sản xuất, từ tháng 3-2016, UBND TP đã có chủ trương giao đất, giao rừng cho bà con dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất. Theo quyết định phê duyệt của UBND TP, diện tích đất rừng được giao là 442 ha, hơn 100 hộ dân ở Tà Lang, Giàn Bí mỗi hộ được giao 3 ha. Trước khi có quyết định này, các ngành chức năng gồm Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã tiến hành kiểm tra thực địa, đo đạc, kiểm tra, xác định vị trí rừng... Toàn bộ diện tích đất này là đất lâm nghiệp (1C), thuộc loại đất rừng sản xuất, rừng nghèo.
Cho bà Hà xem những hình ảnh chúng tôi chụp trên diện tích rừng bị chặt hạ, khẳng định đây là rừng tự nhiên, nhiều cây to có đường kính đến 30-40 cm, hàng chục năm tuổi, bà Hà lại cho biết, trước đó, cụ thể vào ngày 17-3-2017, UBND xã cũng đã họp với Kiểm lâm tuyên truyền vận động nhân dân, chỉ chặt cây nhỏ, còn cây đường kính từ 20cm trở lên phải chừa lại để cây phát triển. Đem thắc mắc này về UBND xã Hòa Bắc, nhưng chúng tôi không được giải đáp ngay, lãnh đạo xã đang bận họp với các cán bộ Kiểm lâm. Ông Nguyễn Đức Toàn- Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc ra hỏi chúng tôi có việc gì? Chúng tôi cho ông Toàn biết, muốn tìm hiểu về việc chặt phá rừng tự nhiên ở khu vực đèo Mũi Trâu, thôn Tà Lang. Ông Toàn nói: “Các anh cần gì cứ liên hệ Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, ở đó lãnh đạo Hạt mới có thẩm quyền trả lời”.
Một điều không thể phủ nhận, hàng nghìn mét rừng rừng tự nhiên đã bị chặt phá, vậy thì công tác kiểm tra, xác định loại rừng, giao đất rừng đã chính xác hay chưa? Hay là đang có câu chuyện “thật như đùa”: Giao đất rừng để phá rừng? Chúng tôi xin dành câu trả lời này cho chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng, H. Hòa Vang và xã Hòa Bắc.Chúng tôi nêu vấn đề, theo quan sát trên thực tế, có đến 60% cây rừng bị chặt hạ đều có đường kính từ 20cm trở lên, vậy thì để cho rừng phát triển tự nhiên, chứ cây chặt, cây không thì bà con làm sao trồng cây gì dưới tán những cây rừng tự nhiên để “phát triển sản xuất”. Bà Hà cười và gật đầu tỏ vẻ đồng ý vấn đề chúng tôi nêu (!?). Chúng tôi lại nêu, theo quy định của Luật Quản lý bảo vệ rừng, với cả nghìn mét vuông rừng tự nhiên, chỉ cần chặt hạ cây rừng có đường kính từ 8cm trở lên là đã có thể khởi tố vụ án phá rừng rồi. Hay là chính quyền và ngành chức năng đã giao “nhầm” đất rừng cho người dân? Bà Hà cho biết, thực tế thế nào phải trong ngày 31-3-2017, UBND xã và ngành Kiểm lâm đi kiểm tra thì mới xác định được.
Hồng Thanh