Báo Công An Đà Nẵng

Phải chủ động mọi biện pháp để ứng phó với tình hình “bão chồng bão”

Thứ ba, 10/11/2020 07:00

Sáng 9-11, Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐ T.Ư) về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 12. Kết luận cuộc họp, Phó Trưởng BCĐ T.Ư về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, theo dự báo, khả năng bão số 13 sẽ được hình thành trong những ngày tới và sẽ ảnh hưởng tới khu vực Trung Bộ. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương ngoài việc chủ động ứng phó với bão số 12 cần phải chủ động mọi biện pháp để ứng phó với tình hình “bão chồng bão”.

Báo cáo về diễn biến cơn bão số 12, sáng 9-11, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 12 gây gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh tại khu vực giữa Biển Đông. Từ đêm 9-11 đến ngày 12-11, Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa phổ biến với lưu lượng 200-400mm/ đợt, có nơi trên 400 mm; tại Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa với lưu lượng100-200mm.

Các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên có lũ ở mức báo động 2 - báo động 3, thậm chí trên báo động 3. Lũ trên các sông ở Quảng Bình và khu vực nam Tây Nguyên ở mức báo động 1- báo động 2, thậm chí trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, hiện đang có áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông. Khả năng vào đêm 11 hoặc sáng 12-11, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông (cơn bão số 13). Khoảng ngày 14-11, bão số 13 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ.

Trước tình hình lũ chồng lũ, bão chồng bão, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi cần chỉ đạo các địa phương chịu ảnh hưởng của bão chuẩn bị sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung.

BIÊN THÙY