Báo Công An Đà Nẵng

Phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống

Thứ năm, 19/03/2020 08:09

Ngày 18-3, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan toàn cầu, Chính phủ và các bộ ngành phải thực hiện nhiệm vụ kép là vừa chống dịch chủ động vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác. Trong đó, nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ cuộc sống người dân trong mọi tình huống phải luôn là ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh VGP

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau 10 năm thực hiện, đề án đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2009-2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525 kg/năm.Xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,14 triệu tấn, thu về hơn 3 tỉ USD, đến được 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn. GDP toàn ngành nông nghiệp trong giai đoạn này duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%/năm. Cũng trong 10 năm, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Đến hiện tại, năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á với 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong giai đoạn 10 năm qua nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn và toàn diện. Từ nước thiếu ăn trong quá khứ, hiện nay bình quân lương thực trên đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg, trở thành là một trong ba quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu, sở hữu thương hiệu gạo ngon nhất trên thế giới. Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng việc có nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với kỳ vọng cũng sẽ là thách thức đòi hỏi các bộ ngành, các nhà khoa học và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để vấn đề an ninh lương thực hướng tới bền vững. Các bài toán về chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp lương thực, hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nguồn nhân lực, chính sách đối với nông dân, doanh nghiệp… phải được chú trọng giải quyết. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, Thủ tướng khẳng định an ninh lương thực phải đảm bảo trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, đây không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà là an sinh xã hội. Tức là đảm bảo nguồn cung, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực.

Trong bối cảnh phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác thì vấn đề đảm bảo an ninh lương thực phải là ưu tiên hàng đầu để ổn định cuộc sống, nhu yếu phẩm cho người dân. “Trong tình huống này, nếu không chủ động về nguồn lương thực thì không thể đảm bảo được. Chính phủ đã lập tức chỉ đạo các Cty lương thực phải bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23 giờ cho người dân. Từ bối cảnh cụ thể một lần nữa khẳng định, chúng ta phải dự trữ, ổn định lương thực để cho người dân Việt Nam, từ miền xuôi đến miền ngược chủ động, không thiếu thốn trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định, an ninh lương thực luôn luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

CÔNG KHANH