Báo Công An Đà Nẵng

PHÂN LUỒNG GIAO THÔNG TẠI CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG KHÁC MỨC NGÃ BA HUẾ:

Phải đảm bảo đủ các điều kiện an toàn mới chính thức phân luồng

Thứ năm, 14/11/2013 12:01

(Cadn.com.vn) - Chiều 13-11, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP chủ trì cuộc họp với các đơn vị có liên quan nhằm triển khai phương án phân luồng giao thông trong quá trình thi công nút giao thông Ngã ba Huế theo chỉ đạo của UBNDTP và Giám đốc CATP. Theo dự kiến, đầu tháng 11-2013 sẽ chính thức triển khai phương án, tuy nhiên đến thời điểm này, qua kiểm tra thực tế, vẫn chưa thể thực hiện phân luồng chính thức được bởi còn khá nhiều phần việc phải gấp rút tháo gỡ.

HOÀN TẤT PHƯƠNG ÁN PHÂN LUỒNG

Lãnh đạo Phòng CSGT cho biết, hiện đã hoàn tất phương án phân luồng. Cụ thể, đối với mô-tô, xe gắn máy, ô-tô con, xe buýt và taxi, sẽ được lưu thông bình thường qua khu vực thi công. Trong trường hợp xuất hiện ùn tắc cục bộ vào thời gian thi công cao điểm sẽ không cho phép xe buýt đi qua.

Đối với xe khách có tuyến cố định đến Bến xe trung tâm đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại vẫn hoạt động bình thường; xe khách (trừ xe buýt) từ Bến xe trung tâm đi các tỉnh phía Nam và ngược lại: Đi phía Nam theo lộ trình, từ Bến xe trung tâm – Lê Thạch – Tú Mỡ - Đinh Liệt – Nguyễn Đình Tứ - Tôn Đản – Lê Trọng Tấn – Trường Chinh; về bến xe theo lộ trình, Trường Chinh – Lê Trọng Tấn – Tôn Đản – Nguyễn Đình Tứ – Đinh Liệt – Tú Mỡ - Nguyễn Văn Tạo - Bến xe trung tâm (tốc độ tối đa cho phép đối với xe khách khi lưu thông trên các tuyến trên là 30 km/giờ.

Đối với ô-tô tải có trọng lượng lớn nhất trên 3,5 tấn và xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, cấm lưu thông trên các đoạn tuyến sau: Đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ đường Nam Trân đến Ngã ba Huế; đường Điện Biên Phủ, đoạn từ đường Hà Huy Tập đến Ngã ba Huế; đường Trường Chinh, đoạn từ đường Hà Huy Tập đến Ngã ba Huế; cấm lưu thông từ 5 giờ đến 22 giờ hằng ngày trên các đoạn tuyến: đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến Nam Trân; đường Hà Huy Tập, đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến Trường Chinh.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP chỉ đạo tại cuộc họp

Lãnh đạo CATP đề nghị các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phương án phân luồng để người dân biết và chủ động khi tham gia giao thông, đồng thời cắt cử lực lượng tổ chức phân luồng, điều hòa, hướng dẫn các loại phương tiện nhằm bảo đảm an toàn, thuận lợi, không để xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ kéo dài, nhất là các tuyến trọng điểm cho đến khi dự án hoàn thành; tăng cường TTKS phát hiện xử lý triệt để các hành vi chạy quá tốc độ; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định...

CHƯA YÊN TÂM

Theo Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT, đây là dự án rất dài hơi, kéo dài nhiều năm chứ không phải chỉ ra quân một thời gian, vì vậy mỗi lực lượng phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt. Hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ, nhất là từ phía chủ đầu tư dự án. Cụ thể, khu vực từ Bến xe trung tâm về các tuyến đường đi phía Nam, đường dây điện trên không quá thấp, không đảm bảo an toàn cho xe giường nằm đi qua.

Biển báo cấm hướng dẫn cũng chưa hoàn thành, đầy đủ, trong khi đó nhiều biển đang bị che khuất tầm nhìn; 2 nút đèn tín hiệu tại nút giao thông Lê Trọng Tấn và Hà Huy Tập thi công chưa xong. "Đề nghị nhà đầu tư là Cty Trung Nam phải đảm bảo các điều kiện an toàn mới tổ chức phân luồng, nếu không sẽ rất phức tạp, dễ gây ùn tắc, gây TNGT, thậm chí dẫn đến ùn tắc kéo dài", Đại tá Nguyễn Đến nhấn mạnh.

Trên thực tế, theo ghi nhận của lực lượng chức năng và phóng viên, hiện nay, dù chưa thực hiện phân luồng chính thức, tuy nhiên đơn vị thi công đã che hàng rào các tuyến trọng điểm để thi công. Vấn đề này, các ngành mong rằng đơn vị thi công phải cân nhắc phương án để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân quanh vùng cũng như đảm bảo TTATGT.

Đại Nguyễn Đến cũng đề nghị, tại nút giao thông trọng điểm Trường Chinh - Tôn Đức Thắng - Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ rất phức tạp nên các lực lượng phải có lực lượng thường trực thường xuyên để điều hành, không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tại các điểm thi công, đơn vị thi công phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

Thanh tra giao thông tham gia ý kiến tại cuộc họp.

Trong khi đó, đại diện Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT cũng bày tỏ sự lo ngại về cách giải bài toán ách tắc giao thông tại khu vực Ngã ba Huế. Cần tiến hành kiểm tra đi đôi với xử phạt nghiêm, nhất là các phương tiện thường xuyên qua tuyến nhưng cố tình vi phạm như đi ngược chiều, đi vào đường cấm. Với Cty Trung Nam cần phải có ngay một cuộc họp nghiệm thu, rà soát mọi công việc xem đã đủ điều kiện chưa mới tổ chức phân luồng giao thông chính thức, bởi đây là đầu việc rất quan trọng, cần có ý kiến góp ý của các ngành chức năng.

Tại buổi làm việc, đại diện Trung Nam cho biết, hiện đã gửi công văn cho các đơn vị có liên quan để phối hợp khắc phục vướng mắc đường dây điện, tuyến đường, đồng thời cam kết: Đến ngày 20-11 sẽ hoàn thành nút tín hiệu tại tuyến Lê Trọng Tấn - Trường Chinh và ngày 25-11 đưa vào hoạt động nút tín hiệu Lê Đại Hành - Trường Chinh.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Đại tá Nguyễn Văn Chính mong rằng, Sở GTVT cần quan tâm và chỉ đạo nhanh việc hoàn thiện hệ thống biển báo, điều chỉnh tuyến đường điện trên các tuyến còn đang vướng mắc để việc điều tiết giao thông thuận lợi trong thời gian đến. Và khi hoàn thành các yêu cầu cần thiết, đủ tính pháp lý mới thực hiện phân luồng. Đối với khâu TTKS, xử lý vi phạm, ban đầu chủ yếu hướng dẫn, nhắc nhở người điều khiển phương tiện, tuy nhiên với các lỗi quan trọng như vi phạm trật tự đô thị, đi ngược chiều, đi vào đường cấm phải xử lý nghiêm.

Về đảm bảo trật tự đô thị, các lực lượng phải phối hợp với địa phương để thực hiện có hiệu quả. Với lực lượng cơ động, tăng cường công tác TTKS để giải quyết ANTT, gây ảnh hưởng đến các đơn vị thi công. Riêng cảnh sát trật tự, sau cuộc họp này tiến hành kiểm tra ngay việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè các tuyến trọng điểm chứ không chờ đến khi thực hiện phân luồng chính thức, vì có những nơi đã và đang thi công.

"Mục tiêu cao nhất chúng ta đặt ra trong việc thi công công trình này là đảm bảo an toàn cao về TTATGT. Bởi chỉ cần xảy ra một vụ TNGT, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công công trình và giải quyết công việc của các lực lượng khác. Đơn vị, địa phương nào được phân công nhiệm vụ tại các tuyến để xảy ra sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc và CATP”, Đại tá Nguyễn Văn Chính kết luận.

Công Hạnh