Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Phải làm gì khi bị người khác tung tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội?

Thứ hai, 27/02/2023 12:20
Luật sư Ngô Văn Bình.

*Luật sư Ngô Văn Bình, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phong & Partners tại Liên Chiểu trả lời:

Ngày nay, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, con người tương tác qua không gian mạng ngày một nhiều hơn. Bên cạnh những lợi ích mà nó đem lại cho cuộc sống, mạng xã hội cũng có mặt trái đáng báo động. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của nó là hiện tượng nhiều người lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi tung tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội. Đây là hành vi trái pháp luật, xâm hại các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ, do đó, sẽ phải chịu các chế tài theo luật định. Cụ thể, tôi xin trả lời các nội dung anh Đức quan tâm dưới đây.

1. Có thể khởi kiện để yêu cầu những đối tượng này bồi thường không?

Danh dự, nhân phẩm là quyền nhân thân gắn liền với mỗi người, đây là quyền bất khả xâm phạm được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, không có bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền thực hiện những hành vi xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ, người nào có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, người vi phạm không những phải bồi thường các chi phí để khắc phục thiệt hại mà còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị bôi nhọ về danh dự, nhân phẩm. Mức tiền do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tiền bồi thường tối đa là không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng).

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây: (i) Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác; (ii) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó; và (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại (Theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

Trong trường hợp của anh, những người này đã liên tục dùng những tài khoản mạo danh để tung những thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của anh lên mạng xã hội, cho rằng hàng hoá cơ sở kinh doanh của anh không chất lượng, là hàng giả… Điều này tác động rất lớn đến tinh thần, danh dự, uy tín của anh, thậm chí làm anh trầm cảm. Hơn nữa, hệ luỵ từ hành vi này còn dẫn đến hoạt động kinh doanh của anh diễn ra không suôn sẻ, khách hàng ít lui tới, doanh thu đi xuống trầm trọng. Do đó, anh hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án buộc những đối tượng này phải bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, Anh còn có quyền yêu cầu Toà án buộc người đưa thông tin sai phải xin lỗi, gỡ bỏ, cải chính những thông tin sai sự thật bằng chính phương tiện thông tin đại chúng họ đã thực hiện hành vi để lấy lại danh dự, uy tín cho anh. Tuy nhiên, anh cũng cần lưu ý, anh phải xác định được danh tính của người đã đưa tin và chứng cứ rõ ràng. Trường hợp anh không xác định được thì anh chỉ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng mà không thể yêu cầu bồi thường.

2. Có chế tài nào để răn đe và giải quyết dứt điểm hành vi của những đối tượng này không?

Hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác là hành vi trái pháp luật. Do đó, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, những người có hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm của mình.

Trách nhiệm hành chính: Hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối với cá nhân). Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. (Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 và Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

Trách nhiệm hình sự: Hành vi sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác”theo quy định tại Điểm e Khoản 2 và Khoản 4 Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể, người nào sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Hoặc, người phạm tội sử dụng mạng xã hội để vu khống người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể, người nào sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 156. Tội vu khống

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tuy nhiên, anh Đức cần lưu ý, hành vi của các đối tượng này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì còn phải căn cứ vào điều kiện cấu thành tội danh, hành vi xúc phạm này có nghiêm trọng không, việc đánh giá mức độ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố do cơ quan điều tra xác định thì mới có thể kết luận có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Cần làm những gì để đảm bảo quyền và lợi ích của mình?

Như đã trình bày ở trên, anh Đức có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để buộc những cá nhân có hành vi đăng và chia sẻ những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của anh phải bồi thường thiệt hại, gỡ bỏ, cải chính thông tin; đề nghị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tố cáo các hành vi của các đối tượng để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên, trước khi tiến hành việc khởi kiện, để lưu giữ chứng cứ giúp cho vụ việc sớm được giải quyết dứt điểm, anh cần thực hiện ngay các bước sau:

+ Bước 1. Thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm

Sao chụp, lưu giữ những bài viết, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín để làm bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của các đối tượng; tìm một vài người tin cậy làm chứng cho vụ việc; hoặc lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại để xác nhận nội dung thông sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của anh. Trường hợp cần thiết, anh cần phải tự mình đi xác minh, thu thập, truy vết danh tính người phát tán thông tin (nếu không rõ được danh tính của các đối tượng).

+ Bước 2. Yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm

Trực tiếp yêu cầu người có hành vi vi phạm nhanh chóng gỡ bỏ tin bài, chấm dứt hành vi vi phạm để hạn chế sự lan truyền thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của anh; đồng thời cũng là lời cảnh báo để người có hành vi vi phạm nhận thức được sai phạm của mình và dừng việc làm sai trái.

+ Bước 3. Tự mình làm việc trực tiếp

Trường hợp đã xác minh được danh tính, anh có thể tiến hành làm việc trực tiếp với những người đó để buộc họ phải gỡ bài viết và đính chính thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của anh và yêu cầu họ bồi thường một mức tiền hợp lý cho những thiệt hại mà anh đã gánh chịu.

+ Bước 4. Gửi đơn tố cáo cho cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa án

Nếu những người này không thiện chí khi anh đã làm việc, sau khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm, anh có thể:

Gửi đơn tố cáo cho cơ quan công an để yêu cầu xử phạt hành chính hoặc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật;

Khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của anh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư Ngô Văn Bình, nếu anh Đức hay bạn đọc cần được hướng dẫn cụ thể hơn thì vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được luật sư giải đáp.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425