Phải làm sao để có lợi cho dân nhiều nhất
(Cadn.com.vn) - Ngày 13-9, đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy và đồng chí Văn Hữu Chiến - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc rà soát các đồ án quy hoạch trên địa bàn TP. Sau khi nghe báo cáo của Sở Xây dựng và các ý kiến của các quận huyện, Viện Quy hoạch cũng như giải trình của các chủ đầu tư, lãnh đạo TP đã ra “tối hậu thư” cho nhiều dự án (DA) thiếu tính khả thi, chậm triển khai cũng như chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các DA trọng điểm, cấp thiết.
“Tối hậu thư” cho nhiều DA “rùa”
Đợt này, Sở Xây dựng và các quận, huyện đề nghị tiến hành rà soát 152 đồ án, trong đó, đề nghị hủy hoặc thu hồi 32, điều chỉnh 50 và rà soát tiến độ 70. Quận Liên Chiểu, Sơn Trà và H. Hòa Vang là 3 địa phương có số DA bị đề xuất hủy hoặc thu hồi nhiều nhất (mỗi địa phương có 7 DA trong diện này. Nổi bật trong số này là KDC Tân Hải Doanh mở rộng (Cty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành), Q. Hải Châu và Sở Xây dựng cũng đề nghị thu hồi hoặc chấn chỉnh đối với các DA “treo” trong thời gian dài là Khu phức hợp (KPH) Viễn Đông và công viên công cộng, bãi đậu xe (Cty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam); Khu cao ốc Kreves (Cty TNHH Kreves Halla), KPH thương mại Vũ Châu Long.
Đồng chí Trần Thọ chỉ đạo, tinh thần của cuộc rà soát trên diện rộng này là quy hoạch phải có tính khả thi, nằm trong quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược của TP. Tiếp đó, phải phân loại 2 dạng đồ án quy hoạch, loại nào đã có quy hoạch được phê duyệt nhưng phải hủy bỏ vì năng lực tài chính của chủ đầu tư và loại nào đã có quy hoạch nhưng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân nên phải điều chỉnh giảm. Cả hai loại đều phải xử lý dứt điểm chứ không thể dây dưa, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như tình hình phát triển KT-XH của TP.
Khởi công rầm rộ từ năm 2008 nhưng đến nay KPH thương mại Vũ Châu Long – “khu đất vàng” của Đà Nẵng vẫn thế này. |
Một DA được lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm là mở rộng khu vực chợ Hàn. Tại đây hiện có 6 nhà dân, còn lại hầu hết là nhà công sản. Trước đây TP dự kiến nhà đầu tư có trách nhiệm bố trí lại các hộ kinh doanh vào các tầng dưới của công trình sau khi đầu tư. Theo Sở Xây dựng, đối với DA này có 2 phương án: thứ nhất là giải tỏa và kêu gọi đầu tư khu đất phía đường Bạch Đằng (2.500m2) để xây dựng trung tâm thương mại khoảng 15 tầng, không ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh và dễ kêu gọi đầu tư. Đồng thời, cải tạo chỉnh trang sắp xếp lại các hộ kinh doanh nhằm đảm bảo mỹ quan chung. Phương án thứ hai là giữ ranh giới trước đây mà đưa vào danh mục đồ án chậm triển khai. Đồng chí Văn Hữu Chiến khẳng định đây là điểm nhấn của TP cho nên phải tăng cường kêu gọi đầu tư một cách đồng bộ và nhanh chóng.
Dù không có đồ án đề nghị hủy hoặc thu hồi nhưng thời gian qua dư luận rất quan tâm đến thời gian “treo” quá dài của KPH thương mại Vũ Châu Long, KPH Viễn Đông và công viên công cộng, bãi đậu xe. Với diện tích 8.450m2, Cty CP Địa ốc Vũ Châu Long đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ rất lâu nhưng DA này được triển khai chậm chạp, gây mất mỹ quan đô thị. Thời gian qua TP đã làm việc với chủ đầu tư và yêu cầu tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của DA trong quý I-2014. Nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi để kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực. Thời gian qua, người dân sống quanh khu vực này thường xuyên kiến nghị chuyện ô nhiễm môi trường. Vấn đề này, đồng chí Trần Thọ đã chỉ đạo chủ đầu tư có trách nhiệm khắc phục dứt điểm vào ngày 20-9. Trong khi đó, dù được phê duyệt quy hoạch vào năm 2008 nhưng cho đến nay KPH Viễn Đông vẫn ì ạch. Đồng chí Văn Hữu Chiến yêu cầu chủ đầu tư phải đôn đốc triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA. “Ngay cuối tháng 9 này, cả KPH thương mại Vũ Châu Long và KPH Viễn Đông phải có báo cáo cụ thể và cam kết triển khai. Không thực hiện sẽ xử lý dứt điểm”.
Đối với Khu thương mại phức hợp sân vận động Chi Lăng, đồng chí Văn Hữu Chiến chỉ đạo chủ đầu tư là Tập đoàn Thiên Thanh sớm có quy hoạch chi tiết và cam kết khởi công. “Đã giao đất là phải triển khai chứ bắt người dân di dời rồi mà để đó là không được. Cuối tháng 9 này phải có kế hoạch chi tiết trình lên TP” - đồng chí Văn Hữu Chiến nói.
Phối cảnh Khu phức hợp Viễn Đông tại “khu đất vàng” 4 mặt tiền hiện cũng chỉ là... phối cảnh! |
“Có tiếc cũng phải hủy”
Tại cuộc họp rà soát, DA KDL sinh thái Làng Vân (mở rộng) được lãnh đạo TP quan tâm và thảo luận nhiều nhất. KDL này có diện tích 300,6ha do Cty TNHH Vincom làm chủ đầu tư nhưng đến nay chưa có kế hoạch thực hiện. UBND Q. Liên Chiểu đề nghị giữ lại để quận khai thác tạo kinh tế địa phương, trong khi đó Sở Xây dựng kiến nghị chọn nhà đầu tư khác nếu Vincom không thực hiện DA. Đồng chí Trần Thọ chỉ đạo, đây là DA lớn, được Bộ Chính trị quan tâm, TP kỳ vọng và tạo điều kiện hết sức. Người dân làng Vân di dời trong một thời gian ngắn để nhường đất cho DA với hy vọng vực dậy tiềm năng kinh tế của quận, góp phần thúc đẩy KT-XH của TP. “Bây giờ tôi hỏi thật, nhà đầu tư có mặn mà không? Có quyết tâm không thì phải nói thật với nhau? Nếu mặn mà thì TP tạo điều kiện hết sức, gia hạn thêm cho 3 tháng nữa. Còn không được thì TP đành đứt ruột mà tuyên bố chấm dứt” - đồng chí Trần Thọ thẳng thắn. Đại diện chủ đầu tư hạ quyết tâm thực hiện DA.
Sự dứt khoát của lãnh đạo TP Đà Nẵng còn thể hiện đối với các DA chuyển đổi mục đích đầu tư. Đơn cử là DA Trường THPT Tư thục Nguyễn Hoàng, tiêu chuẩn quốc tế tại Q. Thanh Khê do Cty CP Công nghệ & Giáo dục Nguyễn Hoàng làm chủ đầu tư. Cty này có ý xin chuyển mục đích là đất giáo dục sang đầu tư lĩnh vực khác nhưng chưa thấy mô hình nào phù hợp, đồng chí Trần Thọ nói ngay: “Đất này chỉ dành cho giáo dục, tuyệt đối không chuyển mục đích khác. Không đầu tư được thì phải thu hồi”.
Sau khi nghe báo cáo và chỉ đạo cụ thể đối với từng DA, đồng chí Trần Thọ kết luận, để phát triển lâu dài thì công tác quy hoạch phải có tính khả thi, trong đó quan tâm đầu tiên là quyền lợi của người dân. Đối với DA không có khả năng thực hiện thì dù có tiếc cũng phải kiên quyết hủy bỏ. Mà hủy bỏ thì phải công bố rộng rãi, công khai để người dân thực hiện các quyền lợi liên quan như tách thửa, chuyển nhượng. Các DA điều chỉnh thì phải phù hợp với tình hình thực tế, nếu điều chỉnh giãn tiến độ thì phải kèm điều kiện cam kết thời gian triển khai và đảm bảo nguồn lực tài chính. “Kể cả quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch, phải làm sao để có lợi cho dân nhiều nhất, người dân được lợi thì ta mừng, đừng để dân thiệt” - đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh.
Công Khanh