Phải sớm có sản phẩm du lịch thủy nội địa đặc trưng cho Đà Nẵng
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại buổi làm việc với Sở Du lịch về tình hình phát triển du lịch đường thủy nội địa vào chiều 12-12. Theo báo cáo của Sở Du lịch, thành phố hiện có 24 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động, trong đó có 20 tàu hoạt động trên tuyến cảng Sông Hàn-cầu Trần Thị Lý và 4 tàu phục vụ tuyến Vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. Các tàu hoạt động từ 17 giờ 30 đến 22 giờ 30, riêng thứ 7 và chủ nhật đến 23 giờ. Dù sông Hàn được xem là một lợi thế cho du lịch đường sông nhưng một số tàu không được nâng cấp trong thời gian dài, dịch vụ chưa đa dạng, thiếu sản phẩm mới phục vụ du khách. Thậm chí đã có những tai nạn đường sông đáng tiếc do tàu không chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn.
Tàu du lịch hoạt động trong đêm trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. |
Ông Đặng Việt Dũng yêu cầu ngành du lịch sớm xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy nội địa, mở thêm các tour, tuyến mới, đa dạng các hoạt động trên tàu, trên sông để hấp dẫn du khách. Để hoạt động du lịch đường sông hướng đến chuyên nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Viện quy hoạch khẩn trương phê duyệt quy hoạch cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu, các cơ quan liên quan rà soát lại các điều kiện về an toàn, xuất bến, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cơ bản cho chủ tàu, thuyền trưởng và nguồn nhân lực phục vụ. Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, năm 2018, Đà Nẵng đón gần 500 nghìn lượt khách tham quan, du lịch qua bằng đường sông (tăng 42% so với năm 2017), cao điểm có đón 3.000 khách. Thị trường khách du lịch đường thủy chủ yếu là khách quốc tế với, đa số là khách Trung Quốc, Hàn Quốc.
ĐÔNG A