Báo Công An Đà Nẵng

Phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận, ứng xử trên lĩnh vực văn hóa thể thao

Thứ năm, 19/04/2018 14:40

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với ngành Văn hóa thể thao TP Đà Nẵng (VHTT TP) sáng 18-4. 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa kiểm tra công tác quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Lê Hùng

Được & chưa được

Báo cáo do Giám đốc Sở VHTT TP Huỳnh Văn Hùng trình bày cho thấy: Ngoài việc phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của TP, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, học tập, giải trí của người dân, góp phần quan trọng để Đà Nẵng trở thành điểm đến sự kiện và lễ hội hấp dẫn trong cả nước, trong năm 2017 và quý I-2018, ngành VHTT TP đã thực hiện khá tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa- lịch sử trên địa bàn. Đáng ghi nhận nhất là việc chủ động phối hợp Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên- Huế làm hồ sơ và được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia. Đây là di tích cấp quốc gia liên tỉnh đầu tiên trong cả nước. Mặt khác, ngành đã phối hợp  9 tỉnh miền Trung làm hồ sơ và được UNESCO công nhận nghệ thuật Bài Chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt. Một điều cần đáng ghi nhận nữa là sự phối hợp với Sở GD-ĐT đưa học sinh các cấp đến tham quan, tìm hiểu lịch sự và giáo dục  truyền thống tại các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Phong trào rèn luyện thể thao cũng được phát triển khá sâu rộng, chú trọng đào tạo vận động viên thành tích cao với việc đạt 246 HCV, 254 HCB, 322 HCĐ...

Tuy nhiên, việc đầu tư các thiết chế VHTT cơ bản của TP cũng như các thiết chế VHTT cơ sở hiện còn nhiều bất cập. Toàn Đà Nẵng hiện chỉ có 36/56 xã phường có thiết chế VHTT. Các hoạt động VHTT chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm, các hoạt động giải trí về đêm phục vụ người dân và du khách còn quá nghèo nàn. Đời sống văn hóa ở một số vùng ven, vùng xa chưa được chú trọng đúng mức. Đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên ngành nghệ thuật TP tuy khá đông nhưng ít có tác phẩm và công trình nghệ thuật gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với công chúng trong phạm vi cả nước. Thể thao thành tích cao đang có dấu hiệu chững lại, chiến lược thể thao thành tích cao đến năm 2020 của TP bộc lộ một số bất cập chậm điều chỉnh, ảnh hưởng đến việc đào tạo, huấn luyện VĐV thành tích cao... Sở cũng đã kiến nghị 9 đề xuất liên quan đến việc xây dựng các thiết chế VHTT, công tác di sản, bảo tàng, công tác xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị và công tác thể dục thể thao.

Cần đánh giá lại việc đầu tư, sử dụng các thiết chế VHTT

Tại buổi làm việc, đại diện các sở ban ngành quan tâm, đề cập nhiều là việc đầu tư, sử dụng các thiết chế VHTT trên địa bàn TP còn nhiều bất cập. Một thực tế là việc quy hoạch, đầu tư cho các thiết chế VHTT trên địa bàn TP đang ở trong tình trạng thiếu mà thừa, chưa phát huy được công năng sử dụng. Đại diện ngành Du lịch đơn cử, di tích lịch sử K20 khai thác chưa được hiệu quả; vệ sinh môi trường phục vụ cho việc tham quan di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan chưa được đảm bảo. Ông Bùi Xuân- Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị, ngành VHTT cần khảo sát lại toàn bộ các thiết chế VHTT ở cơ sở cũng như nhu cầu về xây dựng các thiết chế VHTT cơ sở để đề xuất với TP. Đại diện Sở Xây dựng nêu một ý kiến đáng lưu tâm đó là công tác quản lý, vận hành công trình sau khi được đưa vào sử dụng chưa được chú trọng. Không riêng gì lĩnh vực VHTT, thực tế hiện nay chúng ta chỉ mới chú trọng khâu xây dựng, không quan tâm đến khâu vận hành, bảo trì, dẫn đến công trình khi đưa vào sử dụng thì xuống cấp vì không có cơ chế bảo trì. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, đây là câu chuyện thực tế ở nước ta. Trong quá trình đi kiểm tra, Bí thư Thành ủy nhận thấy có nhiều công trình của các đơn vị xuống cấp đến "thảm thương", có cảm giác như "nhà mình thì lau chùi sạch sẽ, nhưng của công thì không quan tâm".  Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng lưu tâm đến việc sử dụng các thiết chế này đã thực sự hiệu quả, xứng đáng với sự đầu tư đó chưa? Bí thư Thành ủy lưu ý, năm 2018, TP tập trung rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, cũng như quy hoạch chung. Chủ trương, quyết tâm lớn của TP, sau khi quy hoạch, sắp xếp lại đất công sẽ ưu tiên dành cho các thiết chế VHTT. Vậy Sở VHTT đã có kế hoạch, đề xuất gì cho TP trong vấn đề này? Hay đây là vấn đề này của TP? 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở VHTT TP. Ảnh: P.T 

Bài học từ Nam Ô 

Trên cơ sở lắng nghe báo cáo, kiến nghị của các đơn vị trực thuộc Sở VHTT và  các ý kiến đóng góp liên quan đến lĩnh vực VHTT, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần thay đổi trong tư duy, cách tiếp cận và ứng xử đối với lĩnh vực VHTT. Ông lấy làm ngạc nhiên trong bối cảnh xã hội hiện đại mà vẫn giữ lối suy nghĩ, làm việc cũ, tự bó tay, bó chân mình.

Trong công tác bảo tồn gắn với quá trình quy hoạch, phát triển TP, Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu tâm đến bài học liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô gắn với các di tích lịch sử tại đây. Ông đề nghị ngành VHTT phải có đề án quy hoạch, bản đồ về di tích của TP, đặc biệt Sở phải đi trước một bước đừng để những di sản mất đi, hoặc đang có nguy cơ xâm hại rồi mới lên tiếng, đi sau dư luận, điển hình là các di tích ở Nam Ô. Bí thư Thành ủy cho rằng, đối với các di tích Nam Ô phải có cách bảo tồn, gìn giữ và ứng xử sao cho đúng. Bí thư Thành ủy lấy làm ngạc nhiên vì có quan điểm di dời đình Xuân Thiều sang một địa điểm khác. "Thử hình dung nếu di dời, xây một đình làng Xuân Thiều ở vị trí khác thì có còn là đình làng Xuân Thiều nữa hay không, hay đây là chỗ sinh hoạt cộng đồng của mấy dòng tộc họ? Có khác nào đề án chuyển tất cả di tích về một cụm, một chỗ để tham quan cho tiện? Suy nghĩ về văn hóa như thế là không ổn. Tại sao vẫn còn để quan điểm, tư tưởng đó tồn tại ở một số người?"- Bí thư Thành ủy trăn trở. Theo đó, ông cho rằng, ngành VHTT phải có ý kiến, có tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến với lĩnh vực VHTT. Ông đánh giá cao cách làm của ngành VHTT trong việc phối hợp với ngành VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế làm hồ sơ để di tích Hải Vân Quan được công nhận là di tích quốc gia liên tỉnh. Qua đó cho thấy cần có cách tiếp cận mới trong lĩnh vực văn hóa. Văn hóa không chỉ khoanh lại ở một địa phương.

 Cũng liên quan đến vấn đề cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận và ứng xử trên lĩnh vực VHTT, Bí thư Thành ủy nhắc đến câu chuyện quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn, đến câu chuyện về bán đảo Sơn Trà. Đối với một loạt ý kiến liên quan đến lĩnh vực VHTT, Bí thư Thành ủy đồng tình đồng thời đề nghị Sở VHTT thể hiện trách nhiệm của mình, phải chủ động, kịp thời, có tiếng nói trong quá trình quy hoạch, lập các dự án. Quan điểm chung của TP là phát triển nhưng phải bảo tồn các giá trị văn hóa bền vững. Bởi lẽ, văn hóa là nền tảng phát triển. Nếu không dựa vào văn hóa thì chúng ta không thể phát triển bền vững, lâu dài được. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng lưu tâm đến vấn đề xây dựng tiêu chí về TP đáng sống, xây dựng văn hóa có nét riêng của người Đà Nẵng. Trong xu thế phát triển, việc người nhập cư về Đà Nẵng là xu hướng không thể khác được. Tuy nhiên, khi đến đây thì cũng phải "nhập gia tùy tục". Và, xây dựng văn hóa Đà Nẵng phải gắn liền với văn hóa xứ Quảng.

Phan Thủy