Báo Công An Đà Nẵng

Phải thay đổi tư duy về nông dân

Thứ sáu, 15/05/2020 14:40

Ngày 14-5, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61, ngày 30-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, giai đoạn 2010-2020” (Kết luận 61). Hội nghị được tổ chức ngày 14-5.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 61 do Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Mai Thị Thu trình bày cũng như các tham luận tại hội nghị cho thấy, thời gian qua, đời sống của nông dân thành phố được cải thiện, số lượng hội viên nông dân toàn thành phố tăng lên gần 45 ngàn người (trong đó có hơn 2.000 hội viên là ngư dân với 1.260 tàu thuyền đang hoạt động). Các cấp hội nông dân đã tổ chức vận động, tuyên truyền cán bộ, hội viên nông dân tạo sự đồng thuận cao trong quá trình phát triển.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 61 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, những kết quả, thành tích ấy đã được cụ thể hóa bằng các con số thể hiện trong báo cáo tổng kết. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn đó nhiều hạn chế, nhất là ở việc xây dựng lực lượng nông dân phù hợp với đặc thù của TP Đà Nẵng hiện nay. Đà Nẵng hiện có lực lượng nông dân khá đặc thù so với nông dân thuần túy ở các địa phương khác, một trong số đó là nông dân Đà Nẵng chủ yếu sống ở đô thị. Nhấn mạnh đến vấn đề này, theo ông Quảng là để nhìn nhận, đánh giá lại một trong các nhiệm vụ rất quan trọng của HND các cấp đó là việc xây dựng lực lượng.

Ông Quảng nói, trong báo cáo bàn nhiều, nói nhiều về số lượng, tuy nhiên lại chưa đề cập đến chất lượng, đặc biệt là chưa thống kê được số lượng nông dân được đào tạo chuyên nghiệp là bao nhiêu, có những ngành nghề gì mang tính chất đặc thù của nông dân Đà Nẵng, nhất là về kỹ năng, kỹ thuật canh tác. Đó là chưa kể, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của nông dân Đà Nẵng là gì? Chưa phân định được hai lực lượng nông nghiệp và ngư nghiệp, nhất là cơ chế phát triển lực lượng ngư dân là chưa rõ nét, thậm chí không có...

Ông Quảng đề nghị HND TP phải thống kê cụ thể lực lượng ngư dân trong số hơn 44 ngàn hội viên HND là bao nhiêu, được đào tạo như thế nào, trình độ ra làm sao? Số lượng tàu thuyền, các trang thiết bị đã đảm bảo hay chưa? “Ngư dân của Đà Nẵng khác với ngư dân ở các địa phương khác, phải làm rõ mạnh cái gì, yếu cái gì, vai trò của họ trong việc phát triển kinh tế và trong bảo vệ chủ quyền biển đảo là cái gì?”, ông Quảng nói, đồng thời cho biết, nhấn mạnh đến vấn đề này là để thấy cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác xây dựng lực lượng nông dân, trong đó có cả nông nghiệp và ngư nghiệp.

Liên quan đến các ý kiến tại hội nghị cho rằng người nông dân Đà Nẵng đa số đã cao tuổi, và xem đây là một khó khăn, hạn chế trong việc phát triển lực lượng cũng như đào tạo. Ông Quảng lại có cách nhìn lạc quan hơn và yêu cầu phải xem xét lại quan điểm này. “Nông dân là ai, đó là cha mẹ chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận một thực trạng là người nông dân khác với công nhân. Người ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở nông thôn, và tất nhiên họ phải già đi. Và tôi cho rằng đây lại là lực lượng nòng cốt của nông dân Đà Nẵng trong thời gian tới. Trong khi lực lượng trẻ đa số đều lập nghiệp tại các đô thị, vậy chúng ta đòi hỏi nông dân phải là lực lượng trẻ thì không thể được”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nói.

Lấy ví dụ ở các nước phát triển, đơn cử như Nhật Bản – ông Quảng cho biết “họ luôn coi trọng lực lượng lớn tuổi, thậm chí đa số nông dân Nhật Bản là người già”. Còn ở Việt Nam, và ngay cả Đà Nẵng hiện vẫn chưa coi trọng và chưa có chính sách phù hợp với những người lớn tuổi (còn có sức lao động-P.V) về nông nghiệp. Trong khi đó, đây lại chính là lực lượng có kinh nghiệm để làm nông nghiệp. “Chúng ta phải xác định rõ lực lượng nòng cốt để áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, ngư nghiệp khác với trong các nhà máy ở chỗ là tất cả phải đồng đều về mặt trình độ, còn nông dân mà cứ đòi hỏi đồng đều về mặt trình độ thì không bao giờ có được. Tôi muốn nhấn mạnh ý này để trong nhận thức của các cấp HND khi xây dựng lực lượng cần phải xem lại. Rất nhiều các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tập trung hiện nay thì chỉ một vài người đầu tàu, một vài kỹ sư là những người trẻ tuổi, còn đa số thì vẫn là những lao động trực tiếp – là lao động thói quen, được hướng dẫn và đa số đều lớn tuổi. “Những thói quen trong canh tác, sản xuất nông nghiệp của họ lại trở thành nguồn lực chính để thực hiện việc áp dụng công nghệ cao. Tư duy này cần phải được xem xét, thay đổi trong thời gian tới”, ông Quảng nhấn mạnh.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh trao Bằng khen cho 11 tập thể.

Liên quan đến vai trò của các cấp HND trong việc xây dựng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nêu trong Kết luận 61, theo ông Nguyễn Văn Quảng thì hai vấn đề này về mặt bản chất là gắn liền với nhau. Ông Quảng đề nghị Thường trực cấp ủy các quận, huyện ủy tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo HND các cấp, đặc biệt là trong thực hiện 3 nội dung của Kết luận 61. “Nòng cốt, trọng trách nặng nề ở đây đặt lên vai Thường trực cấp ủy, nhất là ở Hòa Vang – địa bàn trọng yếu trong phát triển nông nghiệp, lực lượng nông dân và xây dựng nông thôn mới”, ông Quảng nhấn mạnh...

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố đã quyết định tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư.

D.HÙNG