Phải xây dựng thương hiệu
(Cadn.com.vn) - Đến thời điểm này của năm 2013, lượng gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt gần 4,7 triệu tấn, trị giá XK (theo giá FOB) đạt 2,005 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2012 XK gạo của Việt Nam giảm cả số lượng và trị giá (số lượng giảm 7,86%, trị giá 10,98%). Cùng với đó, mức giá XK bình quân cũng giảm 15,04 USD/tấn. Với tình hình này, XK gạo Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Theo các nhà chuyên môn, xây dựng thương hiệu cho gạo XK là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh sản xuất (SX) và XK gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Thực tế nhiều bất cập
Theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngành SX, XK gạo Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết, chất lượng gạo XK của Việt Nam chưa được đánh giá cao trên thị trường, chưa xây dựng được thương hiệu gạo, giá gạo XK không ổn định. Thêm nữa, nhiều thương nhân XK gạo không thực sự định hướng đầu tư lâu dài, thiếu chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường, chưa gắn kết được khâu SX với chế biến XK.
Ngoài ra, SX hiện chưa thực sự hướng tới yêu cầu của thị trường tiêu thụ, thậm chí là theo những lợi ích trước mắt mà chưa tính đến những lợi ích lâu dài. Một số nơi SX không đảm bảo kỹ thuật canh tác dẫn tới chất lượng không đảm bảo nên DN khó thu mua, XK và người SX phải chấp nhận bán giá thấp.
Một khó khăn khác cũng được Bộ Công thương đề cập, đó là thị trường gạo đang có những thay đổi quan trọng những năm gần đây, nhiều nước SX, XK gạo đã có những thay đổi về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo. Một số quốc gia đã dùng ngân sách rất lớn để mua gạo với giá cao cho người SX như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc; một số nước tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác nên gạo có chất lượng và có thương hiệu hoặc tận dụng ưu thế về vị trí địa lý gần thị trường tiêu thụ, cước vận tải thấp để giành ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, Ấn Độ, nước SX gạo lớn thứ 2 thế giới đã quay lại thị trường XK, trong khi các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo XK. Trong khi đó, các nước nhập khẩu lại thực hiện điều chỉnh chính sách nhập khẩu theo hướng tăng cường tự túc lương thực, đa dạng hóa nguồn cung... Tình hình trên làm tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước XK và làm thay đổi quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.
Xuất khẩu gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước. |
Phải xây dựng thương hiệu
Theo ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương, để giải quyết tình trạng giá XK gạo giảm, trước hết phải định hướng phát triển SX lúa gạo theo hướng phải căn cứ vào nhu cầu thị trường XK cả về số lượng, chất lượng... Đồng thời, chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác, thu mua, bảo quản, chế biến cho người SX lúa và đặc biệt phải kiểm soát tốt quy trình SX để SX lúa gạo hàng hóa có giá trị cao, phục vụ XK.
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh giải pháp quan trọng là phải tập trung vào việc phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam. Theo đó, VFA cần phối hợp với các địa phương và các DN để tăng cường quảng bá thương hiệu nhằm giúp gạo Việt Nam có cơ sở khẳng định vị trí, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đó là tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm gạo Việt Nam; tổ chức các chương trình đón các DN nhập khẩu của nước ngoài vào Việt Nam trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu và nhập khẩu gạo Việt Nam.
Muốn có thương hiệu đích thực, chất lượng gạo phải luôn thống nhất theo một chuẩn mực mà người tiêu dùng chấp nhận. Muốn vậy, Việt Nam phải có chiến lược thương mại hóa sản phẩm theo nguyên tắc bắt đầu từ hạt lúa. Nghĩa là DN phải đầu tư vùng nguyên liệu từ khi gieo sạ, thu hoạch cho đến lúc chế biến thành phẩm. Tất cả mọi tiêu chuẩn công bố với khách hàng phải thực sự đúng. Khi có được chữ “tín” với khách hàng thì sẽ trở thành thương hiệu mạnh - GS.TS Bùi Chí Bửu - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho biết.
Những bước đi ban đầu
Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã công bố Quy hoạch kinh doanh thương nhân XK gạo. Theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ kiện toàn, ổn định số lượng tối đa 150 đầu mối thương nhân kinh doanh XK gạo. Quy hoạch đề ra các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận gồm: kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo phải nằm trên địa bàn các địa phương trong quy hoạch; ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa... Không chỉ trước mắt, về lâu dài đây sẽ là những giải pháp góp phần đảm bảo sự ổn định, bền vững cho hoạt động SX, kinh doanh XK gạo Việt Nam.
Tiên phong cho hướng đi này là An Giang và Long An khi đang có nhiều DN ngỏ ý muốn làm vùng nguyên liệu để SX gạo. Lý do các DN muốn tham gia là vì có vùng nguyên liệu thì DN mới có lượng gạo ổn định, chất lượng cao, qua đó nâng cao được giá gạo XK. Mấy năm qua đã có một số DN XK gạo bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các cánh đồng mẫu lớn và mô hình thành công nhất là của Cty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex).
Từ năm 2008, Cty này đã xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình “cánh đồng liên kết”. Angimex cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân, rồi thu mua lúa chế biến XK. Từ chỗ chỉ vài héc-ta thử nghiệm, đến nay đã là 9.000ha.
Tại Hội thảo mô hình “Liên kết SX và tiêu thụ lúa gạo” do VFA tổ chức ngày 17-9, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA khẳng định: với lợi ích của mô hình liên kết giữa SX và tiêu thụ lúa gạo do một số DN thực hiện, bắt đầu từ vụ đông xuân 2013-2014 các DN sẽ phải triển khai mô hình này. Đây là hướng đi đúng và đã được lấy ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành.
P.V