Báo Công An Đà Nẵng

Phẩm chất của những nhà báo lớn

Chủ nhật, 12/07/2020 17:32

Những nhà báo lớn ở nước ta như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Phan Thanh, Vũ Bằng, Hoàng Tích Chu... được coi như những cây đa cây đề, để lại dấu ấn trong lịch sử báo chí nước nhà... Còn ở các nước, những tên tuổi như Harrison E. Salisbury, Walter Cronkite, Barbara Walter, Jean Lacouture... nơi có nền báo chí đi trước Việt Nam, cũng là những đại thụ đã từng làm xoay chuyển tình thế bằng chính ngòi bút và những cách tân trong nghề báo, ảnh hưởng lớn đến những thế hệ đi sau...

Salisbury và “Nhật ký trong tù”.

1. Ở Việt Nam, ngoài những nhà báo Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, chúng ta còn có những cây bút lẫy lừng khác như Hải Triều, Phan Thanh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Vũ Bằng... Nhưng họ đã được nhiều nghiên cứu nhắc đến. Ở đây, tôi xin nhắc đến một trường hợp khá đặc trưng là cụ Hoàng Tích Chu (1897 - 1933) bởi cụ đã để lại một dấu ấn đặc biệt và cả đặc sắc trong lịch sử báo chí Việt Nam. Ông là chủ bút 4 tờ báo lớn khi còn khá trẻ đồng thời đã làm đảo lộn cách viết báo và làm báo đương thời.

Hoàng Tích Chu người H. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình quan lại. Ông theo học chữ Hán từ nhỏ rồi quay sang học tiếng Pháp. Năm 1921, ông bắt đầu nghề báo bằng chân giúp việc cho tòa soạn tạp chí Nam Phong. Tháng 7 năm đó, báo Khai Hóa của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi ra đời đã chọn ông làm chủ bút. Với bút danh Kế Thương, Hoàng Tích Chu đã trở thành cây bút gây đình đám trong làng báo. Năm 1923, Hoàng Tích Chu vào miền Nam và sang Pháp học nghề báo đến năm 1927 quay về nước với kết quả là một chuyên luận “Câu chuyện nhựt trình trong hồi cách mạng nước Pháp”. (NXB Xưa Nay, Sài Gòn, 1927). Lý tưởng làm báo của Hoàng Tích Chu là: “Nếu đã thật gọi là lấy thân hiến nước thì dù bằng ngòi bút hay cây gươm, đôi đàng đều có thế lực ngang nhau” như một tuyên ngôn của ông lúc đó đối với quyền tự do ngôn luận. Dưới ách thực dân mà ông đã viết như thế này: “Đời không có tự do là đời bỏ đi. Người có giá trị vì người có tự do. Tự do, làm người ai cũng có từ thuở mới lọt lòng. Khi nào mất, có quyền đòi, không phải xin, xin chẳng ai cho, đòi kỳ bằng được”...

Hoàng Tích Chu và Đông Tây tuần báo.

Ngày 1-6-1927, Hà thành ngọ báo ra đời tại Hà Nội do Hoàng Tích Chu làm chủ bút. Trong lúc nền báo chí nước ta câu chữ còn lê thê theo lối biền ngẫu, các bài báo giảng giải luân lý, triết học rối rắm khó hiểu mà người bình dân không đọc được. Hoàng Tích Chu, cũng như Phan Khôi, đã thực hiện một loạt thay đổi như sử dụng lối văn mới, gọn gàng nhưng nhiều thông tin, xã luận do ông viết ngắn và sát thực với đời sống, tin tức được cập nhật lên trang đầu, thay vì đưa vào các trang trong. Nhưng lại mâu thuẫn với chủ báo nên tháng 11- 1929, Hoàng Tích Chu đã cùng với Đỗ Văn đứng ra thành lập tờ báo Đông Tây do mình làm chủ và nổi tiếng ngay lúc đó. Với bút danh là Văn Tôi, Hoàng Tích Chu đề cập tới những vấn đề thiết thực hàng ngày của số đông dân chúng. Một loạt các mục mới và hấp dẫn như Hôm nay, Bia miệng, Chuyện lạ đường rừng, Trắng đen, Cuốn phim... và nhiều tranh ảnh minh họa phản ánh các khía cạnh đời thường đã làm cho tờ báo giàu lượng thông tin, gắn bó mật thiết với cuộc sống dân chúng, được người đọc ủng hộ. Tờ Đông Tây được đánh giá là báo bán chạy nhất miền Bắc lúc đó và tạo ảnh hưởng với nhiều tờ báo đương thời. Khi Đông Tây bị thực dân thu hồi giấy phép thì tờ Thời báo lại được tái bản, Hoàng Tích Chu lại được mời làm chủ bút và tiếp tục gây tiếng vang trong dư luận. Tiếc thay, Thời báo chỉ ra được 20 số thì bị đình bản và Hoàng Tích Chu qua đời vào dịp Tết năm 1933 sau đó không lâu. Các báo đương thời như Tràng An đã xưng tụng ông là “ông tổ văn mới”!

Rõ ràng bên cạnh những bình luận báo chí và lối viết sắc sảo của Phan Khôi, một quan niệm làm báo “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói” của chủ bút Tiếng Dân, Hoàng Tích Chu là một trong những người đầu tiên viết văn mới và cách tân báo chí mạnh mẽ, tạo ra ảnh hưởng tích cực ở nửa đầu thế kỷ XX của lịch sử báo chí nước ta...

2. Có hai nhà báo lớn khác, một ở Mỹ và một ở Pháp. Họ là những nhà báo có tầm ảnh hưởng thế giới nhưng đặc biệt lại gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam là Harrison E. Salisbury và Jean Lacouture...

Jean Lacouture.

Salisbury là nhà báo nổi tiếng của tờ The New York Times, từng đoạt giải Pulitzer năm 1955. Ông vừa là nhà báo xông xáo và nhà cách tân nổi bật về mặt làm tin tức báo chí ở Mỹ... từ thời chiến tranh lạnh đến nay. Salisbury từng phụ trách công tác phóng viên trên toàn nước Mỹ giai đoạn 1962-1964, tổ chức biên soạn một cuốn sách dày về gia đình Tổng thống Kennedy sau vụ ám sát hồi năm 1963. Ông cũng từng làm Trưởng đại diện của Times ở Moscow trong nhiều năm và đến Hà Nội ngay trong chiến tranh đang diễn ra ác liệt (1967) để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nghỉ hưu năm 1973 và mất tại Mỹ trong một cơn đau tim đột ngột trên đường phố ở bang Massachusett vào năm 1993, thọ 84 tuổi.

Salisbury là tác giả của 29 cuốn sách, trong đó có cuốn thuộc loại best seller: “The 900 Days: Cuộc vây hãm Leningrad” (1969), dịch thuật và giới thiệu “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh (7-1971) đồng thời là biên tập viên đầu tiên của trang nổi tiếng Op-Ed tại The Times. Sau đó, là một trong những Tổng biên tập của tập đoàn The Times, là người góp công duy trì và nâng cao chất lượng của sự đa dạng tin tức báo chí.

Cùng với các biên tập viên khác, Salisbury đã góp phần làm phong phú nhiều loại tin tức khác nhau trên thế giới liên quan đến nghệ thuật và tôn giáo, ủng hộ sự đổi mới tin tức của The Times.

Là một nhà báo và một tác giả, Salisbury luôn chứng tỏ sự gan dạ, dám nghĩ dám làm và không mệt mỏi. Cuốn sách sau cùng của ông, “Heroes of My Time”, xuất bản đầu năm 1993 đã được Michael Janeway, hiệu trưởng trường báo chí Medill School of Journalism (Northwestern University) giới thiệu và đề nghị gọi Salisbury là một tượng đài của nhà báo thẳng thắn, can đảm, chiến sĩ đơn độc chống lại khuynh hướng chính thống (“monument to the fine perversity of the reporter in the field who deals in grit, risks life and limb and tilts against orthodoxy”). Sau khi mất, nhiều nhà phê bình danh tiếng đã xưng tụng ông như một trong những nhà báo vĩ đại nhất trong thế kỷ XX!

Trong khi đó tại nước Pháp, Jean Lacouture là một nhà báo đã để lại một di sản vô cùng phong phú với hàng nghìn bài báo và 71 cuốn sách viết về tiểu sử của nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng của Pháp và thế giới trong thế kỷ XX như Charles de Gaulle, Francois Mitterrand, Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Jean Lacouture sinh năm 1921 tại Bordeaux, tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris, trở thành tùy viên báo chí của Tướng Leclerc vào cuối Thế chiến II. Sau chiến tranh, ông cộng tác với các báo Combat, France-Soir, Nouvel Observateur. Người ta gọi ông là một grandreporter từ sự nghiệp gần 20 năm làm việc cho tờ báo nổi tiếng Le Monde và là một Trưởng ban Hải ngoại với những bình luận sắc sảo, bản lĩnh với những ý kiến độc lập...

Trước khi về Paris, vào những năm 1946 đến 1950, ông từng đến Tunisia và Maroc, và làm phóng viên về chiến tranh của Pháp tại Đông Dương. Theo nhận định của TTX Việt Nam, chính công việc này ông nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình thành quan điểm phản đối các chính sách thực dân và các cuộc chiến tranh tại các nước thuộc địa. Qua các bài báo, ông thể hiện quan điểm cánh tả tiến bộ của mình. Các cuốn sách “Việt Nam giữa hai nền hòa bình” và “Hồ Chí Minh” được nhà xuất bản Le Seuil ấn hành năm 1965 và 1967 tập hợp nhiều bài báo in trên báo Le Monde đã cảnh báo về sự bế tắc của các cuộc chiến tranh của cả Pháp và Mỹ và bày tỏ nhiều thiện cảm với Việt Nam...

Điều quan trọng với tư cách một nhà báo, những bài viết của Jean Lacouture trên báo Le Monde, theo đánh giá của các nhà quan sát chính trị là nó đã “tác động đến một bộ phận chính giới và người dân Pháp về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam...”. Năm 2003, Jean Lacouture đã được trao Giải thưởng lớn về lịch sử của Viện Hàn lâm Pháp và 10 năm sau, chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh vì những đóng góp vào tiến trình phi thực dân hóa những năm sau Thế chiến II và hơn 70 tác phẩm khác...

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi Jean Lacouture là “chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho tiến trình phi thực dân hóa”, “một nhà báo độc lập, can đảm và đam mê, đã viết lại lịch sử Pháp đúng như những gì đã diễn ra”... khi ông qua đời ở tuổi 84.

3. Ngoài ra, trong số những nhà báo nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn tới báo chí thế giới cũng phải kể đến những người từng lăn lộn ở Việt Nam những năm chiến tranh như phóng viên người Mỹ, Walter Cronkite (1916 - 2009) chủ nhiệm chương trình Evening News (Bản tin thời sự buổi tối) của CBS. Ông được tôn vinh là “Người đàn ông đáng tin cậy nhất ở Mỹ” và nổi danh cùng các sự kiện như Thế chiến II, vụ ám sát John F. Kennedy, cuộc đổ bộ của con người lên mặt trăng, cuộc chiến tranh Việt Nam...

Bên cạnh đó, còn có một Barbara Walters (1925) là một trong những nhà báo nữ có ảnh hưởng lớn tới báo chí thế giới của hãng NBC. Bà cũng là một trong những phụ nữ đầu tiên thành công trong nghiệp báo từ một nhà nghiên cứu nhảy sang làm báo bằng những cuộc phỏng vấn truyền hình sắc sảo với các nhân vật nổi tiếng như Nghị sĩ Robert Kennedy, các Tổng thống Putin, G. Bush... Những phỏng vấn của bà đã được tổng hợp thành giáo trình “kỹ năng phỏng vấn” để giảng dạy ở nhiều trường đại học...

Tóm lại, dù là ở Việt Nam hay nước ngoài, những nhà báo lớn có ảnh hưởng đến làng báo và công chúng thường là những người đi nhiều, đọc (và học) rộng, có lòng yêu nghề sâu sắc và luôn biết “lạ hóa” nghề nghiệp của họ bằng những suy nghĩ, hành động cách tân, độc lập. Đó chính là “phản biện của nghề báo” trước khi trở thành người phản biện đối với những vấn đề xã hội, thời sự sâu rộng! 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG